Dân Việt

Hợp tác xã vùng trung du miền núi phía Bắc: Lượng tăng, chất giảm

Nguyễn Quỳnh 12/06/2019 13:56 GMT+7
Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm là giải pháp Bộ NNPTNT đề ra nhằm thúc đẩy các hợp tác xã khu vực trung du miền núi phía Bắc phát triển.

Phát triển nhanh về lượng

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, đến hết năm 2018, toàn vùng trung du, miền núi phía Bắc có 3.371 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tăng 155% so với năm 2013 và 270% so với năm 2003. Tại thời điểm Luật HTX có hiệu lực (1/7/2013) toàn vùng có 2.180 HTX nông nghiệp. Đến hết năm 2018, các HTX nông nghiệp chiếm 24,15% tổng số hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (224 HTX/220 HTX).

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tại phiên chợ HTX nông nghiệp vùng cao sáng 10/6. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Mục tiêu đến năm 2020 toàn vùng trung du miền núi phía Bắc có trên 3.900 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hiệu quả. Trong đó có 400 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 30% số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Các HTX dịch vụ tổng hợp chiếm 39,57%, còn lại 60,43% là các HTX hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản) cao hơn 25% cả nước, trong đó các HTX trồng trọt chiếm tỉ lệ cao nhất 22,25%, HTX chăn nuôi 8,28%. Đây là hướng chuyển dịch tích cực gắn chặt chẽ hoạt động của HTX với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giảm bớt các HTX tổng hợp chủ yếu thực hiện dịch vụ đầu vào như trước đây.

Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), mặc dù số lượng các HTX tăng, chất lượng hoạt động được nâng lên, song chưa bền vững. Tỷ lệ HTX hoạt động tốt, khá chỉ đạt 31,19% (thấp hơn so với bình quân cả nước), rất ít HTX có thương hiệu sản phẩm. Hoạt động của các HTX thiếu gắn bó với nhau, nhiều đơn vị lúng túng trong hoạt động và xây dựng phương án sản phẩm kinh doanh, hoạt động mang tính hình thức. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý HTX còn yếu và mỏng, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp còn hạn chế, một số quy định chưa hoàn thiện…

Tiến sĩ Bùi Đình Hòa (Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên) cho rằng, sự phát triển HTX nông nghiệp ở khu vực trung du miền núi phía Bắc chưa tương xứng với tiềm năng là do nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị về kinh tế hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều HTX ít quan tâm đến việc dự báo thị trường để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, chưa hiểu đầy đủ về nội hàm các nội dung cần quản trị đối với một tổ chức kinh tế (nguồn lực, chi phí sản xuất, bán hàng, doanh thu và lợi nhuận).

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ NNPTNT đã đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá chính sách, pháp luật, các mô hình HTX hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ kết nối nông sản của HTX nông nghiệp với thị trường.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm

Bộ NNPTNT xác định mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng có trên 3.900 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 400 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 30% số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Để đạt được mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng, các HTX phải đẩy mạnh việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho hay, cần có sự liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, mở rộng thị trường thông qua các HTX. HTX phải là hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo nên một chu trình sản xuất khép kín, bền vững.

Là doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hàng Việt tham gia kết nối, đại diện Central Group Việt Nam cho biết: “Tập đoàn Central Group Việt Nam luôn nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường tỷ lệ hàng địa phương, hàng nội địa trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh tại siêu thị. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao vị thế cho các ngành nghề sản xuất của Việt Nam. Tỷ lệ hàng Việt đang kinh doanh tại các siêu thị BigC và GO!Việt Nam được duy trì ở mức khoảng 96% trên cơ cấu hàng hóa mảng kinh doanh thực phẩm. Qua đây, Central Group Việt Nam mong muốn tìm kiếm, kết nối, hướng đến hỗ trợ các HTX nông nghiệp phía Bắc tham gia hệ thống phân phối hiện đại”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đẩy mạnh chương trình OCOP, xây dựng các tuyến du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng trải nghiệm nông thôn mới. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, đảm bảo chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc, xây dựng các sản phẩm có tính xã hội. Đồng thời, các tỉnh tiếp tục hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ, phương án sản xuất hàng năm để các HTX hoạt động, giúp các HTX chủ động tiếp cận thông tin thị trường để đảm bảo sản xuất và đầu ra cho sản phẩm…