6 đời gìn giữ
“Chỉ sau khi được cán bộ của tỉnh dịch ra, mới biết tờ lệnh tồn tại hơn 175 năm qua, mà bản thân được dòng họ giao trọng trách gìn giữ lại mang ý nghĩa lớn lao và thiêng liêng đến như vậy” - ông Đặng Lên (63 tuổi), quyền trưởng tộc họ Đặng xúc động khi kể lại sự việc.
Tờ lệnh mà gia tộc họ Đặng gìn giữ suốt 175 năm qua. |
Theo lời các bậc cao niên của họ Đặng, khoảng sáu đời trước, cụ kỵ của gia tộc họ Đặng là ông Đặng Văn Siểm, do nổi tiếng tài giỏi trong việc lái thuyền ở trong vùng nên đã được Nhà vua ra sắc chỉ sai phái và giao làm Đà công (lái thuyền) để đưa lính ra đảo Hoàng Sa, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Và sắc chỉ đó được gìn giữ và lưu truyền cho đến tận đời này.
Ngoài ra, theo tài liệu lưu thì ông Võ Văn Hùng chính là người thuộc gia tộc họ Võ (Văn) tại làng An Vĩnh, một dòng họ có nhiều người đi Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ; Dương Văn Định và các thủy thủ cùng đi, gồm: Phạm Quang Thanh (hay Tình, vì hai chữ này viết giống nhau), Ao Văn Trâm, Trần Văn Kham, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Văn Lê, Nguyễn Văn Dinh, Võ Văn Công, Trương Văn Tài...
Không biết vì lý do gì mà cách đây khoảng 50 năm, khi tộc Đặng họp tộc, trưởng tộc đã ra phán quyết từ nay về sau, chỉ những người là trưởng trong dòng họ, cháu đích tôn mới được mở ra và biết vị trí lưu giữ sắc chỉ này. Và định kỳ khoảng 20 năm, vào những dịp đại sự thì sắc chỉ mới được mở ra một lần. Do chỉ là người con trai thứ cho nên khi anh trai là ông Đặng Tôn, trưởng tộc mất vào năm 2003, ông Lên mới được "kế vị" gìn giữ báu vật này. Cho nên cũng như những người bình thường khác trong họ, ông Lên chỉ biết đây là tờ sắc phong Vua ban cho cụ kỵ Siểm - người đã dẫn đội thủy binh của Nhà vua ra canh giữ đảo Hoàng Sa.
Thế nhưng cũng như các trưởng tộc thế hệ trước, với trọng trách được giao, ông Lên đã gìn giữ văn bản đó như chính sinh mạng của mình.
Suýt trở thành 'tội đồ"
Sau khi thành kính thắp nén hương lên trên bàn thờ của tổ tiên và các bậc tiền hiền, ông Lên, kể: Để giữ được tờ lệnh gần như nguyên vẹn sau ngần ấy năm trời quả là điều không dễ. Như năm 1950, thực dân Pháp lùng sục đảo Lý Sơn để tìm kiếm cổ vật, song gia tộc họ Đặng đã kịp thời cất giấu được tờ lệnh trên. Đến năm 1979, không hiểu do đâu mà có rất nhiều người lạ đã đến đảo.
Với danh nghĩa là khảo cổ, họ đã tìm tới nhà các họ tộc để đề nghị xem, rồi "mượn" đi hàng loạt tài liệu và văn bản cổ quý giá của nhiều họ tộc. Linh cảm về thái độ, hành vi không tốt của số người này, nên những người cao tuổi cùng dòng tộc họ Đặng đã thống nhất không được mở và cho bất cứ người lạ nào được xem vật gia bảo của dòng tộc; đồng thời cất giữ cẩn thận hơn.
Rồi đến một lần khác, có nhóm người lên đảo tìm mua cổ vật, biết gia tộc họ Đặng có lưu giữ một văn bản cổ quý nên trả giá khá cao, nhưng ông Lên cùng người trong họ nhất quyết không bán. “Cũng nhờ cảnh giác như vậy, chứ nếu không thì giờ có lẽ tôi đã trở thành “tội đồ" của dòng tộc và của đất nước” - ông Lên nhớ lại.
“Đó là vào một buổi sáng đầu năm 2009, vì có việc nên đi vắng, nên chỉ còn vợ là bà Nguyễn Thị Ba ở nhà, thì có một người đàn ông lạ mặt, trạc gần 50 tuổi bước vào xưng là cán bộ do ngành văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi cử đến, tìm hiểu về tờ lệnh mà gia đình đang giữ” - bà Ba kể. Sau khi trao đổi vài câu, người này vào nhà lục khắp nơi để tìm kiếm, nhưng không thấy gì liền bỏ đi.
Ông Đặng Lên
Chưa hết vào khoảng thời gian trên, còn có một phụ nữ gọi điện thoại giới thiệu là Huỳnh Thị Nga, ở Hongkong hỏi thăm gia đình ông Lên có thật sự đang giữ văn bản liên quan đến Hoàng Sa hay không...
Trước những sự việc đó, lo sợ chuyện không lành xảy ra cho gia bảo của dòng họ, nên người con trai trưởng của ông Đặng Tôn tên là Đặng Tấn Thành, đã báo cáo sự việc này với UBND huyện Lý Sơn.
Nhận được phản ánh, cùng với cấp tốc gửi văn bản đến các tộc họ trên toàn huyện đề nghị giữ, bảo vệ cẩn mật những giấy tờ và hiện vật liên quan đến thế hệ cha ông từng giong thuyền ra biển Đông cắm mốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chính quyền Lý Sơn còn giao lực lượng công an huyện, xã tăng cường bảo vệ gia đình ông Đặng Lên và một số dòng họ khác.
(Còn nữa)
Công Xuân