Dân Việt

Nóng: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở TP.HCM

Nguyên Vỹ 11/06/2019 19:49 GMT+7
Sau nhiều nỗ lực giữ vững trận địa, cuối cùng thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất nước – TP.HCM – cũng đã ghi nhận xuất hiện ổ dịch đầu tiên.

Một số người tỏ ra khá bất ngờ với thông tin DTLCP xuất hiện tại địa bàn quận 9.

Trước đó, huyện Củ Chi, Bình Chánh – các cửa ngỏ của thành phố, là địa bàn giáp ranh tương đối rộng với các tỉnh, lại có có trục đường liên tỉnh vận chuyển gia súc gia cầm nên được xem là khu vực có nguy cơ lây lan DTLCP rất lớn.

img

Cơ quan chức năng tiêu hủy đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi ở quận 9, TP.HCM

Tuy nhiên, kết quả công bố mới nhất phát hiện ổ dịch của TP.HCM lại xảy ra phường Phú Hữu, quận 9. Trên thực tế phường Phú Hữu có tổng đàn lợn không lớn (7 hộ chăn nuôi và hơn 500 con), lại nằm tiếp giáp với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nơi vừa công bố hết dịch.

Với ông Trầm Quốc Thắng – Giám đốc HTX chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong, thông tin này lại không gây bất ngờ khi mà TP.HCM bị DTLCP bủa vây trong thế “lưỡng đầu thọ địch” suốt một thời gian dài vừa qua.

Kết quả ban đầu tuy nói rằng nguyên nhân nhiễm bệnh là do hộ chăn nuôi này do sử dụng thức ăn thừa tại các quán ăn, tuy nhiên, theo ông Thắng, vẫn còn nhiều yếu tố đáng ngại khác tiềm ẩn nguy cơ mang dẫn virus vào trại nuôi cần được xem xét kỹ.

"Đây là trường hợp nhiễm dịch ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Khâu an toàn sinh học và vệ sinh dịch tễ có thể chưa tốt. Việc sử dụng thức ăn thừa là một nguyên nhân nhưng việc xe cộ, thương lái ra vào liên tục giữa các vùng chăn nuôi, các chuồng trại nuôi... cũng rất đáng ngại", ông Thắng nói.

img

Vùng bị dịch tả heo châu Phi nằm rất sát tỉnh Đồng Nai nơi đã có dịch

Ông Thắng lấy ví dụ việc thương lái bắt lợn thường phải vệ sinh, tắm rửa cho lợn. Nếu có bao nhiêu virus trên xe thì cũng bị cuốn hết xuống theo nước thải. Tỷ lệ đến 80% do việc bắt lợn như thế này gây ra, khiến virus xâm nhập vào trong trại nuôi. Hộ chăn nuôi không sát trùng triệt để thì mầm bệnh lại tiếp tục lây lan. Đây cũng là nguyên nhân chính mà DTLCP lây lan từ Bắc vào tới Nam.

Việc xuất hiện ổ dịch hôm nay là kết quả tiềm ẩn rất lâu từ việc không kiểm soát được việc vận chuyển lợn bệnh từ các nơi vào TP.HCM hoặc đi ngang qua. “Trong tình thế không có vaccine như hiện nay, cuộc chiến chống DTLCP còn rất cam go, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính quyền cũng như ý thức của từng cá nhân tham gia chuỗi cung cầu thịt lợn”, ông Thắng nói.

Phó Giám đốc một công ty chăn nuôi ở TP.HCM (xin giấu tên) cũng cho biết, bản thân doanh nghiệp ngay từ đầu đã không ủng hộ việc cho lợn ra khỏi vùng dịch, thậm chí là di chuyển trên quãng đường rất xa từ Bắc vào Nam.

Dù đã có quy định phải kiểm tra huyết thanh và các thủ tục kiểm dịch, xe chở động vật và sản phẩm động vật mới được qua trạm, tuy nhiên, yếu tố con người là không thể tuyệt đối trong việc đối phó với khả năng lây lan nguy hiểm và khôn lường của virus dịch tả lợn châu Phi.

img

Sở NN&PTNT TPHCM đã triển khai bố trí 2 chốt chặn tại cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng để kiểm soát heo không vận chuyển ra khỏi vùng dịch tả heo châu Phi. 

“Trong tình thế hiện tại, người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng cần hết sức bình tĩnh để đối phó. Đặc biệt là người dùng không nên hoang mang mà quay lưng với thịt sạch”, ông này nói.

Đồng tình, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban ATTP TP.HCM cho biết thành phố không thiếu nguồn thịt sạch. Dù trước đó đã có quy định cho phép giết mổ lợn trong vùng dịch nhưng thành phố không nhập lợn từ các vùng này về. Công tác kiểm tra dịch tễ, đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn được các đơn vị liên ngành kiểm soát 24/24 giờ nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn nhất cho thị trường 10 triệu dân.

“Nguyên tắc là không có 1 con lợn bệnh, lợn chết, hoặc thịt đã kém chất lượng có thể đi vào được trong chợ đầu mối để phát tán ra thị trường. Đừng tẩy chay thịt lợn vì nghi ngại chưa đúng về dịch tả châu Phi”, bà Lan nói.

img

Lực lượng chức năng chở heo đi tiêu hủy, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, dịch bệnh được phát hiện tại một hộ chăn nuôi tại quận 9 với tổng đàn heo 163 con. Đàn heo đã được cơ quan chức năng tiêu hủy ngay sau khi có kết quả xét nghiệm.

Nguyên nhân và nguồn gây bệnh đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Hiện ổ dịch đã được khống chế và ngành chức năng đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, bố trí chốt chặn khu vực xung quanh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

"Do quận 9 nói riêng và TP.HCM có nguồn cung cấp heo cho thành phố tương đối nhỏ so với nguồn heo từ các tỉnh thành khác nên ổ dịch vừa phát hiện không ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo của thành phố", ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết.

Sau khi tiêu hủy số lợn mắc bệnh, cơ quan chức năng cũng rải vôi bột tại khu vực chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn... Sở NNPTNT TP.HCM cũng đã triển khai bố trí 2 chốt chặn tại cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng để kiểm soát heo không vận chuyển ra khỏi vùng có dịch.

TP.HCM là địa phương thứ 55 của Việt Nam có dịch tả heo châu Phi. Tính đến ngày 10.6, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 3.918 xã, 402 huyện của 54 tỉnh, thành, buộc phải tiêu hủy hơn 2,45 triệu con heo với trọng lượng 146.149 tấn.