Dân Việt

Gia tộc những người có bàn tay, chân "dị ngón" tài hoa ở Trà Vinh

Ngọc Hoa-Cát Tường 14/06/2019 14:45 GMT+7
Mặc dù mang trong mình dị tật về ngón nhưng tất cả những người trong gia tộc có bàn chân "dị ngón" ở Trà Vinh đều rất tài hoa, sống vui vẻ với đời. Họ chưa một lần oán trách số phận hay bị lung lạc tư tưởng dị biệt...

Một ngón tay  đa tài

Đến Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) hỏi thăm gia đình "nhất dương chỉ" thì từ người già đến trẻ nhỏ đều tỏ tường. Ông Nguyễn Văn Cộng đã qua đời vài năm nay, nhưng không vì thế mà sự kỳ lạ, nổi tiếng của dòng họ này phai nhạt. Kể về gia đình ông Chín Cộng, bà Hai Liền, hàng xóm vẫn xuýt xoa: "Con người ổng tài hoa, chất phác. Chỉ có một ngón tay mà việc gì cũng làm được, tiếc là ổng mất sớm quá".

Bà con hàng xóm ở ấp Bưng Lớn B thường nói với nhau, muốn làm "khó" ông Cộng, chỉ có cách thách ông cầm kim may đồ, cầm hạt dưa lên miệng cắn hay gieo lúa thì ông mới chịu. Còn mọi việc đồng áng, ông vẫn làm như bao nhà nông khác. Bàn chân một ngón bấu đất, lội ruộng, lội sông chẳng kém ai.

img

Tất cả những người thừa ngón của gia tộc ông Cống đều có chung một đặc điểm ở bàn chân và tay đều "dị ngón".

Sinh thời, ông Cộng là chàng bưng biền có sức khỏe cường tráng, dẻo dai. Việc nặng nhọc đồng áng, khiêng vác ông đều làm nhanh thoăn thoắt, không hề bị cản trở bởi ngón tay độc dị. Ông Cộng không bao giờ ca thán số phận cay nghiệt hay thân phận kém may mắn với đôi bàn tay, bàn chân thiếu ngón. Châm ngôn sống của ông Cộng là: "Tay chân có thiếu, có thừa ngón chẳng sao. Miễn chịu làm ăn là sống được".

Tuổi trẻ, ông Cộng xin tòng quân chống Mỹ cứu nước. Lúc đầu thấy tay chân ông "thiếu hụt", cán bộ tuyển quân định loại ngay. Ông liền xin cán bộ thẩm tra cho phép thể hiện tại chỗ một màn biểu diễn tháo lắp súng. Mọi người trố mắt kinh ngạc bởi thao tác nhanh và chuẩn của ông Cộng. Chưa hết, ông còn cầm súng bắn ngon lành bằng đôi tay chỉ có 2 ngón. Không còn lý do gì nữa, Hội đồng tuyển quân cho ông nhập ngũ ngay.

Trở về sau cuộc chiến, ông Cộng mang trên mình thương tật. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn đánh giá rất cao tài năng quân sự của ông Cộng nên đã giao cho ông phụ trách huấn luyện quân sự cho thanh niên địa phương và đảm nhiệm luôn công việc Hội cựu chiến binh xã. Ngoài ra, ông từng giữ chức thư ký xã bởi viết chữ đẹp. Đặc biệt, ông còn biết đánh đàn ghi-ta và là một giọng ca mùi mẫn của thôn ấp mỗi khi có lễ hội, tiệc tùng.

Đến tuổi xây dựng gia đình, ông Cộng rụt rè không dám đi "tán gái", đành nhờ ba mẹ đi… tán giùm. Bà Nguyễn Thị Anh ở gần nhà, hiểu được hoàn cảnh của ông Cộng, thường xuyên nhìn thấy ông vác cuốc thuổng ra đồng nên ưng ngay cái bụng. Đám cưới bình dị diễn ra, cô dâu năm đó 21 tuổi. Ở với nhau 5 năm, bà Anh vẫn không thấy rục rịch chuyện con cái, cả hai đều lo lắng bồn chồn.

