Và cho đến nay, chỉ duy nhất một quốc gia đưa được người lên Mặt Trăng. Còn với Sao Hỏa và các hành tinh xa xôi hơn nữa? Ta có thể đến đó, ít nhất là chỉ bằng các tàu thăm dò không người lái, mặc dù điều này mất rất nhiều công sức và cả núi tiền của. Cho đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất thực hiện được điều này.
Trung Quốc đã phóng mô đun Thiên Cung I, mở đường xây dựng trạm vũ trụ riêng |
Nhưng nước Mỹ ngày nay không còn dành quá nhiều quan tâm cho các chuyến bay có người lái vào vũ trụ. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm hành trình cuối cùng của tàu Apollo, để rồi tiếp sau đó là kỷ nguyên tàu con thoi.
Hiện tại cả tàu con thoi cũng không còn hoạt động, và để lên trạm quỹ đạo, nước Mỹ đang phải thuê phi thuyền Soyuz của Nga. Mặc dù NASA và chính phủ Mỹ cam kết rằng các phi hành gia Mỹ sẽ sớm trở lại vũ trụ, nhưng điểm đến và thời điểm mục tiêu vẫn còn mơ hồ, kiểu như “một lúc nào đó”, “một nơi nào đó”. Mà trong cuộc chơi vũ trụ, điều đó đương nhiên được hiểu là “không ở đâu” và “không bao giờ”!
Trong khi đó, một nhân tố mới đã nổi lên và đạt được những tiến bộ nhanh chóng trên đường đua vũ trụ. Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng về các kế hoạch thám hiểm vũ trụ đầy tham vọng của mình trong những năm tới.
Chỉ tới năm 2003, Trung Quốc mới đưa được nhà du hành đầu tiên lên quỹ đạo Trái Đất và trở thành một trong 3 quốc gia trên thế giới đạt được thành tựu này. Năm 2008, họ đã thực hiện được hành trình lên quỹ đạo gồm 3 người, bao gồm cả một cuộc đi bộ ngoài không gian, và tiếp theo là cuộc lắp ghép không người lái giữa hai phi thuyền trên quỹ đạo Trái Đất.
Năm nay, Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện một cuộc lắp ghép có người lái. Trong khi đó, hai phi thuyền không người lái của Trung Quốc đã bay quanh Mặt Trăng để thăm dò bề mặt phục vụ cho một cuộc hạ cánh không người lái được lên kế hoạch vào năm 2016 cũng như những sứ mạng có người lái sau đó.
Có thể người Mỹ sẽ phản ứng: “Vậy thì sao? Nước Mỹ chẳng đã làm được tất cả những điều này từ trước khi Tổng thống Nixon tới Trung Quốc?”. Câu trả lời sẽ là: “Nước Mỹ ngày nay đã không thể tự thức tỉnh để đẩy mạnh các dự án không gian nữa, còn Trung Quốc thì có”.
Tổng thống Bush “cha” tuyên bố năm 1989: “Chúng ta quyết định sẽ tới Sao Hỏa!”. Nhưng cho đến khi nhóm chuyên gia ngân sách của ông đưa ra con số 500 tỉ USD, ý tưởng lớn lao này bị gác lại một cách lặng lẽ.
Năm 2004, Tổng thống Bush “con” khẳng định: “Chúng ta quyết định trở lại Mặt Trăng”. Và kế hoạch này cũng không thể vượt qua những thách thức về tài chính và thời gian, để rồi nó chính thức bị chính quyền kế tiếp của Tổng thống Barack Obama hủy bỏ.
NASA ngày càng có nhiều những dự án “start-stop” (bắt đầu-dừng ngay) như vậy. Điều này không chỉ hủy hoại danh tiếng mà còn gây tốn kém rất nhiều tiền bạc. Hơn 9 tỉ USD phát triển bệ phóng cho chương trình Mặt Trăng đã bị hủy bỏ gần đây, có nghĩa là 9 tỉ USD không bao giờ lấy lại được.
Trong khi đó, những thay đổi trong chính trị ở Mỹ là một khó khăn mà Trung Quốc không phải đối mặt. Tại Mỹ, từ sự kiện Sputnik năm 1957 (Liên Xô lần đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái Đất) tới lần cuối cùng tàu Apollo lên Mặt Trăng năm 1972, nước Mỹ đã trải qua 4 đời tổng thống, 8 khóa quốc hội. Mục tiêu tới Mặt Trăng của Mỹ không hề thay đổi trong thời gian này. Nhưng chính trường Mỹ ngày nay đã khác và họ không còn kiên định với mục tiêu đó.
Với Trung Quốc, ổn định chính sách cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là một thuận lợi lớn cho cường quốc không gian mới nổi này. Chương trình đưa người vào vũ trụ của Trung Quốc liên tục phát triển với nguồn ngân sách 2 tỷ USD/năm. Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ mở trạm quỹ đạo riêng vào năm 2020, khi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đóng cửa.
Với tốc độ phát triển hiện nay, họ cũng được dự đoán là sẽ đưa được người lên Mặt Trăng trong vòng một thập niên tới. Khi Mỹ đang thu hẹp tham vọng chính phục không gian, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường cuộc đua trước các đối thủ như Nhật Bản, Ấn Độ, Braxin.