Dân Việt

Công Vinh: "Ta lại về úp mặt vào sông quê..."

21/02/2013 14:54 GMT+7
Dân Việt – Chính cái nôi xứ Nghệ đã chắp cánh cho Công Vinh trở thành ngôi sao số 1 bóng đá Việt những năm qua. Để rồi khi CV9 thất cơ lỡ vận, lại vẫn là SLNA lại đưa tay cho anh nắm lấy.

Trở lại thời điểm cuối năm ngoái, khi CLB bóng đá Hà Nội chính thức tuyên bố giải tán, đội tuyển bóng đá Việt Nam thất bại thảm hại tại AFF Cup 2012, vẫn rất ít người tin một chân sút có đẳng cấp như Lê Công Vinh phải rơi vào cảnh thất nghiệp.

img
Trong cơn bĩ cực, Công Vinh (trái) đã được đội bóng quê hương SLNA đón nhận.
Ảnh: Đàm Duy

Nhưng rồi cái điều tưởng như chỉ nói cho vui đó ngày càng trở nên rõ dần, đặc biệt khi những thông tin về những “bến đỗ ảo” của Vinh cứ lần lượt xuất hiện rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng. Có lẽ, trong những khoảnh khắcnào đó, trong đầu CV9 đã lóe lên (và hoảng sợ) về những ngày dài phải “ngồi chơi xơi nước” hưởng lương cao, dù mình hoàn toàn khỏe mạnh.

Thực tế, cách đây mấy ngày, chính ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, khi trả lời báo chí cũng bày tỏ sự cảm thán khi nghĩ tới khả năng thất nghiệp của Vinh. Ông Dũng nói rất đau với câu chuyện này, bởi không thể phủ nhận Vinh là một tài năng bóng đá, và đáng ra sẽ có không ít CLB “trải thảm đỏ” đón Vinh, vậy mà…

Nói cho rõ hơn, điều Công Vinh cần nhất lúc này không phải là tiền (bởi anh không thiếu tiền), mà là cảm giác được hít thở bầu không khí bóng đá quen thuộc. Chỉ trên sân cỏ, CV9 mới là chính mình, và ngược lại.

Rộng hơn, nếu Công Vinh thất nghiệp, không chỉ anh và Công ty cổ phần bóng đá Hà Nội phải nhận trái đắng, mà cả làng bóng đá Việt cũng không tránh khỏi những ánh mắt nghi ngờ từ nhiều phía với câu hỏi: Điều gì đang diễn ra ở bóng đá Việt khi một ngôi sao đang bước vào độ tuổi chín nhất của sự nghiệp (28 tuổi) lại chẳng có đội nào muốn thuê?

Nhưng rồi tất cả đã thoát khỏi cảnh bẽ bàng với cú “ra tay” của những người làm bóng đá SLNA. Ở vào “phù bù giờ”, Công Vinh đã được “bộ đôi” Công ty cổ phần bóng đá SLNA - Công ty cổ phần bóng đá Hà Nội phối hợp với nhau đưa ra “đường chuyền đẹp” để anh “ghi bàn”, thoát khỏi nguy cơ thất nghiệp.

Cảm giác vui mừng, hồ hởi khi được trở lại tập luyện trong màu áo đội bóng quê hương, rồi là những lời biết ơn chân thành tới ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA và HLV Nguyễn Hữu Thắng, đã được Vinh đưa ra. Nhưng có điều mà Vinh chưa (hoặc ngại) nói là “món nợ ân tình” với quê hương một lần nữa lại dày hơn...

"Ta lại về úp mặt vào sông quê/như thuở nhỏ/úp mặt vào lòng mẹ/để tìm sự chở che…", những lời thơ da diết của nhà thơ xứ Nghệ Lê Huy Mậu như ứng vào hoàn cảnh của Công Vinh lúc này.

img
Công Vinh (trái) sẽ sớm tìm lại được chính mình khi nhận được sự hỗ trợ từ phía các đồng đội ở SLNA? Ảnh: Đàm Duy

Khoảng 14 năm trước, khi cậu bé Lê Công Vinh ở tuổi 14, anh đã tới với lò bóng đá xứ Nghệ với quyết tâm đổi đời. Lúc đó trước mắt Vinh dường như chỉ có một con đường giúp anh thoát khỏi gia cảnh vô cùng éo le.

Và thực tế, nếu như không phải ở SLNA, mà ở một nơi nào khác, thì có lẽ Vinh đã nhận được cái lắc đầu ngay từ “vòng gửi xe” với khả năng chơi bóng ban đầu được đánh giá rất hạn chế.

Riêng những người làm bóng đá xứ Nghệ mới nhìn thấy được tiềm năng của Vinh, đặc biệt là ý chí vươn lên cực kỳ mãnh liệt để dày công “mài giũa” lên một tài năng mang tên Công Vinh có thể tỏa sáng tại JVC Cup 2003, khi đó, Vinh mới 18 tuổi.