Bác sĩ nói do chồng mắc bệnh hiếm muộn, phải chịu khó kiêng và thuốc thang đều đặn mới có cơ hội sinh nở. Thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ, sau hai năm, bà Anh sinh được cậu con trai đặt tên Nguyễn Văn Bình.

Khi bà Anh còn đang lịm đi sau đợt vượt cạn thì ông Cộng là người đầu tiên bước vào phòng, nắm lấy bàn tay bé bỏng của con trai, ông vui cười thốt lên: "Trời ơi, nó giống tui y đúc, tay chân chỉ có một ngón". Bà Anh nghe được, buồn không khóc nổi. Biết tin gia đình ông Cộng có thêm một "nhất dương chỉ" thứ hai, bà con trong xóm ùn ùn kéo tới xem. Họ kháo nhau đủ điều, chỉ trỏ, bàn tán râm ran suốt một thời gian dài.

4 đời "nhất dương chỉ"

Trong căn nhà cấp 4 nép mình giữa khóm dừa xum xuê trái, mẹ con anh Nguyễn Văn Bình đang tất bật lao động. Cái nắng mùa hè ở sông nước miền Tây có phần dịu nhẹ hơn trên thành phố nhưng vẫn khiến con người cực nhọc, bức bối. Anh Bình năm nay 42 tuổi, là con trai duy nhất trong số 4 người con của vợ chồng ông Cộng và cũng là truyền nhân duy nhất đời thứ 3 chỉ có một ngón tay và một ngón chân.

img

Anh Bình với bàn tay một ngón.

Bình lớn lên thua kém chúng bạn bởi chân tay không đủ ngón. Tuy nhiên, Bình lại có thiên bẩm viết chữ rất đẹp. Anh cho biết, một ngón tay cầm bút là rất khó, anh chỉ có thể quặp cây bút vào phía trong lòng bàn tay rồi ghì xuống giấy viết, nhưng nét chữ dường như có ma lực, cứ phiêu lãng như nét phượng nét rồng.

Thấy chúng tôi có vẻ nghi ngờ, anh lấy ngay giấy bút ra viết ba chữ Nguyễn Văn Bình nhanh thoăn thoắt và đúng là rất đẹp. Tài hoa về nét chữ không đắp đổi được ước mơ tri thức của anh. Bình phải dừng học khi vừa tới lớp 7.

Bình ở nhà phụ giúp gia đình, sau này có sức khỏe, anh đi làm mướn, chủ yếu cuốc đất và phụ hồ. Anh cầm cuốc bằng khuỷu tay, xách vữa bằng cổ tay. Người ta trả công cho anh bằng 80% công của người có đầy đủ chân tay.

Yếu tố di truyền "nhất dương chỉ" trong dòng họ ông Cộng qua ba đời đều nhằm vào con trai. 3 người con gái còn lại của ông bà đều có 5 ngón tay bình thường. Đứa con gái đầu lòng của anh Bình cũng có bàn tay 5 ngón thật đẹp.

Anh Bình lo lắng, nếu sinh đứa sau là con trai không biết có dính gen di truyền "một ngón" hay không nên vợ chồng lưỡng lự mãi. Cuối cùng, vợ anh cũng mang bầu. Cả gia đình hồi hộp chờ đợi. Khi vợ thông báo là con gái, anh Bình thở phào nhẹ nhõm.

Ngày hạ sinh, anh Bình thấp thỏm, hồi hộp và có một chút linh tính cho sự chẳng lành. Quả đúng như vậy, bé gái tròn trịa, khuôn mặt như thiên thần nhưng chân tay chỉ có một ngón giống y chang cha của nó. Anh Bình quay đi lặng lẽ lau nước mắt.

Vậy là điều sợ hãi nhất đã trở thành hiện thực, "lời nguyền nhất dương chỉ" 3 đời ám vào con trai thì nay đã bị phá vỡ. Cô con gái đầu tiên của dòng họ chịu số phận một ngón. Nếu là con trai có lẽ sẽ dễ dàng hơn với cuộc đời phía trước, nay "nhất dương chỉ" trúng vào con gái chắc chắn nó sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều. Chính vì vậy, cả gia đình đã dành hết yêu thương cho bé. 

