Hình ảnh công an khống chế người và máy bừa nát ruộng lúa khi sắp đến ngày thu hoạch được chia sẻ lên mạng xã hội.
Để tìm hiểu rõ thực hư của câu chuyện, phóng viên Dân Việt đã tìm về tận cánh đồng, nơi được cho là xảy ra sự việc gây bất bình trong dư luận những ngày qua.
Theo người dân nơi đây, đúng là có chuyện khoảng vài tuần trước có cuộc cưỡng chế bừa nát lúa, rau muống khi sắp đến ngày thu hoạch ở đây. Mảnh ruộng này có sự tranh chấp giữa gia đình ông Vũ Văn Hoàng, trưởng khu 4 , xã Hoàng Cương và gia đình bà Nguyễn Thị Nghìn cũng ở cùng khu.
"Trước khi cưỡng chế, hai gia đình vẫn thường xuyên mâu thuẫn, đánh nhau", một người dân cho biết.
Đứng cạnh mảnh ruộng rộng hàng nghìn m2, nước đã ăm ắp, bừa phẳng lì, chờ đến ngày cấy, ông Vũ Văn Hoàng không khỏi uất nghẹn: "Đất nhà tôi được giao nhưng có làm được đâu. Vừa bừa xong, chuẩn bị cấy thì thấy 8 lọ thuốc diệt cỏ ở đầu bờ. Sợ quá, tôi phải báo công an xã, đồng thời cho thau rửa lại mặt đất, trong khi xung quanh họ đã cấy gần như xong hết rồi".
Cũng theo ông Hoàng, cuối năm 2017, đầu năm 2018, khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, theo nghị quyết của khu sẽ dành 7 mảnh ruộng ưu tiên cho gia đình chính sách. Vì là trưởng khu, lại không muốn mang tiếng là có tiêu cực nên ông cho các hộ bốc thăm trước, khu đất còn lại gia đình ông sẽ sử dụng.
Ông Vũ Văn Hoàng bức xúc trước việc gia đình bà Nguyễn Thị Nghìn canh tác trên khu ruộng mà nhà nước đã giao cho gia đình ông. Ảnh Ngô Hùng
"Sau khi mọi người bốc thăm, không ngờ gia đình tôi lại được thửa ruộng sát mặt đường, thuận tiện nước tưới tiêu và vận chuyển. Tháng 12.2018, tôi được giao đất và tiến hành cho máy vào bừa, tuy nhiên, khi vừa bừa xong thì gia đình bà Nguyễn Thị Nghìn ở cùng khu lại mang mạ ra cấy nên đã xảy ra mâu thuẫn giữa 2 gia đình", ông Vũ Văn Hoàng chia sẻ.
"Tôi không biết mâu thuẫn giữa gia đình ông Hoàng và gia đình bà Nghìn thế nào. Tuy nhiên, gia đình nhà bà Nghìn thuộc gia đình chính sách lại không được cấp đất tại đây, trong khi có gia đình nhà Tách - Bằng, không thuộc diện lại được cấp đất. Có lẽ vì hiện gia đình nhà bà Nghìn còn thiếu mấy trăm m2 nữa nên mới nhằm thửa đất của gia đình ông trưởng khu mà làm?", ông Nguyễn Văn Quyết, trú tại khu 4, xã Hoàng Cương nhận định.
Ông Nguyễn Văn Quyết trao đổi với phóng viên. Ảnh Ngô Hùng
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã tìm gặp bà Nguyễn Thị Nghìn, cùng chồng bà là ông Nguyễn Dương Luyến. Gặp phóng viên, bà Nghìn cho biết: Đúng là không ở đâu có chuyện lạ lùng như thế, lúa đã đỏ đuôi, rau muống lên xanh tốt chờ ngày thu hoạch, hái bán thế mà chính quyền xã lại huy động cả chục người xuống khống chế vợ chồng tôi rồi thuê máy bừa nát hết cả.
Cũng theo bà Nghìn, không chỉ việc gia đình bà có 2 liệt sỹ, bố mẹ chồng, vợ chồng chị gái chồng và 1 người anh bị tàn tật sống nhờ trợ cấp không được giao đất mà trong quá trình dồn điền đổi thửa, gia đình bà vẫn còn thiếu hơn 200m2.
