Theo nhận định của ngành thú y, với điều kiện thời tiết như hiện nay, tình hình dịch bệnh sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp.
Dịch lan rộng do... nghỉ tết
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Quảng Nam là địa phương xảy ra dịch tai xanh trên đàn lợn nặng nhất. Chỉ trong thời gian nghỉ tết, dịch đã bùng phát ở 14 xã thuộc các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, với số lợn mắc bệnh trên 2.500 con. Dịch đang có nguy cơ lây lan ra toàn tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đến chiều 21.2, dịch heo tai xanh vẫn còn xảy ra ở 6 huyện trên địa bàn tỉnh là: Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Nông Sơn, và đã có hơn 3.000 con heo bị bệnh, ít nhất trên 500 con heo phải tiêu hủy. Ngoài ra, trong quá trình triển khai tiêm phòng đã có 136 con heo chết do phản ứng với vaccin...”.
Băng rôn cấm buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm bị bệnh được treo khắp ngả đường thôn xóm ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam. |
Theo ông Muộn, nguyên nhân chính xuất hiện virus tai xanh chủ yếu là từ những ổ dịch cũ và lây lan nhanh, một phần do phát hiện dịch trễ, để phát tán ra diện rộng rồi mới báo cáo. Hơn nữa, dịch xảy ra trong thời điểm nghỉ tết nên các địa phương giấu dịch không khai báo với các ngành chức năng để phòng chống khẩn cấp.
“Hiện chúng tôi đang khẩn trương hướng dẫn người dân cách ly, chăm sóc, nuôi dưỡng heo chưa bệnh để giảm bớt số heo chết, đặc biệt là khâu chốt chặn, vệ sinh môi trường và phun tiêu độc” - ông Muộn nói. Tại thời điểm này, tỉnh Quảng Nam đã cấp phát khẩn cấp 19.000 liều vaccin để tiêm bao vây, khống chế dịch; đồng thời cấp gần 4.000 lít hóa chất để các địa phương phun tiêu độc khử trùng.
Ngoài ra, theo ghi nhận của NTNN, tại thôn 3, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh cũng xảy ra dịch cúm gia cầm làm chết trên 2.000 con gà của 2 hộ. Hiện các cơ quan có trách nhiệm đã khẩn trương tiêu hủy toàn bộ đàn gà.
Theo Bộ NNPTNT, nguyên nhân chính làm lây lan dịch lợn tai xanh hiện nay là do tại nhiều địa phương, người chăn nuôi và cán bộ thú y cơ sở khi phát hiện lợn mắc bệnh đã không báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên và chính quyền cơ sở, thậm chí còn bán chạy, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn mắc bệnh.
Bùng phát dịch tụ huyết trùng tại Thanh Hóa
Trong khi đó, tại tỉnh Thanh Hóa, dịch tụ huyết trùng đang lan trên đàn trâu, bò. Chỉ riêng tại 2 xã Vạn Xuân và Xuân Chinh của huyện Thường Xuân đã có gần 60 con trâu, bò bị chết vì bệnh tụ huyết trùng, trong đó có nhiều con đang trong thời kỳ mang thai hoặc sinh sản. Theo ước tính, thiệt hại đã lên tới hơn 1 tỷ đồng. Theo Trạm Thú y huyện Thường Xuân, dịch bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò đã xuất hiện tại 2 xã trên từ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Ông Lê Đình Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân cho biết, từ ngày 8.2.2013, địa phương này đã phát hiện ổ bệnh tụ huyết trùng trên địa bàn thôn Hang Cáu.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, UBND xã đã có thông báo và lập chốt kiểm dịch, cấm giết mổ trâu, bò bị dịch bệnh, quản lý chặt chẽ số trâu, bò mắc bệnh, đồng thời có văn bản báo cáo kịp thời lên UBND huyện. Hiện nay, toàn xã đã có 44 con trâu, bò bị chết do dịch bệnh. Riêng thôn Hang Cáu đã có 41 con chết, nhiều gia đình mất tới 4-5 con trâu, bò, như gia đình các ông Vi Văn Cò, Hoàng Như Chính, Lê Đình Chung, Hoàng Trọng Thủy...
Điều đáng nói trong đợt dịch lần này là mặc dù cán bộ thú y đều khẳng định số trâu, bò bị chết vì bệnh đã được được tiêm phòng trong năm 2012 (?!). Trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Hồng - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Xuân khẳng định: “Với diễn biến thất thường của thời tiết, cùng với tập quán chăn thả của bà con, mặt khác công tác tiêm phòng dịch chưa triệt để là nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh lần này”.
Còn tại tỉnh Sơn La, từ đầu tháng 2 đến nay, dịch lở mồm long móng đã xuất hiện tại huyện Sông Mã và Sốp Cộp đã làm gần 200 con trâu, bò và gần 900 con lợn bị mắc bệnh. Tỉnh đã công bố dịch và thành lập Ban chống dịch của 2 huyện phối hợp với Chi cục Thú y thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, tỉnh cũng thành lập 4 chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn vận chuyển gia súc bị bệnh ra ngoài địa bàn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Chi cục Thú y Sơn La, để bao vây dịch, cơ quan này đã tiêm phòng được gần 1.800 liều vaccin; phun khử trùng tiêu độc trên 67.000m2 tại địa bàn các bản xảy ra dịch. Ông Hà Quyết Nghị- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho hay, tỉnh đã tiến hành khoanh vùng, bao vây dịch, công bố dịch và không cho vận chuyển gia súc ra khỏi vùng Sông Mã và Sốp Cộp.
Không vận chuyển lợn bệnh ra ngoài vùng dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch tai xanh và các loại dịch bệnh gia súc khác, ngày 20.2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người chăn nuôi về nguy cơ phát sinh dịch tai xanh trên địa bàn; yêu cầu khi phát hiện lợn có hiện tượng sốt cao, khó thở, thân đỏ đồng hoặc tím tái, tiêu chảy hoặc táo bón, lợn nái sẩy thai,... phải báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y huyện, hoặc tỉnh để hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Đối với các tỉnh đang có dịch tai xanh, Bộ NNPTNT yêu cầu tổ chức công bố dịch trên địa bàn các huyện có ổ dịch lợn tai xanh. Khẩn trương tiêm phòng bao vây triệt để các ổ dịch, lập các chốt kiểm dịch để quản lý chặt chẽ các ổ dịch, không vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn mắc bệnh ra ngoài ổ dịch.
Văn Ngọc
Trương Hồng- Hồng Đức- Hoài Thu - M.D