Dân Việt

NSƯT Triệu Trung Kiên trải lòng về khó khăn khi lần đầu dựng kịch vua Lý Công Uẩn

Thanh Hà 18/06/2019 07:30 GMT+7
"Điều khiến tôi cảm thấy khó khăn khi nhận lời làm đạo diễn vở kịch này là dung hòa được bản diễn và thỏa mãn mọi tầng lớp, đồng thời gặp nhiều thử thách khi giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với thế giới”, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho hay.

Chiều 17.6, vở kịch "Huyền thoại gò Rồng ấp" đã được sân khấu Lệ Ngọc giới thiệu với sự tham gia của đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên cùng sự tham gia của các nghệ sĩ Lệ Ngọc, diễn viên Minh Phương, Thu Hà, Tùng Linh…

img

NSND Lệ Ngọc và NSƯT Trung Kiên

Sau thành công rực rỡ của "Tấm Cám", được đánh giá như hiện tượng của sân khấu phía Bắc với nhiều đêm diễn cháy vé, sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục dàn dựng vở kịch mới "Huyền thoại gò Rồng ấp". Tác giả kịch bản là PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên, cố vấn nghệ thuật và truyền thông: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Lệ Ngọc.

“Huyền thoại gò Rồng ấp” là kịch bản sân khấu  được PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ phóng tác dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị hoàng đế khai quốc của triều Lý, một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 

Chia sẻ tại buổi họp báo với vai trò là đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, anh vốn được đào tạo là đạo diễn sân khấu, trong lớp học với các tên tuổi đạo diễn sân khấu tài năng như NSND Anh Tú, NSND Lê Khanh… nhưng vì xuất phát điểm làm sân khấu cải lương, nên nhiều năm qua tập trung dàn dựng các vở cải lương bởi “thuận tay”. Khi nhận lời đạo diễn vở kịch nói đầu tiên trong sự nghiệp đạo diễn, lại mang màu sắc dân gian huyền thoại, anh không tránh khỏi lo lắng và hồi hộp. Nhưng được sự ủng hộ và giúp sức của êkíp nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc, anh cũng cảm thấy bớt bị áp lực.

Theo đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, “Huyền thoại gò Rồng ấp” là kịch bản có nhiều yếu tố kỳ ảo, nên không gian của sân khấu lần này không phải sân khấu thực như các vở diễn kịch khác, mà mang tính huyền thoại và có nhiều yếu tố xử lý nghệ thuật mang tính ước lệ, làm cho vở diễn tạo nên được không khí huyền thoại.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đưa thủ pháp của sân khấu dân tộc vào vở diễn. Tôi khao khát đưa đến cho khán giả những câu chuyện lịch sử, giá trị truyền thống mà chúng ta hết sức trân trọng, nâng niu. Ví dụ trong vở kịch này là sự ra đời của vua Lý Công Uẩn... Khán giả sẽ được biết phần nào đó sự ra đời, nguồn gốc của ông thông qua một tác phẩm mang tính huyền thoại. Chúng tôi phát huy thế mạnh của sân khấu, để lại không gian, thời gian của lịch sử cho khán giả thấy được nguồn gốc lịch sử của mình. Điều khiến tôi cảm thấy khó khăn khi nhận lời làm đạo diễn vở kịch này là dung hòa được bản diễn và thỏa mãn mọi tầng lớp, đồng thời gặp nhiều thử thách khi giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với thế giới”, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho hay.

img

PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái - cố vấn nghệ thuật và truyền thông của Sân khấu Lệ Ngọc

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái - cố vấn nghệ thuật và truyền thông của Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ, “Huyền thoại gò Rồng ấp” là vở kịch đề tài dân gian, như một bức tranh mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập.

Không gian của vở diễn được xác định là nền văn minh châu thổ sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc. Vở diễn được xây dựng trên cơ sở kết hợp hai phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện. Thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Đông sẽ được đưa vào vở diễn với mức độ hợp lý để tạo nên một vũ trụ đậm chất huyền thoại, cổ tích. 

Thông điệp vở diễn gửi đến khán giả là một lần nữa khẳng định: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ tinh anh và linh khí nghìn đời để hun đúc và sản sinh ra những vĩ nhân mang thiên mệnh làm rạng danh cho giống nòi, tiên tổ. Vở diễn cũng khẳng định cái ác, cái xấu xa luôn phải lùi bước trước cái chân, cái thiện, lòng nhân ái và tình yêu thương vô bờ của con người. Hình ảnh “Rồng ấp” sẽ được sử dụng như là totem của vở diễn. Nó sẽ được hiển hiện thông qua thiết kế mỹ thuật cũng như trong các ý định dàn dựng.

Cũng tại buổi công bố khởi công, trước câu hỏi lâu nay việc phục dựng trang phục của các thời kỳ vấp phải rất nhiều tranh cãi, nhà sản xuất có phương án như thế nào về việc thiết kế các trang phục thời nhà Lý, hoạ sĩ, thiết kế Đức Lộc - người chịu trách nhiệm thiết kế trang phục cho vở diễn đã cho hay: “Nhà Lý là thời kỳ rất ít dữ liệu về trang phục. Tuy nhiên tôi cũng đã nghiên cứu nhiều về trang phục các thời Nguyễn, Lê. Và tôi biết trang phục dành cho sân khấu sẽ khác với trang phục cho phim truyền hình. Trang phục sân khấu không mang tính sát sườn, cụ thể của thời kỳ đó. Ngoài ra, trên sân khấu, trang phục cũng cần bắt mắt, nhiều màu sắc hơn. Cũng may mắn tư liệu lịch sử, học thuật thời kỳ đầu nhà Lý vẫn còn nên chúng tôi có thể lấy để tìm hiểu, sáng tạo đưa vào trang phục”.