12 người con và 176 đứa cháu, chắt, chiu
Từ TP.Đông Hà, chúng tôi xuôi về hướng biển 14km để tìm gặp cụ Trương Thị Con vào một ngày cuối tháng 6 sau khi nghe lời giới thiệu khá hấp dẫn của một người bạn. Thoáng thấy có khách tới thăm nhà, cụ Con chào hỏi rồi kéo ghế mời ngồi và rót ra thứ nước chè xanh thoang thoảng hương thơm.
Cụ Trương Thị Con vui đùa với đứa chắt của mình. Ảnh: Ngọc Vũ
Nghe chúng tôi trình bày lý do đến thăm nhà là để hỏi thăm về tuổi tác và sức khoẻ, cụ Con chỉ ngay vào thiếp mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng vào tháng 2/2017 được treo trang trọng giữa nhà. Như vậy, tính đến thời điểm này cụ Trương Thị Con đã hơn 102 tuổi.
Tuy ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trông cụ vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện với chúng tôi. Cũng chính điều này mà cụ luôn được mọi người trong địa phương ngưỡng mộ. Một điều chúng tôi khá ấn tượng với cụ Con đó là đôi bàn chân có hình thù như bàn chân giao chỉ.
Kể về cuộc đời mình, cụ Con cho biết, năm 20 tuổi cụ lấy chồng. Một năm sau thì sinh con đầu lòng, năm nay đã 81 tuổi. Trong những năm tiếp theo, cụ Con sinh thêm 11 người con, người con út năm nay cũng ngoài 60.
Lãnh đạo xã Gio Mai trao thiếp chúc thọ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp cụ Trương Thị Con tròn 100 tuổi vào năm 2017.
Nở nụ cười trên môi, cụ Con nói nhớ nhất là lần sinh đứa con thứ bảy vào năm 1944, thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Lúc đó, quân đội Pháp đóng quân ngay ở làng Mai Xá. Khi chỉ còn vài ngày nữa là sinh con thì cụ trúng đạn của quân đội Pháp. Đầu đạn găm vào vai khiến cụ bị thương phải đưa vào bệnh viện (đóng tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) điều trị. May mắn thay, sau khi găm vào vai, viên đạn di chuyển lên khu vực vòm họng. Trong một lần bị ho, cụ Con đã hất văng đầu đạn ra ngoài. Sự việc hi hữu đó khiến nhiều người tò mò đến xem, ngay cả y, bác sĩ bệnh viện cũng "trố mắt" ngạc nhiên. Nhờ kỳ tích ấy mà khi vượt cạn, cụ được mẹ tròn con vuông.
Sinh con đông trong thời chiến tranh loạn lạc, cụ Con phải làm việc gấp bội phần người khác, từ làm ruộng, trồng khoai sắn, cày thuê cuốc mướn… Cụ làm bất cứ việc gì để có cái ăn cho các con. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, các con của cụ dần khôn lớn, sinh con đẻ cái.
Đôi bàn tay của cụ Trương Thị Con. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo thống kê của ông Trương Quang Phúc (67 tuổi, người con thứ 10, nay đang phụng dưỡng cụ Con), đến nay cụ đã có 176 đứa cháu, chắt, chiu bao gồm 14 cháu nội, 45 cháu ngoại; 7 chắt nội, 80 chắt ngoại, 1 chiu nội, 29 chiu ngoại.
Con cháu đông nên mỗi lần lễ tết, kỵ giỗ đại gia đình cụ Con tập trung rất vui vẻ, ai nấy đều tự hào vì cụ bà sống hơn một thế kỷ.
“Thấy mẹ khoẻ mạnh, bậc làm con cháu trong đại gia đình chúng tôi ai cũng vui mừng. Ngày làm lễ đại thượng thọ cho mẹ, chính quyền địa phương, bà con làng xóm đến chung vui đông lắm. Vui hơn cả là mẹ được Chủ tịch nước gửi thiếp chúc thọ, đó là niềm vinh dự của cả gia đình” – ông Phúc chia sẻ.
Ghiền đặc sản quê nhà
Khi chúng tôi đang trò chuyện, bỗng đứa chắt của cụ Con đi học về. Thấy đứa bé vui cùng quả bóng, cụ Con gọi rồi vui đùa cùng cháu. Cụ bảo rằng, đa số việc sinh hoạt cá nhân đều tự lo, chưa cần nhờ vả con cháu nhiều.
Nhớ đến câu tiền nhân đúc kết rằng “Ngũ phúc thọ vi tiên”, nghĩa là sống thọ là vốn quý nhất trong năm điều may mắn (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, còn gọi là Ngũ phúc lâm môn), chúng tôi hỏi ngay bí quyết sống lâu của cụ nhằm học hỏi.
Cụ con luôn hoà đồng, cười nói vui vẻ với mọi người. Ảnh: Ngọc Vũ
Cười một tràng dài với những nếp nhăn hiện rõ trên khuôn mặt, cụ Con nói rằng, không có bí quyết gì để sống lâu cả. Có chăng cụ vẫn giữ thói quen vận động tay chân, tập thể dục nhẹ vào buổi sáng. Được con cháu chăm lo, mỗi bữa cụ cố gắng ăn hai bát cơm đầy, nhiều thức ăn và uống thêm sữa. Buổi tối cụ ngủ sớm trước 22h và thức giấc lúc gà gáy canh 5. Món ăn cụ Con ghiền nhất là bún hến Mai Xá - đặc sản được xếp vào top 100 món ăn ngon nhất Việt Nam.
“Những ngày hè nóng nực mà có món bún hến Mai Xá hay canh hến rau muống ăn vào mát dạ, khoẻ hẳn người ra” – cụ Con cho hay.
Đôi bàn chân giao chỉ của cụ bà 102 tuổi. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Phúc cho biết thêm, thường người già hay khó tính nhưng với cụ Con thì ngược lại. Chẳng những vui tính mà cụ còn dễ gần, luôn hoà đồng với mọi người. Cụ thích xem các chương trình ca nhạc, đọc thơ, hò vè về chủ để quê hương đất nước, kháng chiến… Cụ thường căn dặn con cháu phải sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cần cù lao động và thân thiện với mọi người.
“Mẹ tôi thích phụ con cháu làm việc nhà nhưng vì sợ mẹ mệt nên tôi không cho, ấy thế mà nhiều lần mẹ vẫn lén làm. Mẹ nói lao động là vinh quang, trong khả năng, sức khoẻ của mình nếu làm được gì thì vẫn nên làm” – ông Phúc cho hay. Bởi vậy, đôi khi vào buổi tối cụ Con lại cùng con cháu quây quần làm bánh lọc đem ra chợ bán.
Sống ở ngôi làng có bề dày lịch sử hàng trăm năm với đặc trưng cây đa, bến nước, sân đình, đồng ruộng mênh mông, cụ Con còn được con cháu tạo thêm không gian xanh bởi cây cảnh, hoa lan… Cũng có thể đây là một trong nhiều yếu tố giúp cụ yêu đời, sống lâu hơn.
Gia đình ông Trương Quang Phúc đang phụng dưỡng cụ bà 102 tuổi. Ảnh: Gia đình ông Phúc cung cấp
Ông Hoàng Thanh Lương - Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho biết, cụ Trương Thị Con là người cao tuổi nhất xã. Với tính cách vui vẻ, hoà đồng, cụ luôn được mọi người quý mến. Không chỉ cụ Con mà người cao tuổi luôn được chính quyền địa phương quan tâm, thường xuyên thăm hỏi động viện. “Chúng tôi luôn cầu chúc cho cụ Con sức khoẻ, sống lâu để động viên con, cháu vun đắp gia đình, giữ gìn truyền thống văn hoá, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc như lời chúc thọ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang” – ông Lương nói.
Chúng tôi chia tay cụ Con và mang theo lời nhắn nhủ của cụ rằng, sống thọ hay không một phần do phúc trời ban, nhưng quan trọng hơn là phải sống tốt, cảm thấy thoải mái với bản thân, cảm xúc của mình. Muốn sống tốt thì trước tiên phải có sức khoẻ bằng cách thường xuyên tập thể dục, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, tránh xa những thứ độc hại như rượu bia…