Ngày anh Khánh nhận bằng tốt nghiệp THPT cũng là ngày chị gái thứ 4 của anh đi lấy chồng. Cha mẹ đau yếu, là con út trong nhà nên anh buộc phải bỏ dở việc học, gồng gánh nuôi gia đình. Cặm cụi làm ăn nhưng cái đói vẫn cứ đeo đẳng gia đình anh.
Mỗi năm, riêng thu mua mủ cao su đem về cho anh Khánh hơn 150 triệu đồng. |
Năm 1992, được dự án trồng cao su của Nông trường Cao su Quyết Thắng cho vay 2 triệu đồng, anh khai hoang 2ha đất đồi để trồng loại cây này với hy vọng thoát nghèo. “Không có tiền thuê máy móc, chỉ khai hoang bằng đôi tay và sáng củ khoai, trưa củ sắn, tôi làm quên cả nắng mưa” - anh Khánh nhớ lại.
Năm 2004, với số tiền tích góp được từ bán mủ của 950 cây cao su cùng với vay vốn ngân hàng 180 triệu đồng, anh mua thêm 20ha đất đồi, trong đó 6ha anh dùng trồng cao su, còn lại 14ha trồng tràm. Sau 7 năm, 14ha tràm cho anh nguồn thu hơn 600 triệu đồng. Với số tiền đó, anh mua một xe tải để tiện cho việc chuyên chở mủ cao su của gia đình, đồng thời anh bắt đầu thu mua mủ cao su cho bà con tại địa phương.
Hiện nay, với 8ha cao su cho khai thác, trừ mọi chi phí, anh Khánh thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Bình quân 14ha tràm cho anh thu nhập hơn 100 triệu/năm. Việc thu mua mủ cao su cũng mang về cho anh khoản lãi hơn 150 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Khánh còn tích cực giúp đỡ bà con về vốn, kỹ thuật trồng trọt để cùng thoát nghèo như anh. Không những thế, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, cùng hàng chục lao động thời vụ.
Ông Lê Trung Thông - Trưởng thôn 5, thị trấn Bến Quan phấn khởi: “Chính những người có quyết tâm vượt khó làm giàu như anh Khánh đã góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh”.
Ngọc Vũ