Việc bổ nhiệm này được GS Thành đánh giá là “một quyết định chớp nhoáng” sau một năm gác lại các công tác giảng dạy tại Việt Nam để trở về Mỹ. Tại Việt Nam, GS Thành được biết đến với biệt danh “giáo sư quần đùi” và những tranh cãi xung quanh trang phục của người thầy giáo trên giảng đường.
GS.Thành từng được mời về làm Phó hiệu trưởng điều hành của Đại học Hoa Sen từ tháng 1/2017. Đến 4/2018, ông được HĐQT trường đề cử vào vị trí Hiệu trưởng với số phiếu 16/18. Tuy nhiên, quy trình công nhận vị trí hiệu trưởng theo Luật Giáo dục Đại học Việt Nam, GS được xem là "chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam".
GS Trương Nguyện Thành từng mặc quần đùi lên giảng đường. (Ảnh tư liệu)
Việc GS Thành không được công nhận chức danh hiệu trưởng vì chưa đạt tiêu chuẩn như trên khiến dư luận dậy sóng. Trên thực tế, sau khi tốt nghiệp đại học, lấy bằng tiến sĩ, từ năm 1992, GS Thành được mời giảng dạy môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah (Hoa Kỳ). Cùng với việc giảng dạy, GS cũng tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của trường. Tuy nhiên, những kinh nghiệm trong thời gian công tác ở nước ngoài này của GS Thành không được công nhận tại Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, GS Trương Nguyện Thành cho rằng, các trí thức khi trở về Việt Nam công tác phần lớn đều đã thành đạt ở nước ngoài. Việc mang kinh nghiệm đó trở về chỉ nhằm chia sẻ, phục vụ đất nước… Việc “trải thảm” hay thu nhập không phải là vấn đề lớn mà quan trọng là nhà nước tạo điều kiện để giới trí thức Việt kiều được làm việc, được triển khai kinh nghiệm của họ, được tự quyết định công việc họ làm…
Việc GS Trương Nguyện Thành không được công nhận chức danh Hiệu trưởng hồi đầu năm 2018 khiến ông phải trở về Mỹ cũng được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Ông Trương Trọng Nghĩa – Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, cho rằng, đây là sự việc gây mất niềm tin, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
Theo ông Nghĩa, GS Trương Nguyện Thành làm việc tại đại học tư, không ảnh hưởng ngân sách Nhà nước, ông còn phải đóng thuế thu nhập. Thế nhưng, Việt Nam lại không có cơ chế cho GS làm hiệu trưởng nên ông phải về Mỹ.
“Người ta có nhu cầu đưa ông ấy lên làm hiệu trưởng. Chúng ta nói rằng theo luật Việt Nam, ông ấy chưa từng quản lý ở cấp phòng 5 năm nên không đủ tiêu chuẩn. Như vậy, một mặt mình nói mình thu hút nhân tài là tạo cơ chế để nhân tài phát huy. Một mặt, mình bắt nhân tài 'chui' vô cái cơ chế hiện hữu của mình mới được, vậy thì trống đánh xuôi kèn thổi ngược", ông Nghĩa đặt vấn đề.