Dân Việt

Rớt lớp 10 công lập, tự tin tuyển thẳng vào… cao đẳng

Khải Huyền 16/06/2019 07:04 GMT+7
Nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề ở TP.HCM tuyển sinh viên tốt nghiệp THCS, mở ra thêm cơ hội cho những học sinh không đủ điểm dự tuyển vào lớp 10 công lập hoặc muốn rút ngắn thời gian đi học từ THPT đến cao đẳng, đại học.

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của hơn 79.500 học sinh THCS. Thống kê của Sở này cho thấy, có đến gần 50% tổng số bài thi môn Toán đạt dưới 5 điểm, 58,5% thí sinh có điểm tiếng Anh dưới 5. Với phổ điểm này, dự báo sẽ có khoảng hơn 32.500 học sinh THCS rớt lớp 10 công lập. Đây cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Ngay sau khi có kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, nhiều thí sinh rơi nước mắt. Dù đã rất cố gắng nhưng các em không còn nhiều hy vọng giành “một suất” vào THPT công lập. Dẫu vậy, con đường học tập của những thí sinh rớt kỳ tuyển sinh vừa rồi không hẳn đã khép lại.

Cụ thể, hệ thống trường THPT dân lập, quốc tế phù hợp với những gia đình có điều kiện tài chính. Ngoài ra, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề tại TP.HCM cũng đang ráo riết tuyển sinh cho nhiều chương trình đào tạo chính quy dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.

img

Trong giờ thực hành ngành Quản trị Bếp và Ẩm thực của sinh viên trường Trung cấp Việt Giao (TP.HCM).

Th.S Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM, phân tích, không như trước đây, hiện nay các em học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ có nhiều hướng đi khác nhau. Thứ nhất, theo định hướng của TP.HCM thì năm nay có hơn hơn 30.000 em sẽ không vào được công lập. Đối với những học sinh này, các em có thể học THPT dân lập, trường quốc tế hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên.

“Cũng có một số học sinh thôi học và đi làm. Tuy nhiên, đây là hướng đi các em không nên chọn vì bản thân học sinh lúc này kiến thức không nhiều, các kỹ năng và kinh nghiệm cũng chưa tích luỹ đủ, tương lai sẽ bấp bênh”, thầy Lý phân tích.

Thay vào đó, Th.S NGuyễn Đăng Lý cho rằng, nếu không vào được lớp 10 công lập, một con đường khác cho các em là vào thẳng cao đẳng, học xong trong 3 năm rưỡi, vừa có bằng THPT vừa có bằng cao đẳng nghề.

Ông Hồ Văn Sĩ, Trưởng phòng Tuyển sinh-Đào tạo Trường CĐ Lý Tự Trọng cũng thông tin, nhà trường có mô hình đào tạo 9+4, nghĩa là học sinh khi tốt nghiệp THCS thì vào trường học chính quy. 3 năm đầu học văn hóa: 4 môn Toán, Lý, Hóa, Văn, 110 tiết tất cả theo chương trình của Bộ. Sau 3 năm, học sinh có bằng trung cấp chính quy.

“Tốt nghiệp chương trình 9+4 xong, nếu muốn các em có thể học tiếp 1,5 năm nữa để liên thông lên đại học. Với kiến thức văn hóa đủ sử dụng trong nghề nghiệp, ra trường đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”, ông Sĩ cho biết.

img

Học sinh chọn học nghề, trung cấp... sau khi tốt nghiệp THCS giúp rút ngắn thời gian đào tạo từ THPT đến cao đẳng, đại học.

Ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, bên cạnh lựa chọn phát triển theo con đường THPT, nhiều em học sinh tốt nghiệp THCS rất có thể phù hợp với lựa chọn học hệ trung cấp và cao đẳng. Điều này dựa vào sự đánh giá trung thực về năng lực cá nhân và định hướng nghề nghiệp.

Theo ông Quân, thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây.

Do đó, học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.

“Cùng với rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm phù hợp, chúng ta cũng đang lãng phí rất lớn khi có hàng trăm ngàn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp. Thay vào đó, các em chấp nhận làm những công việc lao động phổ thông không qua đào tạo nghề nghiệp. Nếu các em này được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm nhiều người lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo”, Thứ trưởng Lê Quân nhìn nhận.

Thế nhưng, cũng theo ông Quân, việc định hướng phân luồng giáo dục, hướng dẫn học sinh tốt nghiệp THCS chọn hướng đi phù hợp còn nhiều vướng mắc, chủ yếu là quan điểm của các bậc phụ huynh vẫn còn coi trọng bằng cấp.

Trong khi chỉ tiêu phân luồng được đặt ra cho ngành giáo dục là 30% vào năm 2020 và 45% vào 2025. Tuy nhiên, đến nay kết quả phân luồng đạt rất thấp so với yêu cầu. Nhiều địa phương tỷ lệ phân luồng chỉ đạt dưới 10%.