Dân Việt

Đệ nhất tham quan Trung Quốc - Hòa Thân: Gia sản bằng quốc khố… 15 năm nhà Thanh

Tầm Hoan 10/06/2019 16:30 GMT+7
Hòa Thân (1750-1799), trọng thần dưới triều vua Càn Long, từng làm tới Thượng thư bộ Hộ. Hòa Thân được biết đến là đại quan tham nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc, với độ giàu có thậm chí vượt xa bất kì Hoàng đế nhà Thanh nào. Chỗ dựa vững chắc để Hòa Thân vơ vét của cải làm giàu bất chấp chính là Hoàng đế Càn Long. Nhưng ẩn tàng trong cái sự ẩn sủng đặc biệt Càn Long dành cho Hòa Thân, là một câu chuyện duyên kiếp khó ai ngờ tới…

Hòa Thân tên đầy đủ là Nữu Hổ Lộc Hòa Thân, thuộc gia tộc quân công. Ông tổ 5 đời của Hòa Thân là Ni Nha Cáp Nạp Ba Đồ Lỗ từng được phong Tam đẳng Kinh xa đô úy.

img

Đại tham quan đệ nhất lịch sử Trung Quốc - Hòa Thân

Thuộc làu kinh sử, thạo 4 thứ tiếng

Khi còn đi học tại Hàm An cung, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với chúng bạn, sớm nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh. Năm lên 10 tuổi, ông bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ và văn phong của Càn Long, để chuẩn bị cho con đường sau này. Khả năng ghi nhớ và nhạy cảm ngôn ngữ của Hòa Thân có thể nói là vượt xa người thường nên ông tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng.

Hòa Thân có thể nói là người học tài thi phận bởi ông chưa từng đỗ một kì thi khoa bảng nào. Việc Hòa Thân được vào cung, rồi từ đó thăng quan tiến chức, khởi nguyên từ cuộc hôn nhân với con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm khi ông mới 18 tuổi (1768).

Khi mới gia nhập triều đình, năm 22 tuổi, Hòa Thân giữ chức vị Thị vệ. Có lần, Càn Long ngồi ở Viên Minh Viên xem chú giải của Chu Hi về "Mạnh Tử" nhưng vì chữ quá nhỏ nên cảm thấy khó nhìn. Ngay lúc ấy, Hòa Thân đã học thuộc toàn bộ chú giải và đọc lại cho Hoàng đế nghe. Nhờ vậy, Hoàng đế khen ngợi ông có tài học, ban chỉ phong cho chức tước. Kể từ đó, Hòa Thân chính thức bắt đầu con đường quan lộ của mình.

Dung mạo tuấn tú, giống… “người tình trong mộng” của Càn Long

Sinh thời, Hòa Thân từng được mệnh danh là "đệ nhất mỹ nam tử Mãn Châu", dung mạo vô cùng tuấn tú, là người trong mộng của thiếu nữ trong vùng. Con đường tiến thân của Hòa Thân, vì thế, không chỉ bởi sở học và sự tinh tế trong việc nắm bắt suy nghĩ của Càn Long mà còn nhờ ngoại hình sáng láng đặc biệt của ông.

Theo một số ghi chép cổ, Càn Long có một ấn tượng rất đặc biệt với vẻ ngoài của Hòa Thân. Là bởi mung mạo của Hòa Thân hao hao giống với một… cung nữ đã chết vì Càn Long khi ông còn nhỏ. Vì vậy Càn Long luôn có một sự ưu ái đặc biệt với Hòa Thân.

img

Hòa Thân là hậu kiếp của người cung nữ từng chết bởi Càn Long năm nào?

Trong hậu cung của vua Ung Chính có một người cung nữ - hạng “Thường tại”, dung mạo vô cùng xinh đẹp. Khi đó Càn Long mới 15 tuổi, còn là thái tử, thường ở bên cạnh người này. Một lần Càn Long nhìn thấy cũng nữ này chải đầu mới từ phía sau bịt mắt nàng để trêu đùa.

Cung nữ không biết đó là Thái tử, bị Càn Long bịt mắt như vậy, vùng một cái rồi thuận tay đánh cái lược chải tóc trên đầu ra phía sau đập trúng ngay mặt của Càn Long. Càn Long bị đau lập tức phải buông tay ra.

Ngày hôm sau, Ung Chính phát hiện ra trên mặt Càn Long có một vết tấy đỏ mới hỏi vì sao, Càn Long không dám nói. Sau đó bị quở trách rất nghiêm khắc, Càn Long mới kể ra sự thật. Thái hậu nghe xong lại nghi ngờ cung nữ nọ định đùa bỡn với thái tử, lập tức xử tử nàng.

Càn Long khóc lớn, lấy một ngón tay nhuộm son đỏ bôi vào cổ người cung nữ đã chết mà nói: “Là do ta hại chết nàng, nếu như linh hồn nàng linh thiêng, hai mươi năm sau chúng ta sẽ gặp lại nhau”.

Dưới triều đại do Càn Long trị vì, Hòa Thân xuất thân từ một trường đào tạo quan chức của Mãn Thanh được vào cung giữ chức Loan Nghi Vệ. Có lần, nhà vua thuận miệng dẫn một câu trong Luận Ngữ để biểu đạt ý trách cứ với quần thần. Khi đó, một thị vệ tuấn tú đã tiếp lời ông.