Tại JVC Cup 2003, Vinh đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi tỏa sáng với 4 bàn thắng, trong đó có cú đúp giúp SLNA lội ngược dòng hạ CLB Perak (đương kim vô địch Malaysia lúc đó) 2-1 trong trận chung kết. Riêng Vinh lập hat-trick danh hiệu cá nhân: Cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết, Cầu thủ xuất sắc nhất giải, Vua phá lưới. Màn thể hiện ấn tượng đó đã giúp Vinh được HLV A.Riedl điền tên vào danh sách đội U23 Việt Nam dự SEA Games 2003 (Vinh ghi được 1 bàn thắng ở vòng bảng trong trận thắng Lào 1-0).

Thời gian trôi qua, với bản lĩnh và ý chí thép của mình, Vinh đã dần qua mặt bộ đôi tiền đạo cùng thời, từng được coi là “thần đồng” của bóng đá Việt Nam: Văn Quyến-Thanh Bình.

Và việc Văn Quyến dính tiêu cực SEA Games 2005 đã mở ra một bước ngoặt để Vinh vươn lên trở thành một phần đặc biệt ở SLNA cũng như đội U23, đội tuyển quốc gia những năm sau đó.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của Vinh là cú đánh đầu lái bóng đẳng cấp trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 tiếp Thái Lan trên sân Mỹ Đình.

Bàn thắng ấy đã giúp Việt Nam gỡ hòa 1-1 (thắng chung cuộc 3-2) để bước lên ngôi vô địch Đông Nam Á lịch sử.

Sự quyết tâm, tài năng, chuyên nghiệp trên sân cỏ, ứng xử khôn ngoan ngoài đời.., tất cả đã cộng hưởng lại giúp Vinh có được nhiều thứ.

Đầu tiên là bản hợp đồng kỷ lục hơn 7 tỷ đồng/3 năm, lương gần 50 triệu đồng/tháng khi chuyển từ SLNA về Hà Nội T&T kể từ V.League 2009 tới hết V.League 2011.

Sau đó, Vinh chuyển tới Hà Nội của bầu Kiên với mức lót tay được cho là cực "khủng" (13 tỷ đồng/3 năm, lương khoảng 70 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, trong thời gian gắn bó với bầu Hiển, Vinh còn được đưa sang học việc tại CLB Leixoes (Bồ Đào Nha)…

Nhưng đời không như là mơ, vào đúng lúc tưởng như sự nghiệp của CV9 sẽ lên mãi như "diều gặp gió", thì bầu Kiên lại dính vòng lao lý, kéo theo hệ quả là hai đội bóng Hà Nội (V.League), Trẻ Hà Nội (hạng Nhất) phải giải tán.

CV9 thất nghiệp ở cấp CLB, còn ở tầm đội tuyển, anh cũng thi đấu không thành công tại AFF Cup 2012, không được HLV Hoàng Văn Phúc gọi vào đội tuyển tham dự trận ra quân tại vòng loại Asian Cup 2015 tiếp UAE.

Niềm an ủi lớn nhất với Vinh là anh và vợ của mình là ca sỹ Thủy Tiên đã đón chào con gái đầu lòng trong tổ ấm hạnh phúc hồi đầu năm nay. Và khi V.League 2013 chỉ còn hơn 1 tuần nữa là khởi tranh, Vinh đã tìm được chỗ dựa mang tên “chùm khế ngọt” quê hương SLNA.

Hơn ai hết, Vinh hiểu cái thế của mình lúc này, và hiểu cái tình mà những người làm bóng đá xứ Nghệ dành cho mình: “Tôi biết ơn tất cả nhưng sẽ nói lời cảm ơn bằng phong độ trên sân”, Vinh nói.

Câu nói ấy hy vọng sẽ không chỉ là lời nói xã giao, khôn khéo thường thấy ở Vinh. Thực tế, bản thân cầu thủ này cũng chưa một lần nâng cao chiếc Cúp vô địch V.League cùng SLNA.

Nếu làm được điều đó trong năm nay, Vinh không những khẳng định được giá trị của mình, mà còn là cách tri ân tốt nhất với đội bóng quê hương!

Trong quá khứ, Công Vinh thường rất “có duyên” khi được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Hữu Thắng. Bắt đầu từ JVC Cup 2003, tới V.League 2009 (HLV Hữu Thắng đánh dấu sự trở lại của mình bằng việc dẫn dắt Hà Nội T&T ở lượt về, và Công Vinh đã ghi được 14 bàn thắng, trở thành cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất, chỉ kém 2 ngoại binh cùng đoạt ngôi Vua phá lưới là Lazaro (Quân khu 4) và Merlo (SHB.Đà Nẵng) 1 bàn). Hợp đồng cho mượn Công Vinh giữa Công ty cổ phần bóng đá Hà Nội và Công ty cổ phần bóng đá SLNA sẽ kết thúc vào tháng 8.2013, ngay sau khi mùa giải 2013 khép lại.