Dân Việt

Đạo diễn Khải Anh: "Phim hình sự được cả thế giới đam mê, nên càng muốn chinh phục"

Lan Tường (thực hiện) 09/06/2019 19:05 GMT+7
Sau một loạt bộ phim tâm lý truyền hình gây tiếng vang, Khải Anh gây bất ngờ khi bắt tay vào thực hiện bộ phim hình sự “Mê cung”. Những thước phim ngay khi vừa lên sóng VTV đã gây “sốt” người xem vì cách kể ly kỳ, tình huống kịch tính và sự góp mặt của dàn diễn viên đình đám. Đạo diễn Khải Anh đã có những chia sẻ thú vị xung quanh việc thực hiện bộ phim này.

Quy tụ dàn “sao” cho phim không khó

img

- PV: Gần đây, bộ phim "Mê cung" do anh làm đạo diễn quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng từ gạo cội đến đang “hot”, rồi thuyết phục được cả sự góp mặt của Hoàng Thùy Linh. Anh làm cách nào để có thể mời được họ hợp tác với mình?

- Đạo diễn Khải Anh: Để quy tụ được nhiều diễn viên nổi tiếng như vậy không hề khó. Tôi nghĩ, nghề nào cũng thế, không riêng đạo diễn, cứ có tâm với nghề thì sẽ mời được thôi. Bản thân tôi cũng nghĩ mình đủ uy tín để khi đưa ra lời mời, họ sẽ tin tưởng. Với Hoàng Thùy Linh, tôi và Linh đã chơi với nhau nhiều rồi nên ngoài sự tin tưởng về nghề thì chỉ cần một lời mời là cô ấy đồng ý, nếu sắp xếp được thời gian. Không chỉ là Hoàng Thùy Linh mà bất cứ cô gái nào tôi cũng đều sẵn sàng trao cơ hội cho họ, nếu như cảm thấy họ hợp vai.

- Khi thực hiện bộ phim này, anh có gặp nhiều khó khăn không?

- Làm phim nào cũng vậy, áp lực lên sóng luôn rất lớn. Chúng tôi quay gì thì quay, làm thế nào không biết, nhưng phải đảm bảo được thời gian lên sóng mà không ảnh hưởng đến chất lượng phim. Nhất là đối với những bộ phim phải vừa phát sóng, vừa quay.

- Trong phim, khán giả thấy có nhiều pha hành động gay cấn và khá nguy hiểm, anh có sử dụng diễn viên đóng thế cho những cảnh này không?

- Tôi đã thống nhất với diễn viên và ê-kíp ngay từ đầu là sẽ không dùng diễn viên đóng thế vì đóng thế là phải giấu mặt. Vì thế những cảnh như chạy bên tàu hỏa hay các pha rượt đuổi, diễn viên đã chấp nhận bị thương để mang lại cảm xúc chân thật nhất cho khán giả. Để thực hiện được những cảnh đó thì chuyện bị thương cũng là việc bình thường.

- Hỏi thật anh, thường những phim đề cập đến các góc tối của xã hội thì sẽ không thể thiếu những cảnh bạo lực, anh có e ngại khi phim lên sóng mà bị cắt cúp những cảnh này thì sẽ bớt đi kịch tính và hấp dẫn không?

- Thực ra, tôi nghĩ khán giả chỉ quan tâm sản phẩm phát sóng, nghĩa là món ăn đã bày lên bàn. Còn cái khó nhất của chúng tôi chỉ là xoay bối cảnh, nghĩa là phải xoay xở ở phim trường để có một bối cảnh mong muốn. Đôi khi kịch bản phim mô tả bối cảnh nào đó, nhưng đi tìm thì lại không thấy một nơi như thế. Đó mới là cái khó.

img

Lý do phim hình sự bị “bỏ quên”

- Nhắc đến Khải Anh, khán giả sẽ nhớ đến anh qua các bộ phim từ hình sự đến tâm lý tình cảm, vậy thể loại nào là thế mạnh của anh?

- Người làm nghệ thuật, dù là đạo diễn hay diễn viên thì luôn muốn được thử sức mình ở những đề tài mới, vai diễn mới mà họ chưa bao giờ làm. Tôi luôn ấp ủ những kịch bản khác hẳn với lần trước để được tìm hiểu, khám phá và được thỏa sức bơi trong sự sáng tạo đó. Không chỉ riêng tôi mà mọi người làm nghệ thuật đều có ước muốn như vậy. Nếu nói tôi thích thể loại nào ở thời điểm này thì đó là phim hình sự bởi yếu tố kịch bản, thời cuộc và cả sở thích. 

- Theo anh, cái khó khi làm dòng phim hình sự là gì?

- Với thể loại phim tình cảm, cái khó là mang đến cảm xúc. Cảm xúc đạt thì khán giả đồng điệu và bộ phim đó thành công. Còn với phim hình sự lại khác một chút. Ngoài chuyện mang lại cảm xúc với người xem còn là cách tiếp cận và xây dựng kịch bản như thế nào, rồi dàn dựng bộ phim ra sao… Đối với tôi, hình sự là đề tài khó hơn so với đề tài tình yêu đơn thuần nên càng muốn chinh phục.

- Anh đã chinh phục những khó khăn đó thế nào?

- Sự khác biệt nhất của thể loại này đó chính là câu chuyện chúng ta kể đến đâu, che - mở thế nào. Đó là cái tài của người kể chuyện. Ngoài kịch bản, sự cộng hưởng của dàn dựng, âm nhạc và sự thể hiện của diễn viên  sẽ mang lại cái mới và cảm xúc cho khán giả. Với sức trẻ của tôi và kinh nghiệm làm phim trong nhiều năm, ở dự án phim “Mê cung” này, tôi đã dốc toàn bộ sức lực, tâm huyết và sự cảm nhận về thể loại phim hình sự. Ở thể loại phim tình cảm, tôi thấy rằng mình đã tìm được sự đồng điệu của khán giả rồi và chờ sự đồng điệu tương tự ở thể loại này.

- Phim truyền hình Việt Nam khi mang ra các liên hoan phim quốc tế đều là đề tài tâm lý chứ không phải dòng phim hình sự. Ngay như “Người phán xử” nổi đình nổi đám cũng là phim dựa theo kịch bản nước ngoài, vậy theo anh đâu là nguyên nhân khiến cho dòng phim này chưa thực sự bật lên? 

- Lý do lớn nhất là kịch bản yếu. Để khắc phục điều này, bản thân các đạo diễn phải kết hợp với biên kịch để xây dựng kịch bản cho chặt chẽ hơn. Vì đôi khi câu chuyện biên kịch viết ra so với bối cảnh hiện trường mà mình có thể làm được chênh nhau rất nhiều. Cho nên ở phim “Mê cung”, đạo diễn và biên kịch cùng chắp bút viết, sáng tạo cùng nhau. Một lý do nữa là kinh phí ngốn khá nhiều so với những đề tài tâm lý, tình cảm. Đó là thứ bị hạn chế nên bất cứ đạo diễn nào cũng đau đầu để giải quyết bài toán ít nhưng vẫn phải hấp dẫn. Thứ nữa là công nghệ. Trên thế giới, phim “bom tấn” được gắn với công nghệ khá nhiều, nhưng Việt Nam không có đủ công nghệ để mang đến sự sống động nhất cho các cảnh quay. Tôi hi vọng với những cố gắng hiện tại, “Mê cung” sẽ mang đến sự cảm nhận vừa đủ cho khán giả.

img

- Anh có hy vọng “Mê cung” sẽ “cứu” lại dòng phim này?

- Thực ra tôi không dám “cứu” gì cả. Tôi nghĩ thế này, những bộ phim thể loại hình sự vốn được cả thế giới đam mê. Chúng ta bỏ quên là vì thiếu kịch bản, một phần nữa là ở người làm. Vì thể loại hình sự rất tốn kém và công sức bỏ ra làm phim vô cùng lớn. Với phim bình thường có thể mất 3-4 ngày để quay 1 tập. Nếu như “Người phán xử” là 5 ngày quay được 1 tập thì với “Mê cung” là 7-8 ngày mới xong 1 tập. Công sức chúng tôi bỏ ra đương nhiên phải hơn những phim bình thường để đạt được tốc độ quay như quy định vì có nhiều cảnh khó và công phu. Thậm chí chỉ có 2 dòng trong kịch bản nhưng chúng tôi quay mất 1 ngày. Như cảnh rượt đuổi chẳng hạn. Đó là chưa tính đến công tác chuẩn bị từ trước đó nhiều ngày nữa.

- Cảm ơn đạo diễn Khải Anh về những chia sẻ chân thành!

Khải Anh sinh năm 1982, là con trai duy nhất của đạo diễn NSND Khải Hưng. Trong mắt Khải Anh thì cha mình là một người nghiêm khắc trong công việc nhưng không ngừng yêu thương lo lắng cho con, kể cả khi anh đã có gia đình và cuộc sống riêng. Trước khi Khải Anh quyết định theo nghề đạo diễn, chính NSND Khải Hưng đã nói rằng, nếu theo nghề mà làm làng nhàng thì không nên vì như thế rất thiệt thòi. Nhưng rồi Khải Anh đã chứng tỏ được khả năng ngay từ tác phẩm tốt nghiệp đầu tay và dần dần khẳng định được chỗ đứng trong làng đạo diễn phim truyền hình. Anh luôn tự nhắc mình nếu không ngừng nỗ lực thì sẽ mãi chỉ là “cái bóng” của một người bố nổi tiếng, mà anh thì không muốn là “cái bóng” của ai, kể cả bố mình.