Dân Việt

Thanh tra Bộ Xây dựng nghi vòi tiền, trách nhiệm người đứng đầu thế nào?

Lương Kết (ghi) 14/06/2019 11:39 GMT+7
Sáng 14/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phó Ban Nội chính Trung ương) đã có trao đổi với báo chí xung quanh việc đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản vì liên quan nghi vấn “vòi” tiền tỷ.

img

ĐBQH Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương (ảnh IT).

Trong vụ việc nghi Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” tỷ và bị lập biên bản tại Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Xây dựng và Chánh thanh tra Bộ Xây dựng có trách nhiệm như thế nào thưa ông?

- Việc này phải xem xét vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể, còn bây giờ nói rất khó. Từ điều kiện cụ thể mới tháy được trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào, trách nhiệm của những người liên quan như thế nào, phải có xem xét quy trình cụ thể.

Chiều qua khi trả lời báo chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói đây là sai phạm của cá nhân, ông nghĩ sao?

- Đồng ý đó là sai phạm của cá nhân nhưng đây là cá nhân đi làm công vụ và công vụ này là do Bộ Xây dựng cử đi làm, giao nhiệm vụ. Như vậy, từ sai phạm của cá nhân làm ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của một ngành mà ở đây là hoạt động thanh tra.

Liên quan đến vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị lập biên bản và tạm giữ, có người mới được bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng cách đây 2 tháng, liệu có vấn đề công tác cán bộ thưa ông?

Đây là một vấn đề phải đặt ra. Vì sao anh mới bổ nhiệm một người mà trước đó trong quá trình bổ nhiệm phải theo dõi, đánh giá cán bộ nhưng sau khi bổ nhiệm, cán bộ đó đã có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, việc này đặt ra đối với trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc xem xét, bổ nhiệm cán bộ.

Khi anh lựa chọn, đánh giá cán bộ từ phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ như thế nào mà để sau khi vừa bổ nhiệm người ta đã có dấu hiệu vi phạm ngay. Trong công tác cán bộ, khâu đánh giá, nhìn nhận chưa tốt nên lựa chọn người không đúng dễ dẫn tới hậu quả.

Như Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói "đây là sai phạm cá nhân và liệu như vậy sau này cũng có thể rất nhiều sai phạm cá nhân xảy ra. Vậy, có cơ chế nào để giám sát các cơ quan thanh tra tốt hơn?

- Cơ chế giám sát tốt nhất ở đây là tự kiểm tra giám sát như trong đoàn, đối tượng bị kiểm tra và cơ quan chủ quản của đoàn kiểm tra. Tốt nhất và trực tiếp nhất là từ việc kiểm tra, tự quản lý.

Còn về sâu xa hơn nữa là liên quan đến công tác cán bộ. Có nghĩa là làm sao lựa chọn cho đúng người có phẩm chất, năng lực thật sự để bổ nhiệm vào vị trí thanh tra. Cái này nhiều cơ quan, bộ ngành chưa chú trọng đến đội ngũ làm công tác thanh tra. Chính vì chưa chú trọng nên chưa chọn đúng con người. Một khi đã lựa chọn đúng con người để thực thi công vụ trong hoạt động thanh tra thì chắc chắn độ tin cậy cao hơn, khi thực thi công vụ khó có sai phạm. Hơn ai hết chính những con người làm công tác thanh tra phải tốt, còn nếu như con người đó không tốt thì có giám sát, thủ tục như thế nào thì khó lòng mà kiểm soát được.

Xin cảm ơn ông (!).