Dị nhân nhiều ngón

Trong khi gia tộc ông Nguyễn Văn Cộng thiếu ngón tay thì ở cách đó không xa, tại Xã Vĩnh Bình (Chợ Lách, Bến Tre) gia tộc ông Võ Văn Cống lại thừa ngón. So sánh sự nổi tiếng, có lẽ dòng họ thừa ngón có phần nhỉnh hơn bởi họ có tới 14 người mang thân phận dị nhân nhiều ngón. Mỗi bàn chân bàn tay đều có 6 ngón, tổng cộng có 24 ngón.

img

Ông Cộng lúc sinh thời cùng cậu con trai "nhất dương chỉ"

Từ ngày trở thành "hiện tượng" trên báo chí, gia đình ông ngày nào cũng có khách tới chơi. Họ thăm thì ít mà tò mò thì nhiều, nhưng vì bản chất nông dân Nam Bộ, ông Cống vui vẻ, ai cũng tiếp đón nhiệt tình.

Điều đặc biệt là các ngón tay ngón chân thừa của dòng họ ông Cống đều rất ngay ngắn, thẳng hàng không có gì khác biệt nhiều so với các ngón chính. Ông Cống cho biết, dị tật di truyền thừa ngón này là của bên ngoại nhà ông.

Gia tộc bên ngoại đã di truyền qua nhiều đời, nhiều thế hệ ở cả trai lẫn gái. Ông ngoại của ông có 24 ngón, còn bà ngoại tay chân bình thường. Hơn 10 người con của họ thì chỉ có má của ông Cống là 24 ngón. Trong chín anh em thì ông Cống và người anh thứ ba có 24 ngón.

Ông Cống có tổng cộng 12 người con, trong đó có 4 người có 24 ngón giống như ông. Đó là cô con gái thứ hai, cậu con trai thứ sáu, rồi con trai thứ bảy và cô con gái thứ chín. Tất cả những người con thừa ngón của ông Cống khi lập gia đình sinh con đều bị thừa ngón. Đến giờ, gia tộc này có 14 người có 24 ngón tay, chân.

Ông bà xưa thường nói "có tài có tật". Bản thân ông Cống hồi trẻ là một cầu thủ đá bóng giỏi nhất trong làng. Ông được mệnh danh là "tiền đạo 6 ngón" và đá bóng bằng...chân không. Chuyện này cũng do đôi bàn chân thừa ngón to bành, chìa ra ngoài nên không có giày nào mang vừa.

Có lần mặt sân nhiều sỏi đá nhỏ, Ban tổ chức yêu cầu ông Cống phải đeo giày. Cực chẳng đặng, ông đi tìm khắp chợ huyện mới được đôi giày đủ cỡ, nhưng vừa vào trận được dăm phút, đôi giày bung bét ra, ông lại chạy chân trần. Trong suốt trận đấu, ông chạy như trâu, lăn xả không biết mệt mà bàn chân vẫn chẳng sao.

Những người thừa ngón trong gia đình ông Cống đều có chung một sở thích là đi chân đất, trừ khi nào có tiệc tùng cưới xin mới miễn cưỡng đi dép. Riêng phận gái thì việc thừa ngón đã gây rất nhiều trở ngại cũng như yếu tố thẩm mỹ.

Con gái của ông Cống đã phải đi cắt bỏ ngón thừa để đi được guốc cao gót trong ngày làm cô dâu. Anh Võ Tấn Đức con trai ông Cống mãi tới năm 23 tuổi mới tập mang dép để đi hỏi vợ. Ngày làm chú rể, anh Đức ngượng ngùng, đi lại khó khăn bởi đôi dép.

Nói về "căn bệnh" thừa ngón của dòng tộc, ông Cống không hề có chút buồn lòng, trái lại còn thoải mái. Ông quan niệm, đó là đặc ân của cha mẹ cho mình. Vì vậy, hãy cứ vui vẻ đón nhận, bởi chúng ta không thể chọn lựa được sự hoàn hảo khi sinh ra đời.