Tài khoản mà Nguyễn Văn Dương tung clip nói về việc chính quyền xã Hoàng Cương thuê máy xuống bừa nát lúa và rau muống của người dân khi sắp đến ngày thu hoạch.
Theo đó, người tung clip được xác định là Nguyễn Văn Dương, trú tại khu 1, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Làm việc với Công an huyện Thanh Ba, Nguyễn Văn Dương thừa nhận chính mình là người quay, phát tán video, clip quay lại cảnh chính quyền xã Hoàng Cương khống chế người dân, thuê máy bừa nát 3 sào lúa, 2 sào rau muống khi sắp đến ngày thu hoạch, hái bán.
Khi được hỏi về mục đích tung clip lên mạng, Nguyễn Văn Dương cho biết mình quay clip tung lên mạng không có ý bôi nhọ chính quyền, mà chỉ ghi nhận sự việc có chuyện công an và lãnh đạo xã xuống khống chế người dân và cho máy bừa nát lúa và rau muống thôi.
"Sau khi phân tích tác động xấu của việc tung clip không rõ nội dung gây ảnh hưởng xấu đến chính quyền địa phương, Nguyễn Văn Dương đã chủ động gỡ bỏ những clip đã đăng tải lên mạng xã hội", ông Trần Duy Phương cho biết.
Trước đó như Dân Việt đã thông tin, cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019, người dân tỉnh Phú Thọ đang "dậy sóng" về clip được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội với hình ảnh hàng chục công an, lãnh đạo UBND xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) khống chế người dân, thuê máy bừa nát 3 sào lúa, 2 sào rau muống của người dân khi sắp đến ngày thu hoạch.
Sau khi có thông tin, phóng viên Dân Việt đã về tận địa phương để xác minh thì thấy đúng là có việc xã thuê máy xuống cưỡng chế lúa và rau muống của gia đình bà Nguyễn Thị Nghìn, trú tại khu 4, xã Hoàng Cương. Đây là khu đất tranh chấp giữa gia đình bà Nghìn và gia đình ông Vũ Văn Hoàng, trưởng khu 4, xã Hoàng Cương.
Hình khống chế người dân và bừa nát lúa được chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo ông Hoàng, đây là thửa đất rộng hơn 1.700m2 của gia đình ông được chính quyền địa phương giao vào tháng 12/2018, sau khi thực hiện việc dồn điền đổi thửa. Sau khi được giao, gia đình đã tiến hành bừa ruộng, tuy nhiên vừa bừa xong thì gia đình bà Nghìn đem mạ ra cấy. Chính điều này đã gây ra mâu thuẫn giữa hai gia đình.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nghìn, sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa, gia đình bà còn thiếu hơn 200m2, khi thấy người dân bảo có khu đất ưu tiên cho gia đình chính sách, nghĩ là đất vô chủ nên đã đem mạ rạ, rau muống ra trồng thì bị gia đình ông Hoàng ra ngăn cản, chính quyền xã ra lập biên bản.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương, thừa nhận có việc chính quyền xã thuê máy, xuống bừa nát ruộng lúa, rau muống của người dân khi sắp đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, đây là việc cần làm để tránh những tiền lệ xấu.
"Đất đã được giao cho gia đình ông Hoàng sử dụng, tuy nhiên gia đình bà Nghìn lại ra lấn chiếm, trồng trọt trên đất đã có chủ. Việc cưỡng chế này đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, bởi lẽ sau khi gia đình nhà bà Nghìn cấy, xã đã 3 lần xuống lập biên bản. Nếu để cho gia đình bà Nghìn thu hoạch xong, vụ việc sẽ ngày càng phức tạp, gây ra tiền lệ xấu", ông Trần Duy Phương khẳng định.
Cũng theo ông Phương, về việc gia đình bà Nghìn kêu thiếu đất sau khi dồn điền đổi thửa thì không có chuyện đó. Bởi lẽ, sau khi dồn điền đổi thửa, chính quyền đã xem xét cả đất nhà bà Nghìn được nhà nước giao và đất mà nhà bà Nghìn đã mua trước đó, chính quyền đã giao 256m2 còn thiếu ngay liền thửa, nhưng không hiểu vì lý do gì bà Nghìn lại không nhận rồi đi lấn chiếm trái phép như thế.
"Hiện tại, chính quyền xã đang kết hợp với lãnh đạo khu xuống động viên gia đình bà Nghìn nhận nốt số đất còn thiếu. Đây là mảnh đất liền thửa với thửa ruộng lớn của nhà bà Nghìn. Mong rằng bà Nghìn chấp nhận và không còn đi lấn chiếm đất trái phép nữa", ông Phương chia sẻ.