"Sau khi dồn điền đổi thửa, thấy thiếu đất, lại nghe mọi người cho biết có khu đất dành cho gia đình chính sách, tưởng là đất vô chủ nên gia đình tôi ra cấy lúa. Trong khi đang cấy thì gia đình nhà ông Hoàng ra ngăn cản, đồng thời xã cũng xuống lập biên bản", bà Nghìn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nghìn cho biết do gia đình còn thiếu đất nên mới ra khu vực ưu tiên để trồng trọt. Ảnh Ngô Hùng
"Tôi quay clip tung lên mạng không có ý bôi nhọ chính quyền mà chỉ ghi nhận sự việc có chuyện công an và lãnh đạo xã xuống khống chế người dân và cho máy bừa nát lúa và rau muống thôi", anh Nguyễn Văn Dương trú tại khu 1, xã Hoàng Cương, người quay clip (đồng thời là con rể của bà Nghìn, ông Luyến) và tung lên mạng chia sẻ.
Trao đổi với Dân Việt liên quan đến những vấn đề trên, ông Trần Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba thừa nhận có việc chính quyền xã thuê máy, xuống bừa nát ruộng lúa, rau muống của người dân khi sắp đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, đây là việc cần làm để tránh những tiền lệ xấu.
"Đất đã được giao cho gia đình ông Hoàng sử dụng, tuy nhiên gia đình bà Nghìn lại ra lấn chiếm, trồng trọt trên đất đã có chủ. Việc cưỡng chế này đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, bởi lẽ sau khi gia đình nhà bà Nghìn cấy, xã đã 3 lần xuống lập biên bản. Nếu để cho gia đình bà Nghìn thu hoạch xong, vụ việc sẽ ngày càng phức tạp, gây ra tiền lệ xấu", ông Trần Duy Phương khẳng định.
Liên quan đến thắc mắc của bà Nguyễn Thị Nghìn về việc gia đình còn thiếu đất, ông Trần Duy Phương cho biết, gia đình bà Nghìn có 2 liệt sỹ đã hy sinh từ lâu, bố mẹ chồng đã mất từ rất lâu, gia đình nhà chị gái chồng của bà Nghìn cũng chuyển khẩu từ những năm 1985. Do đó, áp dụng theo Nghị định 64 (năm 1993) thì những trường hợp trên không được giao đất.
"Dù chính quyền xã đã giải thích rõ ràng, đúng luật về việc giao đất cho những trường hợp trên là như vậy, tuy nhiên gia đình nhà bà Nghìn lại không nghe. Còn về việc gia đình bà kêu thiếu đất sau khi dồn điền đổi thửa thì không có chuyện đó. Bởi lẽ, sau khi dồn điền đổi thửa, chính quyền đã xem xét cả đất nhà được nhà nước giao và đất mà nhà đã mua trước đó, chính quyền đã giao 256m2 còn thiếu ngay liền thửa, nhưng không hiểu vì lý do gì bà Nghìn lại không nhận rồi đi lấn chiếm trái phép như thế ", ông Phương chia sẻ.
Liên quan đến việc gia đình nhà ông bà Tách - Bằng không thuộc diện ưu tiên theo diện chính sách lại được cấp đất trong số 7 hộ gia đình ở trên, ông Phương cho biết, đúng là gia đình ông bà Tách - Bằng chỉ là bệnh binh, không thuộc diện gia đình chính sách. Tuy nhiên, diện tích đất nhà ông bà Tách - Bằng được giao không phải trong trường hợp 7 ô dành cho những gia đình chính sách được ưu tiên ở trên, mà đó chỉ là đất xen kẹt, diện tích khoảng 1.000m2.
"Giao 256m2 đất liền thổ với thửa đất của gia đình nhưng bà Nghìn không nhận, nếu giao cho ở khu vực ưu tiên này sẽ băm nát mảnh đất, gây ra tình trạng manh mún, không đúng với chủ trương tốt đẹp của dồn điền đổi thửa", ông Phương cho biết.