Khô hạn diễn ra ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô không chỉ do trời mà do cả người.
Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam “đóng góp” lớn nhất cho sự khô hạn này. Nước được tích để cung cấp cho hoạt động của nhà máy dẫn đến khô hạn ở các vùng lân cận và vùng hạ du. Nước không đủ để sinh hoạt, nói chi đến tưới lúa, hoa màu, phục vụ sản xuất. Người dân sống bằng nương rẫy đã rất khổ sở, lại phải vác đá ngăn sông cứu lúa càng khốn khổ hơn.
Hạn hán nẻ đồng, người dân phải làm việc cực chẳng đã là chặn sông để lấy nước. |
Dòng nước của con sông tự nhiên bị can thiệp, cắt chia phục vụ cho mục đích kinh doanh điện, thì sẽ nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn của các khu vực sản xuất khác. Người dân sản xuất nông nghiệp cũng cần nước, doanh nghiệp sản xuất điện cũng cần nước.
Nhưng nước của con sông Krông Nô không là sở hữu riêng của Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah hay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho nên việc tích nước để phục vụ cho nhà máy mà không tính đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân là không thể chấp nhận. Để có một ít điện cung cấp cho xã hội mà phải đổi lại mùa màng trong vùng thất bát vì khô hạn, nông dân đói khổ, thì hiệu quả tạo ra từ dòng điện không thể bù lại được.
Trong cuộc tranh giành lợi ích “nguồn nước” này, người dân hoàn toàn rơi vào thế bị động. Nếu như nhà máy thủy điện hào phóng xả nước cho nhiều giờ thì hưởng nhiều, ít thì chết khát. Chỉ riêng chuyện này thôi, đã thấy rất không công bằng.
Chính vì sự không công bằng đó, và để tự cứu mình, người dân không chỉ vác đá ngăn sông mà có nơi còn xảy ra các hành động tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật, đó là đập phá công trình, tháo dỡ các máy đóng mở trên hệ thống kênh mương. Hậu quả này còn lớn hơn và nguy hiểm hơn hậu quả khô hạn. Bởi vì, ở đây đã xuất hiện sự xung đột giữa doanh nghiệp và người nông dân, mâu thuẫn ngay chính trong những người nông dân đang tranh giành nước tưới và nghiêm trọng hơn là đã có dấu hiệu phạm pháp hình sự.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người nông dân hiền lành có muốn đi phá công trình hay không? Chắc chắn không bao giờ. Nhưng vì bị đẩy đến tận cùng của cơ cực, cái đói lăm le trước mặt nên họ phải bằng mọi cách tìm cho ra giọt nước. Bần cùng không sinh đạo tặc thì cũng sinh ra những hệ lụy xã hội khó lường. Chuyện này đừng đổ lỗi cho dân, mà nếu hiểu sâu xa, trong trường hợp này, dân chính là nạn nhân.
Không chỉ có một Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah, mà khắp đất nước có nhiều nhà máy tương tự, dân chúng vùng lân cận và hạ du nơi có nhà máy “tích nước thượng nguồn” đều sống trong hoàn cảnh thiếu nước, chưa kể các nguy cơ khác như vỡ đập… Khủng hoảng và xung đột của những nơi này cũng tương tự như câu chuyện ở Krông Nô, nhưng chỉ tội cho dân là không biết có ai, cơ quan nào đứng ra để giải quyết khủng hoảng.
Chân Tâm