Gần 1 tháng qua, xã Trà Cang của huyện Nam Trà My bị cô lập. Chúng tôi là những người hiếm hoi lội bộ đến được xã này vào ngày 2-12. Ban ngày nhưng ở đây vẫn lạnh thấu da thịt. Điều này khiến trâu, bò lăn đùng ra chết, làm bà con hoang mang.
"Tôi vay 29 triệu đồng mua 2 con bò, 1 con trâu để nuôi. Bây giờ chết hết"- ông Lê Xuân Hiện, rầu rĩ cho biết. Ông đã cố vớt vát chút ít tiền bằng cách xẻ thịt gia súc chết đem bán. Buồn thay, cả bản trâu, bò chết hàng loạt, có ai thiếu thịt đâu mà chịu mua.
"Tôi định mang xuống huyện bán. Nhưng cán bộ xã nói cả huyện không còn xã nào là không có trâu, bò chết rét. Vậy là tôi đành bó tay"- lời ông Hiện. Không có tủ lạnh, ông đem thịt 3 con trâu, bò treo lên giàn bếp để ăn dần.
Theo nhiều nông dân ở đây, chưa năm nào rét tê tái như năm nay. Đừng nói trâu, bò ốm chết, cả những con được vỗ béo khỏe mạnh cũng chết. Như con trâu đực của ông Nguyễn Hoàng Phương, được ông chăm chút kỹ lưỡng để chờ Tết Tân Mão (2011) tới đưa ra lễ hội đâm trâu, vậy mà chỉ sau một đêm là chết cứng.
Theo ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cả xã có 600 con trâu, bò nhưng rét lạnh đã quật ngã 150 con rồi.
"Trời rét thế này thì gia súc còn chết nữa. Sau khi mưa lũ gây cô lập cả tháng trời, nay lại thêm trâu, bò chết, cuộc sống của bà con đang rất khốn đốn" - ông Bằng nói.
Tại xã này có những gia đình có đến 5 con trâu, bò chết rét. Nhiều gia đình lo lắng làm chuồng trại nhốt trâu, bò, thế nhưng vẫn có gia súc chết ngay trong chuồng vì lạnh.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My đã lường trước tình trạng này, nên bắt đầu vào mùa đông đã tập huấn kỹ thuật chống rét trên trâu, bò cho bà con miền núi, khuyến cáo bà con không nên thả rông, nên xây dựng chuồng trại để nhốt gia súc. Thậm chí, phòng này còn hỗ trợ cho 300 hộ dân vùng cao kinh phí làm chuồng trại. Vậy nhưng trâu bò vẫn chết.
Ánh Trà