Dân Việt

Dân "sống khỏe" nhờ rau, quả không hóa chất

Quỳnh Nguyễn 15/06/2019 05:30 GMT+7
Ngày 14/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam (VOAA) phối hợp với Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) tổ chức hội thảo “Đánh giá hoạt động sản xuất, thị trường và đổi mới chính sách nông nghiệp hữu cơ 2016-2019”.

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam (VOAA) phối hợp với Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) tổ chức hội thảo “Đánh giá hoạt động sản xuất, thị trường và đổi mới chính sách nông nghiệp hữu cơ 2016-2019”.

Tại hội thảo, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, sau 3 năm triển khai Dự án Tăng cường cơ cấu sản xuất và tiếp thị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại phía Bắc Việt Nam (MOAP), vào thời điểm kết thúc dự án, hầu hết các chỉ số đánh giá mục tiêu phát triển đều đạt và vượt ngưỡng yêu cầu.

img

Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thăm mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn PGS của Liên nhóm hữu cơ Lương Sơn, Hòa Bình. Ảnh: Báo Hòa Bình

Các hộ gia đình nông dân nghèo đã được tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống thông qua việc tham gia vào sản xuất các sản phẩm NNHC: Có 63,3% số hộ khảo sát đã được tăng thu nhập so với thời điểm trước khi tham gia dự án (2016), tỷ lệ tăng trung bình là 25,9% số hộ sản xuất NNHC có thu nhập tăng so với 2016, mức độ tăng thu nhập trung bình của các hộ này là 20,8%; đặc biệt các hộ ở Hàm Yên (Tuyên Quang) tăng thu nhập từ sản xuất cam hữu cơ lên đến 83,8%.

Hiểu biết của người nông dân vùng dân tộc thiểu số ở vùng dự án với hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái/NNHC và bảo vệ môi trường được nâng cao rõ rệt. Có 100% số nông dân được hỏi cho rằng họ được nâng cao nhận thức hiểu biết về sản xuất NNHC, trong đó 83,9% đánh giá này là họ đã có thay đổi nhận thức rất nhiều.

Số các trường hợp mắc bệnh nặng của nông dân dân tộc thiểu số do sử dụng thuốc trừ sâu học đã giảm. Số lần ốm trung bình/năm của nông dân giảm từ 5,1 lần chúng còn 4,3 lần; số lần ốm phải đi khám, chữa bệnh ở trạm xá xã hoặc bệnh viện giảm từ 2,1 xuống còn 1,7 lần.

Là một trong những tỉnh tham gia dự án MOAP của ADDA, Tuyên Quang đã triển khai thực hiện một số hoạt động về sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ năm 2017.

Ông Nguyễn Đại Thành-Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tuyên Quang cho biết, năm 2018 toàn tỉnh thành lập được 3 nhóm nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 29,7ha/17 hộ tham gia; công nhận sản xuất chuyển đổi cho 17,2ha của 9 hộ dân tại 3 nhóm sản xuất tại liên nhóm Hàm Yên, bao gồm cam sành, cam V2, cam Vinh và cam Canh với sản lượng 76 tấn…

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lương Sơn và Tân Lạc, như trồng nấm công nghệ cao, trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS; nuôi lợn, trồng dược liệu theo hướng hữu cơ.

 “Dự án đã giúp các hội viên nông dân nâng cao chất lượng của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là hướng đi mới bền vững, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ môi trường nông thôn cũng như sức khỏe của cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn”-bà Phương khẳng định.