Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi lây lan chóng mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa ban hành công văn về cấp bách phòng chống, khống chế dịch.
Công văn này yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã và TP.Huế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tuân thủ hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh nông thôn; hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch; củng cố, tăng cường hệ thống thú y các cấp...
Cơ quan chức năng tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi lợn có dịch tả lợn châu Phi ở Thừa Thiên- Huế.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan mặt trận, đoàn thể vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, phương tiện, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh và giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch bệnh này.
Bên cạnh đó, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tiến hành thành lập các đoàn để kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng chống, khống chế dịch tại cơ sở. Đồng thời, những người này phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để dịch lây lan trên diện rộng tại địa phương, đơn vị do mình phụ trách.
Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên đàn lợn của 1.076 hộ chăn nuôi ở 303 thôn, 69 xã thuộc 8/9 huyện, thị ở Thừa Thiên- Huế gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế.
Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là hơn 4.000 con, ước tính thiệt hại do hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy khoảng 10 tỷ đồng.
So với thời điểm cách đây khoảng hơn 1 tuần, số hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi và số lợn mắc bệnh, tiêu hủy ở tỉnh tăng gấp đôi.
Đến nay, Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cấp khoảng 30.029 lít hóa chất để các địa phương triển khai thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Các địa phương có dịch cũng đã chủ động mua hơn 250 tấn vôi để rải tiêu độc tại các tuyến đường giao thông chính và các hố chôn hủy.
Cùng với 2 chốt trên quốc lộ 1A ở hai đầu tỉnh, các cơ quan chức năng còn lập 61 chốt kiểm dịch tại các địa phương có dịch để kiểm soát, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật.
Tại địa phương còn lại ở tỉnh Thừa Thiên- Huế chưa phát hiện ổ dịch là huyện Nam Đông, 2 chốt kiểm dịch dã chiến cũng đã được thiết lập trên tuyến đường La Sơn - Nam Đông và trên cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua địa bàn huyện này.