Dựng hình ảnh tu sĩ Phật giáo trả thù tình là sự xúc phạm
Nhân hiện tượng “Độ ta không độ nàng” rầm rộ những ngày qua, bên cạnh số đông ưa chuộng bài hát thì có không ít ý kiến phản đối, cho rằng bài này báng bổ Phật giáo. Mới đây, trong bài nói của mình, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, bản nguyên tác ở Trung Quốc của Độc Cô Thi Nhân, sau khi được hai ca sĩ Tô Đàm Đàm và Giai Bằng hát lại chỉ được vài ba triệu lượt nghe, so với 1,4 tỷ dân thì không thể gọi là nhiều. Ông đặt câu hỏi: Vậy tại sao khi bản nhạc này về Việt Nam lại hấp dẫn đến không thể tưởng tượng nổi như vậy?
Vị thượng tọa nhận định, giai điệu bài "Độ ta không độ nàng" nghe da diết, chứa đầy chất ngôn tình, bi ai, hận đời của một vị tu sĩ trẻ “khiến người nghe cũng da diết theo cuộc tình bí lối ấy”. Ông phân tích, tuy tựa đề "Độ ngã bất độ tha" dịch thành "Độ ta không độ nàng" khá sát nghĩa nhưng phần lời nguyên tác vốn rất đơn giản lại được phóng tác vô cùng cường điệu.
“Có ý kiến nói bài nhạc này cho giới trẻ nên đừng quá khắt khe, nhưng thật ra bài hát đã khắc họa bức tranh rất tiêu cực về chuyện tình của vị tu sĩ trẻ và nàng quận chúa.
Tôi thấy bản Việt thêm thắt rất nhiều, như bản gốc từ "nhãn tình hoàn hồng" là mắt ửng đỏ lại phóng tác thành: "Mắt còn vương màu máu", rất cường điệu, hấp dẫn giới trẻ hơn. Câu "tha dĩ kinh bất tại" nghĩa là nàng ấy không còn nữa, được phóng tác thành: "Hồng nhan chẳng trông thấy đâu".
Hay câu "thủ khởi mộc ngư" rất đơn giản là tay gõ mõ lại dịch thành: "Lại một tay ta gõ mõ, phá nát cương thường biến họa" nghe rất lâm ly. Cương thường là giáo lý Nho giáo chứ không liên quan gì Phật giáo cả. Bản gốc không nhắc gì tới tiếng mõ “rối loạn”, “phũ phàng”. Việc phóng tác làm đậm thêm tính thất tình, oán trách. Nhất là chi tiết “Phật trên cao không độ tới nàng” là hoàn toàn thêm vào.
Điều này phần nào lý giải vì sao bài này không quá nổi ở Trung Quốc nhưng khi sang Việt Nam lại hot đến không thể tưởng tượng. Bài hát quá cường điệu khiến người nào từng thất tình sẽ bị cuốn hút vào”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng nhắc đến chuyện tình Lan và Điệp, từ câu chuyện có thật được nhóm Tự Lực Văn Đoàn phóng tác thêm nhiều, như chi tiết cắt đứt dây chuông. Ông cho rằng nếu mọi người không biết rõ nguồn gốc sẽ rất dễ ngộ nhận rằng tu sĩ vào chùa đều là những người thất tình.
“Trong khi, các tu sĩ đi tu là con đường giác ngộ chân lý, bỏ lại hết các giá trị hưởng thụ để phụng sự giúp đời. Vì vậy, tôi không tán đồng bài nguyên tác chữ Hán đến bài phóng tác “Độ ta không độ nàng” bởi nó tạo ra hình ảnh quá tiêu cực, sai lầm và ảm đạm của một tu sĩ hư cấu rơi vào cõi yêu đương”, vị thượng tọa nói.
Theo ông, việc người tu sĩ hư cấu này hờn trách Đức Phật là hết sức sai lầm. Đức Phật, Thượng đế hay bất cứ thần linh nào cũng không tạo tác, sắp xếp chuyện tình yêu tan vỡ, không tới được với nhau hay cái chết của cô quận chúa. Ông nói thêm, chuyện tình yêu lứa đôi tan vỡ 95% do cư xử, lối sống của hai người hoặc do có người thứ 3. Vì vậy, ngay cả người đời cũng không thể trách Đức Phật chứ huống chi là tu sĩ.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh hành vi hận tình trả thù của vị tu sĩ hư cấu là phạm pháp.
“Cậu ấy đã phạm pháp thì không ai độ được cậu ấy cả. Không thể nhân danh thương một ai đó để giết người. Tôi không tin tình huống này có trong thực tế.
Trong lịch sử 2600 năm của đạo Phật, tại 157 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa từng có câu chuyện nào tương tự như thế.
Mượn hình ảnh tu sĩ Phật giáo để gán ghép hành vi trả thù tình, tôi cho là sự xúc phạm tu sĩ”, ông cho biết.
Thiện chí của Phương Thanh rất đáng được tán dương
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc phổ biến lời ca bạo lực, phạm pháp là “vẽ đường cho hươu chạy”. Ông phân tích, rất nhiều chàng trai, cô gái mới lớn thất tình nếu bị cuốn vào lời ca sẽ trở thành bản sao của lời ca đó và bắt chước lối ứng xử bạo lực.
“Tôi không tán đồng với anh Trương Chính đã phóng tác theo hướng lâm ly bi đát, quá tiêu cực mà trong nguyên tác không có, làm cho người nghe bị kích động. Chấp nhận bài ca này là chấp nhận bị dẫn dắt theo tiêu cực. Rủi ro này là không thể tránh khỏi cho hiện tại và tương lai, nhất là có hơn 50 triệu người Việt Nam đã xem”, vị thượng tọa nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng ca ngợi phiên bản “Độ ta không độ nàng” do ca sĩ Phương Thanh trình bày, lời của sư thầy Thích Đồng Hòa.
“Đây cũng là sự phóng tác lời Việt nhưng ngữ nghĩa rất hay, lời lẽ cao quý. Thiện chí của chị Thanh rất đáng được tán dương. Thay vì để mọi người bấm nghe bài hit Việt Nam với lời lẽ yếm thế, phạm pháp thì ca từ mới sẽ xóa đi tác hại tiêu cực, rủi ro như bản vốn có.
Tôi tha thiết kêu gọi các ca sĩ Phật tử hay những ai yêu mến đạo Phật hãy dùng lời ca tiếng hát để truyền tải bản này. Nếu có 100 bản gốc tiêu cực thì mọi người hãy hát nhiều hơn 100 bản tích cực để giảm thiểu tác hại của nó, để bản tiêu cực sớm được quên đi”, ông kêu gọi.