Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng đặt vấn đề về: Nhiều năm qua, tình trạng phát triển tràn lan các khu đô thị không có người ở, khu đô thị không bảo đảm chất lượng xây dựng, không đúng quy hoạch, an toàn phòng cháy chữa cháy, không có nhà trẻ, trường học, phòng khám, siêu thị và các nhà siêu mỏng, siêu méo trên những con đường mới mở làm mất an toàn mỹ quan đô thị không được khắc phục.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng và ngành xây dựng trong vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có những giải pháp gì, lộ trình như thế nào để giải quyết những bất cập nói trên? Người dân và Quốc hội cần chờ bao lâu nữa để tình trạng trên được giải quyết một cách căn bản?”, bà Thuý chất vấn.
Nhiều khu đô thị bỏ hoang không người ở nhiều năm, trở thành nơi chăn thả trâu bò. (ảnh Trần Kháng)
Dự báo quy hoạch chưa đúng thực tế
Trả lời trước Quốc hội vấn đề Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, trong những năm qua hệ thống đô thị, quá trình đô thị hóa của đất nước chúng ta phát triển hết sức nhanh chóng, đạt được những kết quả rất tích cực.
“Hiện nay chúng ta có 828 đô thị, tốc độ đô thị hóa của chúng ta đã đạt 38,5%, các đô thị được phát triển rất nhanh chóng, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn và khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tất cả chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, đời sống của nhân dân đô thị có thay đổi và được nâng cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó lĩnh vực phát triển đô thị còn nhiều hạn chế tồn tại, trong đó như đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã nêu”, ông Hà nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên nhân của tình hình này: Thứ nhất, nguyên nhân về quy hoạch, vấn đề kiểm soát phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị của chúng ta trong thời gian vừa qua là một công cụ chủ yếu nhất, hữu hiệu nhất để quản lý quá trình phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng ở đô thị nhưng chất lượng quy hoạch đã bộc lộ hạn chế, trong đó có hạn chế chủ yếu là chất lượng quy hoạch thấp.
Chất lượng quy hoạch thấp. (ảnh Trần Kháng)
Cụ thể, trong một số quy hoạch chúng ta đã dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số, từ đó dẫn đến những tính toán sai về cấu trúc, không gian tổ chức đô thị cũng như chỉ tiêu về hạ tầng và các chỉ tiêu khác. Điều này dẫn tới những dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch.
Thứ hai, chất lượng đồ án quy hoạch còn thiếu một số điều kiện cụ thể để thực hiện quy hoạch. Ví dụ, chúng ta đưa ra nhiều những nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ với các công trình khác và nguồn lực, công tác giải phóng mặt bằng hết sức phức tạp. Đó là về chất lượng quy hoạch.
Ngoài ra, chất lượng quy hoạch còn thấp là do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của chúng ta, hệ thống định mức đơn giá về kinh tế kỹ thuật cũng có những lạc hậu cho nên những tính toán về quy hoạch cũng có những sai sót. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch chúng ta còn hạn chế, đó là chậm, hoặc xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch còn sơ sài, tổ chức cắm mốc trên thực địa, công khai quy hoạch và quản lý thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc sau đồ án quy hoạch còn có hạn chế.
Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương tuy có cố gắng nhưng cũng có hạn chế trong kiểm soát việc tự xây dựng ở đô thị. Chính vì thế, xảy ra một số tình trạng như xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, xây dựng một số khu đô thị không đi kèm với quy hoạch hạ tầng và hạ tầng xã hội…
Một số cán bộ chưa nêu cao tinh thần phục vụ dân
Trước Quốc hội, Bộ Xây dựng nêu rõ những trách nhiệm chính của Bộ mình trước tình trạng trên. Cụ thể như: Trách nhiệm trong việc tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, các quy định pháp luật có những lúc chưa kịp thời. Việc đánh giá, theo dõi tình hình thực hiện pháp luật trên thực tiễn ở các địa phương cũng còn chưa được nghiêm túc, cũng còn có nội dung thực tiễn đã có nhưng chưa kịp thời phát hiện để cập nhật, bổ sung các quy định.
“Chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc chưa thực sự phối hợp và quản lý với các địa phương, tăng cường trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các địa phương”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm trong việc chưa thực sự phối hợp và quản lý với các địa phương. (ảnh Trần Kháng)
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận: “Chúng tôi cũng chịu trách nhiệm trong việc chậm thực hiện hoặc một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả trong việc theo nhiệm vụ quy định pháp luật giao cho Bộ Xây dựng. Ví dụ, thẩm định một số dự án, như xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá v.v... Trong đội ngũ cán bộ của chúng tôi cũng còn có một bộ phận chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc này”.
Trả lời câu hỏi: “Giải pháp trong thời gian tới như thế nào?”
Lãnh đạo cao nhất Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ này sẽ thực hiện mấy giải pháp: Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi của quy hoạch; Thứ hai, kiểm soát việc thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch;
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, công bố, công khai quy định pháp luật về quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện và giám sát; Thứ tư, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong vấn đề này.
“Tôi cũng như các cử tri và nhân dân, cũng rất mong muốn sớm hạn chế những hiện tượng, những tiêu cực, những hạn chế trong phát triển đô thị. Tôi tin rằng tới đây, chúng ta tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường công tác quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các cơ quan, các bộ, ban, ngành trong bộ máy quản lý và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì những hạn chế trong phát triển đô thị trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến theo hướng chúng ta kiểm soát được và ngày càng giảm thiểu”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ.