Về quê khôi phục nghề
Ông Quyết kể: Trước năm 2009, ông đi buôn than ở Quảng Ninh. Mỗi dịp về thăm nhà thấy người dân quê mình cuộc sống còn khó khăn, mà thời gian nhàn rỗi nhiều, sẵn hiểu biết về nghề truyền thống của cha ông, ông quyết định về quê khôi phục lại nghề.
Ông Đặng Ngọc Quyết luôn chú trọng tới việc dạy nghề cho người lao động của công ty. |
“Những ngày đầu, tôi đến Hà Tây để học hỏi thêm cách đan hàng mây. Trở về, tôi dạy nghề cho 9 người bà con trong thôn và thành lập hợp tác xã (HTX) mây tre đan với số vốn chỉ hơn chục triệu đồng. Ban đầu, tôi đích thân đi chào hàng ở các công ty xuất nhập khẩu. Có đơn đặt hàng, tôi quyết tâm vay tiền, vận động anh chị em trong HTX hùn vốn đủ đóng một xe hàng. Toàn bộ số tiền cả vốn lẫn lãi thu được từ xe hàng này lại dành làm vốn cho xe hàng sau, nên những ngày đầu làm gần như không có lãi...” - ông Quyết kể.
Thấy chưa thu hút được những đơn đặt hàng số lượng lớn do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu khách hàng, cuối 2009, HTX thành lập tổ kỹ thuật, tập hợp những người tay nghề giỏi tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tháng 8.2011, HTX mây tre đan do ông Quyết gây dựng đã nâng cấp thành Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Quyết. Những dịp cao điểm, doanh thu của công ty tới 700 - 800 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chủ yếu của công ty là các loại giỏ tích, lẵng hoa, lọ hoa, các sản phẩm gia dụng… xuất bán sang Nga, Đài Loan, Ukraina, Hàn Quốc... Hiện nay, mỗi đơn đặt hàng của công ty thường lên tới vài chục nghìn sản phẩm. “Bí quyết tìm được nhiều đơn đặt hàng nằm ở chất lượng sản phẩm” - ông Quyết khẳng định.
Mở lớp dạy nghề
Theo Giám đốc Quyết, công ty của ông hiện có 1.500 lao động tại các hộ gia đình trên địa bàn 4 huyện (Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong) và hơn 20 lao động thường xuyên. Lao động làm việc tại công ty chủ yếu làm các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như giũ keo, quét dầu bóng… cho các sản phẩm thô được sản xuất tại các hộ gia đình chuyển đến.
Nghề này có thể làm bất kỳ thời gian nào trong ngày, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn làm tại nhà. Mỗi ngày, 1 lao động vững tay nghề có thể làm được 40 lọ cắm hoa cỡ nhỏ, giá bán cho công ty 3.200 đồng/sản phẩm, trừ chi phí ngày công còn khoảng 100.000 đồng. Tiền công từ nghề này đã trở thành thu nhập chính của không ít người lao động tại địa phương.
Là người có công làm cho nghề mây tre đan ở Xuân Hội sống lại, ông Quyết vẫn không ngừng tìm tòi những hướng đi mới cho nghề này phát triển, mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Ông cho rằng: “Tìm đầu ra cho sản phẩm mây tre đan không khó, quan trọng là phải chủ động được về kỹ thuật và mẫu mã, nhất là phải đầu tư vào việc dạy nghề cho người lao động… thì mới có thể phát triển lâu dài”.
Ông Đặng Ngọc Quyết
Riêng 2012, công ty đã phối hợp cùng các sở, ban ngành của tỉnh Bắc Ninh mở 17 lớp dạy nghề không chỉ tại Lạc Vệ mà còn ở những vùng nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp như Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong… và thành lập các tổ sản xuất. Các tổ này đứng ra thu gom sản phẩm, lo đầu ra cho các mặt hàng.
Ông Quyết cho biết: “Mục tiêu của công ty là nâng cao tay nghề của người lao động, hướng tới sản xuất các sản phẩm có kỹ thuật cao, tạo được những mẫu mã riêng để có thể thâm nhập vào những thị trường khó tính hơn như Mỹ, Nhật Bản…”.
Mai Liên