Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 3 phút thể dục giữa giờ đã trở thành thói quen không thể thiếu trong cơ quan Bộ Y tế. Việc tập giữa giờ được thực hiện đầu tiên từ ngày 8/1, đến nay sau hơn 5 tháng triển khai, tập thể dục giữa giờ không còn là "chuyện lạ". Giữa buổi giao ban, nghỉ giải lao giữa buổi họp các đại biểu đều đứng lên tập theo nhịp điệu trong 3 phút, giúp tỉnh táo, sảng khoái trước khi bắt đầu làm việc tiếp.
Vì thế, trong không khí rất oi bức của chiều mùa hè ngày 12/6, tại cuộc họp khi tới giờ giải lao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã mời Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu cùng tham gia tập bài thể dục.
Bộ trưởng Tô Lâm tuy khá bất ngờ nhưng cũng hào hứng cùng các lãnh đạo Bộ Công an và những đại biểu tại hội nghị tập bài thể dục 3 phút ngay tại hội trường. Không khí buổi tập rất vui vẻ, mọi người đều cười vui sảng khoái.
Bà Tiến cũng chia sẻ, bản thân bà sau khi đứng dậy tập tại chỗ chỉ vài phút, với 9 động tác thấy rất dễ chịu, thoải mái, nhẹ người. "Khi ngồi nhiều làm việc, tôi rất khó chịu, đau mỏi người, mỏi mắt. Đứng dậy vận động sẽ dễ chịu hơn".
Bộ trưởng Y tế cho biết, một hạn chế của người Việt, đó là chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe từ khi còn trẻ mà chỉ chăm khi có bệnh, phải đi viện. Trong khi đến hơn 70% các loại tử vong là do các bệnh không lây nhiễm mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn và các bệnh khác... liên quan đến lối sống, trong đó có thói quen vận động.
Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Y tế cùng các đại biểu hào hứng tập bài thể dục 3 phút giữa giờ.
"Khi đã bị bệnh phải vào bệnh viện rất tốn kém, phải gắn chặt với bệnh việc. Trong khi đó việc ăn uống điều độ, thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá... sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh lý này", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Tiến chia sẻ thêm, bản thân bà là một người rất thích vận động, tập luyện thể dục. Nhưng vì không có thời gian, nên Bộ trưởng luôn phải cố gắng để ngày nào cũng đạt mục tiêu đi bộ được 10 nghìn bước chân.
"Vận động, nếu quá bận rộn, như ở các nước Singapore, Thái Lan, chỉ với mục đích in dấu chân, đi bộ càng nhiều càng tốt, làm sao để đạt 10 nghìn bước chân mỗi ngày. Kèm theo đó là giảm ăn mặn, giảm ăn đường, kiểm soát, đo huyết áp thường xuyên", Bộ trưởng khuyến khích.
Trước đó, ngày 27/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân hãy bắt đầu ngay từ việc duy trì các hành vi có lợi cho lối sống, sức khoẻ bằng cách ăn nhiều rau xanh, giảm rượu bia, giảm muối, đường, không thuốc lá, tăng cường vận động và thường xuyên kiểm tra sức khoẻ.
Về phía ngành y tế, sau gần 5 tháng thực hiện thử nghiệm tập thể dục giữa giờ, ngày 14/5 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký chỉ thị yêu cầu toàn bộ các cán bộ, nhân viên, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y nghiêm túc thực hiện tập thể dục trong thời gian giải lao ở ngay tại cơ quan giữa các buổi họp và giao ban mỗi ngày.
Bộ trưởng Tiến kêu gọi các đơn vị trong ngành y vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng tích cực việc thực hiện vận động thể lực dưới hình thức đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày để ngừa các bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, béo phì...