Dân Việt

Hà Giang cần về Ninh Bình học kinh doanh nông sản an toàn

Trần Quang 19/06/2019 19:00 GMT+7
Đó là lời gợi ý của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại buổi tiếp xúc cử tri ở thành phố Hà Giang ngày 18/6.

img

Đồng chí Thào Xuân Sùng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Giang ngày 18/6.

Cử tri quan tâm nhiều vấn đề "nóng"

Tại 2 buổi tiếp xúc cử tri tại 2 phường của TP Hà Giang gồm phường Trần Phú và Ngọc Hà ngày 18/6, đồng chí Thào Xuân Sùng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã lắng nghe và tiếp thu, ghi nhận 30 ý kiến của các cử tri phản ánh về các vấn đề "nóng" như giáo dục, giao thông, nông nghiệp, tín dụng đen...

Cụ thể, cử tri Đỗ Ngọc Thiện ở tổ 9 phường Ngọc Hà cho biết, hiện nay bà con trên địa bàn phường trồng trọt, chăn nuôi được nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại nông sản ngon, an toàn nhưng việc tiêu thụ gặp khó khăn do thành phố đã quy hoạch khu chợ mới, không tiện để mua, bán nên rất mong chính quyền mở thêm các cửa hàng, tạo thêm các địa điểm kinh doanh tại các khu dân cư để bà con dễ bày bán, tiêu thụ sản phẩm.

Thêm ý kiến, cử tri Thiện rất mong chính quyền phường Ngọc Hà và đơn vị điện lực của địa phương sớm hoàn thiện và lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng tại các phố, ngõ để tạo điều kiện cho người dân sản xuất, đi chợ sớm bán hàng.

img

 Cử tri Quán Thị Lễ chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 18/6.

Bên cạnh sự quan tâm về sản xuất, cử tri Quán Thị Lễ (79 tuổi) ở tổ 3 phường Ngọc Hà bày tỏ sự lo ngại về chất lượng giáo dục và đạo đức ngành giáo dục, đạo đức xã hội đang đi xuống tạo nên những thành tích ảo, con ngươì giả tạo.Bà Lễ cho biết, là giáo viên đã về hưu hơn 20 năm nay, nhưng bà luôn rất quan tâm và theo dõi thông tin về ngành, về các đồng nghiệp của mình thì thấy rất lo lắng.

"Giờ áp lực thành tích kinh khủng quá, từ chính quyền đến nhà trường, phụ huynh, học sinh đều chạy theo thành tích dẫn đến hậu quả là mọi người tìm mọi cách để có thành tích cao, thậm chí dùng mọi thủ đoạn quan hệ, tiền bạc để sửa điểm, nâng điểm. Chính điều này đã tạo nên những thành tích ảo, những thế hệ ảo để lại hệ luỵ rất nguy hiểm về sau", bà Lễ nói.

"Trước tôi là giáo viên, qua mỗi kỳ học, năm học đều xuất hiện học yếu, kém, lưu bang nhưng đến giờ thấy rất ít, có lớp, có nơi không có học sinh yếu nữa mà toàn tiên tiến, giỏi với xuất sắc thôi. Mới đây lại vỡ lở ra vụ chạy điểm, nâng điểm cho học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia mới thấy thật đáng buồn, đáng baó động quá", bà Lễ dẫn chứng thêm.

Hiến kế để khắc phục các hạn chế của ngành, bà Lễ cho rằng: Ngành giáo dục cần có một cuộc đại phẫu và thay đổi tư duy trong dạy và học để có những thành quả, thành tích thực chất hơn."Chúng tôi mong nhà nước và ngành không để thương mại hóa giáo dục, mọi hoạt động phong trào phải được làm thực chất hơn. Bên cạnh đó, hàng năm vào đầu các năm học, ngành và các trường nên mạnh dạn tổ chức sàng lọc giáo viên để loại đi các "hạt sạn" trả lại sự trong sạch, chất lượng thực chất thì việc dạy và học, đạo đức học sinh, giáo viên... mới đi lên được", bà Lễ kiến nghị.

img

Cử tri Phạm Hải Yến phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Giang ngày 18/6.

Ngoài các vấn đề trên, nhiều cử tri cũng quan tâm, phản ánh với các đại biểu Quốc hội về nạn tín dụng đen. Cử tri Phạm Hải Yến ở tổ 7, phường Ngọc Hà cho rằng: Hiện, nạn tín dụng đen đang hoành hành khắp nơi từ miền xuôi đến miền núi, ở đâu cũng thấy thông tin vỡ nợ, đánh, chém nhau, tan nát nhà cửa, gia đình vì tệ nạn này. Điều này gây mất an ninh trật tư, an toàn xã hội rất mong các đại biểu Quốc hội quan tâm và kiến nghị lên Quốc hội để có chế tài, biện pháp xử lý mạnh tay trấn áp các đối tượng cho vay tín dụng đen, cầm đồ, đòi nợ thuê...

Tiếp thu ý kiến của cử tri Yến, ông Hầu Văn Lý - Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết, tin dụng đen là một tệ nạn rất nguy hiểm đang gây mất trật tự an toàn xã hội tại các làng quê, khu dân cư khiến dư luận, người dân rất bức xúc.

"Năm được tâm tư này, trong thời gian vừa qua chúng tôi đã vào cuộc rất quyết liệt để ngăn chặn, trấn áp, xử lý các đối tượng cho vay tín dụng đen. Bên cạnh việc đề xuất, tham mưu sửa đổi, bổ sung thêm các biện pháp trấn áp, xử lý hiệu quả, chúng tôi cũng xác định để ngăn chặn được tệ nạn này, ngành công an phải xử lý ngay từ bên trong trước. Vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo và yêu cầu toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của công an tỉnh phải ký cam kết không bảo kê, tiếp tay cho tín dụng đen, nếu cán bộ nào vi phạm sẽ bị xử lý thật nghiêm", ông Lý nói.

Người đứng đầu cơ quan công an tỉnh Hà Giang ch biết thêm, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan liên quan cũng cần sự phối hợp của người dân trong việc tuyên truyền, phát hiện, tố giác tội phạm thì mới đem lại hiệu quả  cao.

img

Đồng chí Thào Xuân Sùng tặng quà cho chính quyền, cử tri phường Trần Phú ngày 18/6.

Tăng cường giám sát

Nói về vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang gây bức xúc trong nhân dân, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng: Là đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ những bước xử lý tiêu cực trong vụ việc này nên các cử tri yên tâm là cán bộ vi phạm, sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Gợi ý thêm cho chính quyền thành phố Hà Giang trong việc giúp dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hà Giang nên cử đoàn công tác, cán bộ về Ninh Bình để học tập cách xây dựng mô hình "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" và đặc biệt là việc mở các cửa hàng nông sản an toàn để kích cầu tiêu dùng vừa nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo động lực, cơ hội cho người dân tích cực sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn.

"Bên cạnh việc học hỏi mô hình, các phường, xã của Hà Giang nên tận dụng các nhà văn hóa, khu nhà công vụ, khu tập thể để mở các cửa hàng bày bán sản phẩm nông sản vừa nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm cho bà con vừa tạo thêm thu nhập cho cán bộ, công chức", đồng chí Thào Xuân Sùng chia sẻ.

img

Mô hình cửa hàng nông sản an toàn đang là hướng đi hiệu quả do Hội ND tỉnh Ninh Bình triển khai.