ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội).
Lo lọt cả đàn voi
Sáng nay (12/6), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Phát biểu góp ý liên quan đến nghĩa vụ của công dân khi ra nước ngoài, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, vấn đề này cần phải nói rõ trong luật.
“Công dân ra nước ngoài phải tuân thủ luật pháp nước sở tại, ở nước ngoài cũng phải giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Mỗi một công dân cũng phải là một đại sứ du lịch, có trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Cũng phải có trách nhiệm nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt Nam”, ĐB Hưng góp ý.
Liên quan đến nghĩa vụ, ĐB Hưng đã nêu đề xuất và mong muốn được Quốc hội cũng như cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét. Ông cho biết: Một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất, nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế hoặc phí. Ví dụ, năm ngoái Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật quy định tức mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài thì phải đóng một phí gọi là phí chia tay hay gọi là phí du lịch là 1000 yên/người, tương đương khoảng 9,3 USD.
Phí này họ sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản cũng như việc Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu được 400 triệu đô la để hoàn thiện việc xuất, nhập cảnh cho công dân được tốt hơn...
“Vì vậy, tôi có một suy nghĩ nên chăng Việt Nam cũng giống một số nước là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là phí chia tay. Chúng ta dùng số tiền này khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh, trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn; một phần để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như những việc khác để đảm bảo cho việc công dân Việt Nam xuất cảnh được tốt hơn, được chu đáo hơn, thân thiện hơn và hoàn thiện hơn, các chiến sỹ khi công dân xuất, nhập cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn với công dân”, ĐB Nguyễn Quốc Hưng góp ý.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu thực tế, một số người có chức, có quyền, khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can bị lọt ra ngoài và cơ quan điều tra phải làm lệnh truy nã. Từ thực tiễn, ĐB này đã đi vào cụ thể của Luật, theo ông việc thiết kế ở khoản 1 điều 28 của dự thảo Luật, có chỗ thừa, có chỗ lại thiếu, do đó sẽ lọt một số đối tượng. “Không phải một con voi mà từng đàn voi sẽ bị lọt”, ĐB Tạo nói.
ĐB Tạo đề nghị bổ sung thêm vào điều luật như sau: "Người có trách nhiệm khi bị cơ quan của nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật thì tạm hoãn xuất cảnh.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (ảnh quochoi.vn).
Vũ "nhôm" có vài hộ chiếu ngoại giao
Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), trong phát biểu đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sao cho ngắn gọn, khoa học và tránh trùng lặp với các chức danh chỉ thuộc về một người. "Ví dụ, trường hợp Vũ "nhôm" có vài ba hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cùng thời điểm", ĐB Khánh nói.
Về quy định quyền và nghĩa vụ công dân điểm c khoản 1 quy định: "Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử theo quy định", theo ĐB Khánh, trong hồ sơ trình không có nội dung nào giải thích rõ vì sao lại có quy định lựa chọn này.
"Nếu gắn chip điện tử hết với tất cả hộ chiếu hoặc không gắn chịp điện tử hết thì sao? Có lợi hay hại gì? Trong tờ trình Chính phủ nói Bộ Công an được giao nhiệm vụ xây dựng phần mềm dùng chung cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để đảm bảo tính khả thi của luật khi có hiệu lực. Nếu chỉ có mấy bộ nêu trên mà đảm bảo cải cách hành chính trong xuất cảnh, nhập cảnh là chưa phù hợp. Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm, tạo thuận lợi, kết nối chia sẻ thông tin với các bộ, ngành khác như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các tỉnh thành phố trực thuộc vừa qua đã và đang triển khai chính phủ điện tử hay dịch vụ công trực tuyến như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác", ĐB Khánh nói.
Bà nói thêm, đề nghị Bộ Công an sớm xem xét kết luận việc cơ sở dữ liệu của Hà Nội đã phối hợp với Nhật Cường thời gian qua đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến có kết nối liên thông được không, để tránh việc công sức của nhà nước và nhân dân trong thời gian vừa qua đã bỏ ra. Nếu chúng ta không sử dụng coi như bỏ đi hết. Chỗ này nên khai thác để tránh lãng phí", ĐB Khánh nói.