Càn Long thấy tiếng nói, quay lại nhìn thì thấy thị vệ này rất quen, như là đã gặp qua ở đâu rồi. Không chỉ hiểu ý Càn Long, thị vệ còn đưa ra một câu trả lời khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Đó không ai khác chính là Hòa Thân.

Sau khi về cung, nhớ lại những sự việc khi còn nhỏ bất giác cảm thấy Hòa Thân và người cung nữ vì mình mà chết năm xưa dung mạo rất giống nhau. Vì thế mới bí mật gọi Hòa Thân vào cung, xem kĩ cổ của quả nhiên phát hiện ra một vết bớt đỏ bằng ngón tay. Càn Long cho rằng trước mắt mình là người cung nữ thuở trước đầu thai, từ đó sự sủng hạnh của Càn Long đối với Hòa Thân ngày càng gia tăng.

Ban đầu, Hòa Thân vô cùng hăng hái và nhiệt huyết, một lòng muốn làm một vị quan tốt, thậm chí là quan thanh liêm. Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng 3 năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội vụ.

Khởi đầu là quan tốt, kết thúc là đại tham quan

Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Hòa Thân điều tra vụ việc. Hòa Thân quên ăn quên ngủ, trải qua một thời gian dài ngầm điều tra, tìm được chứng cứ tham ô của Lý và đưa ông ta ra công đường. Sau chiến tích đó, Hòa Thân được thăng chức lên hộ bộ thượng thư.

Chính ở giai đoạn này, Hòa Thân mới ngộ ra được chân lý “gần vua như gần cọp” và hiểu rằng chẳng thể chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình mà sống mãi được. Hòa Thân, qua vụ xét xử Lý thị Nghiêu, đã tranh thủ “bỏ túi” phân nửa tài sản của tham quan này. Sau đó, nhờ được Càn Long nhất mực trọng dụng, Hòa Thân càng thêm say mê tiền tài, quyền lực.

img

Tạo hình Càn Long và Hòa Thân trên phim ảnh Trung Quốc.

Hòa Thân không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm dâng lên hoàng đế Càn Long đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung. Sử sách ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại "bị hút" về phủ Hòa Thân.

Theo quy định của triều đình nhà Thanh, các quan lại không được tham gia vào việc kinh doanh và thu lợi từ những dịch vụ như cầm đồ, buôn bán. Tuy nhiên, điều này đã không làm khó được kẻ ham tiền và nhiều thủ đoạn như Hòa Thân. Khi đương chức, Hòa Thân đã tự mình mở hàng loạt những ngành nghề kinh doanh hái ra tiền như cửa hàng lương thực, buôn bán vũ khí, nhà hàng, quán rượu, ngân hàng.

Trong chốn thương trường, dựa vào thân thế cùng với quyền lực của mình, Hòa Thân đã thâu tóm hầu hết những cửa hàng buôn bán tại kinh thành và nhiều tỉnh lớn khác tại Trung Quốc. Tất cả chuỗi cửa hàng của Hòa Thân đều có những kẻ có máu mặt cầm đầu và sẵn sàng trừ khử những đối thủ cạnh tranh.

Tài sản tham nhũng tương đương quốc khố… 15 năm nhà Thanh

Nhưng thịnh mãi cũng phải đến lúc suy. Mùng 3/1 năm Gia Khánh thứ 4, tức ngày 7/2/1799, Thái Thượng hoàng Càn Long băng hà, thọ 87 tuổi, chỗ dựa vững chắc của Hòa Thân đã sụp đổ. Ngày mùng 4, Vua Gia Khánh bãi miễn chức Quân cơ đại thần của Hòa Thân, lệnh ngày đêm phải túc trực linh cữu Thái Thượng hoàng trong Đại nội, tạm thời giảm lỏng, cách li không cho liên lạc với bên ngoài.

Ngày mùng 8, cùng với việc thông báo di chiếu của Thái Thượng hoàng, Gia Khánh tuyên bố miễn chức của Hòa Thân, lệnh cho hình bộ tống giam, đồng thời giao cho Thành Thân vương Vĩnh Tinh, Nghi Thân vương Vĩnh Tuyền, Ngạch phụ Lạc vương Đa Nhĩ Tế, Định Thân vương Miên Ân, Đại học sĩ Lưu Dung, Đổng Cáo, Binh bộ Thượng thư Khánh Quế phụ trách điều tra gia sản và thẩm vấn.

img

Tài sản tham nhũng bị tịch biên của Hòa Thân ước tính tương đương quốc khố thu trong... 15 năm của triều đình nhà Thanh.

Ngày 11, sau khi thẩm vấn và kê biên tịch thu tài sản, Gia Khánh công bố 20 tội lớn của Hòa Thân, đồng thời thông báo việc này đến tất cả Tổng đốc và Tuần phủ các tỉnh để cùng bàn luận và định tội Hòa Thân. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ ngày 22/2/1799.

Độ giàu có của Hòa Thân vốn đã nổi tiếng, nhưng kết quả của sự tịch thu gia sản còn làm cho mọi người kinh ngạc hơn. Bản tịch biên gia sản rất dài ghi đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc.., nhiều đến mức khó tin. Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được!