Vì lẽ đó, sau phiên tòa sơ thẩm xét xử ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, trung tuần tháng 5, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn đến Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp Quốc hội khiếu nại và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 291/2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM vì lý do có “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”. Các cơ quan này cũng đã có văn bản đề nghị TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định pháp luật đối với đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Theo VKSND TP.HCM, ngày 18/7/2016, ông Vũ có yêu cầu phản tố chia tiền, vàng và ngoại tệ do bà Thảo đứng tên tại ba ngân hàng. Tuy nhiên, từ khi thụ lý, thẩm phán không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải trước khi mở phiên toà. Bản kháng nghị cho rằng "HĐXX lồng ghép việc này trong quá trình xét xử và không được sự chấp nhận của bà Thảo là vi phạm Bộ Luật TTDS 2015". Ông đánh giá về việc này thế nào, thưa ông?
- Vì bị đơn có đơn phản tố, Tòa phải thụ lý như nguyên đơn, có nghĩa là bị đơn đó đứng vai trò nguyên đơn. Sau khi có phản tố, nguyên tắc hai bên phải giao nộp chứng cứ cho toà. Toà phải lập biên bản và công khai chứng cứ đó và ghi nhận ý kiến của hai bên hoặc những người liên quan. Đó là một trong những nguyên tắc tố tụng dân sự mà nếu không thực hiện như thế là sai.
Nguyên tắc là giao nộp chứng cứ trước khi toà án đưa vụ án ra xét xử. Nếu tại phiên toà có đương sự nào tiếp tục giao nộp chứng cứ thì toà án phải hỏi rõ là tại sao trước đây không nộp mà bây giờ mới nộp. Đương sự mới nộp chứng cứ tại phiên toà phải giải trình chứng cứ lý do tại sao hoặc thậm chí có những trường hợp phải dừng lại phiên toà để thẩm định chứng cứ đó nếu mới nộp.
Thế nên trong trường hợp mới xuất hiện những chứng cứ mới tại phiên toà thì không thể nào lồng ghép vào. Nguyên tắc là phải thẩm định chứng cứ, xem xét chứng cứ, ghi nhận ý kiến hai bên. Khi giao nộp chứng cứ trước khi xét xử tòa cũng phải công khai để các bên liên quan người ta có đủ thời gian để tìm những chứng cứ liên quan đến việc đó; để phía bên kia có thể trình bày, xuất trình, phản biện lại chứng cứ đó hoặc thừa nhận nó.
Bản án tính số tài sản chung không đúng. Từ đó dẫn đến số tiền mỗi bên được hưởng, số tiền chênh lệch ông Vũ phải trả bà Thảo, số tiền án phí các đương sự phải chịu đều không đúng... VKS TP.HCM nêu quan điểm "HĐXX chưa xác minh làm rõ nguồn gốc hình thành số tiền, sau đó được chuyển đến đâu, thời gian nào, sử dụng vào mục đích gì và hiện nay ai đang quản lý. Chỉ khi làm rõ được mới đảm bảo chia tài sản chung của các đương sự" và cho rằng phán quyết của tòa chưa chính xác, gây khó khăn cho việc thi hành án. Ông đánh giá ý kiến này thế nào?
- Món tiền đó chưa được xác minh làm rõ mà chia trên giấy tờ là sai. Cho nên nếu trong trường hợp này thì phải yêu cầu làm rõ, yêu cầu điều tra lại, yêu cầu các đương sự phải xuất trình chứng cứ.
Trong bản án sơ thẩm, chủ tọa đã tước quyền cổ đông và người đồng sở hữu tập đoàn Trung Nguyên là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vậy giữa việc phân chia tài sản theo luật Hôn nhân Gia đình và quyền của cổ đông theo luật doanh nghiệp cần phải được đánh giá và xử lý như thế nào?
Ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Cấp cao 3. Ảnh: Nguyễn Chương
- Theo quy định Điều 27 Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, cũng như quy định tại Điều 28 Bộ luật TTDS 2015 đang có hiệu lực, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bao gồm: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; Chia tài sản sau khi ly hôn; Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân... Vậy thì khi thụ lý vụ án về ly hôn, tòa chỉ có thể giải quyết các yêu cầu của các bên về các vấn đề liên quan đến quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân hoặc quan hệ con cái, cấp dưỡng. Còn các vấn đề như quyền điều hành công ty hay quyền của cổ đông, thành viên công ty về chuyển nhượng cổ phần, vốn góp,... Nếu có liên quan phần sở hữu chung của vợ chồng cũng phải tách ra một vụ kiện khác, vì liên quan đến doanh nghiệp, công ty.
Như vậy, việc sở hữu cổ phần là để xác lập tư cách cổ đông và từ tư cách cổ đông sẽ xác lập các quyền của cổ đông tùy theo tỷ lệ cổ phần như các quyền về quản trị công ty (quyền biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông, quyền yêu cầu triệu tập và triệu tập họp đại hội đồng cổ đông ...); quyền tài sản đối với cổ phần (chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế... bằng cổ phần); quyền được chia cổ tức.... Do vậy, nếu quyết định hoán đổi cổ phần và yêu cầu cổ đông phải chấp nhận để đổi lấy bằng tiền là đã bỏ hàng loạt các quyền của cổ đông nêu trên.
Vợ chồng vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên xét xử ly hôn.
Việc sau khi Toà ra một bản án, cả hai bên đương sự là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng kháng án; cơ quan giám sát quá trình xét xử là VKSND TP.HCM cũng đã kháng nghị. Thưa ông, từ trước tới nay đã từng xảy ra những trường hợp nào tương tự như vậy chưa?
- Rất ít trường hợp như vậy. Do nhiều sai sót nên phán quyết chưa tâm phục, khẩu phục. Cơ quan kiểm sát cũng mạnh mẽ kháng nghị nhằm khắc phục các vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích các bên liên quan.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thời gian qua ông đã nhận được đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ "vua cà phê" Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ), khiếu nại về việc TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bản án dân sự về hôn nhân gia đình giữa bà Thảo và ông Vũ. Trong hồ sơ, bà Thảo gửi kèm kháng nghị của Viện KSND TP.HCM và bản kháng cáo của bà Thảo đối với bản án sơ thẩm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong các bộ luật và luật vừa nêu, có một nguyên tắc rất quan trọng: Việc dân sự cốt ở hai bên. Tức là phán quyết của tòa phải dựa vào sự thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, thì có những nguyên tắc phân chia rất rõ ràng. Không thể cho rằng, nếu như người này tiếp tục ở trong công ty thì ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công ty. Điều này giống như việc hai vợ chồng có một căn nhà, không thể bắt một người nhận tiền để đi ra khỏi ngôi nhà của chính họ, nếu như người đó không tự nguyện. Sau khi ly hôn, hai vợ chồng ở cùng nhà đó có thể phát sinh mâu thuẫn nhưng luật pháp tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên. "Luật pháp về dân sự không tước quyền của bất cứ người nào liên quan đến khối tài sản đó. Người ta không thỏa thuận, thì không tòa nào có quyền đuổi họ ra khỏi ngôi nhà đó được", ông Giang nhấn mạnh. Phân tích về những vấn đề còn tranh cãi trong phiên xét xử vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên, ông Giang cũng cho rằng, trong việc phân chia khối tài sản ở Trung Nguyên, tòa không thể cho rằng, việc bà Thảo ở công ty sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của công ty đó. Không ai có quyền đuổi bà Thảo ra khỏi công ty của chính mình góp phần lập nên, trừ trường hợp bà Thảo tự nguyện rút và nhận lại giá trị bằng tiền. Theo ông, quyền về tài sản của công dân, các cá nhân, được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Đó là nguyên tắc tối thượng. Quyền đó chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp (chỉ 4 trường hợp) rất hy hữu vì lý do quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng..., thì nhà nước có quyền trưng dụng tài sản đó để phục vụ mục tiêu chung của cộng đồng. Điều đó được quy định rất chặt chẽ và chi tiết trong Hiến pháp và luật. Ông Giang nhấn mạnh rằng, điều này phải quy định bằng luật, chứ nghị định cũng không được phép. Ông Nguyễn Trường Giang Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội |