Ngày 14/6, ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định xác nhận, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đề xuất vị trí đổ chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn.
Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng nạo vét ở luồng cảng Quy Nhơn dự kiến khoảng 300.000m3. Đơn vị này đưa ra 3 phương án đổ chất nạo vét, trong đó có phương án nhận chìm vật chất nạo vét ra khu vực biển.
Theo lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương đồng ý cho thực hiện nạo vét và yêu cầu các đơn vị liên quan phải lập phương án nạo vét, tính toán khối lượng cũng như đề xuất vị trí đổ thải đảm bảo đúng quy định, báo cáo lại UBND tỉnh.
“Theo đề xuất của Cục Hàng hải, khối lượng khoảng 300.000m3. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất còn khối lượng cụ thể thì cần phải dựa theo những tính toán cụ thể đánh giá thể hiện theo phương án. Phía hàng hải phải xác định phương án nạo vét, xử lý nhận chìm rồi đề xuất khối lượng bao nhiêu, khảo sát điểm nhận chìm theo quy hoạch ở vị trí nào, khi đó mới tính chuyện thẩm định để báo cáo UBND tỉnh”, ông Tùng cho hay.
Khu vực biển Quy Nhơn nơi thu hút rất đông du khách bởi môi trường trong lành.
Một đại diện Chi cục Biển và Hải đảo (thuộc Sở TNMT tỉnh Bình Định) cho rằng, việc nạo vét thông luồng hàng hải Quy Nhơn là việc làm thường xuyên của Cục Hàng hải Việt Nam. Bởi, luồng lạch hàng năm đều bị bồi lấp nên không đảm bảo về độ sâu của luồng hàng hải để các tàu thuyền ra vào.
“Phía Cục hàng Hải đưa ra các phương án như tìm kiếm đơn vị tiếp nhận nguồn vật chất nạo vét này, để phục vụ cho các công trình san lấp mặt bằng hoặc nhận chìm nguồn vật chất nạo vét này ra biển. Tuy nhiên, việc này phải tùy vào phương án nhận chìm hay đổ thải ra sao, nếu tìm được đơn vị tiếp nhận thì họ sẽ đổ lên bờ”, đại diện Chi cục Biển và Hải đảo thông tin.
Cũng theo đại diện Chi cục Biển và Hải đảo Bình Định, vật chất nạo vét này chủ yếu là bùn thải, bùn đất và các chất phù sa ở cửa biển từ đầm Thị Nại đổ ra. Sau khi UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép nạo vét, Cục Hàng hải sẽ phải xây dựng phương án cụ thể về việc xác định vị trí, khối lượng cụ thể, phương án đổ thải.
Ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định khẳng định: “Ở đây, bên phía Cục Hàng hải mới chỉ có đề xuất chủ trương, chưa có gì hết. Họ chưa có phương án cụ thể, chưa có đánh giá ĐTM nên chưa có cơ sở thống nhất việc này được. Hiện, chúng tôi đã đề xuất ưu tiên cho phương án tận dụng nguồn vật chất này. Tuy nhiên, tất cả phải chờ Cục Hàng hải họ có đề xuất cụ thể, mới quyết định được”.