Dân Việt

Sản xuất phát triển nhờ khuyến nông

22/02/2013 08:47 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 1.3.1993, Nghị định số 13/NĐ- CP của Chính phủ về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được ban hành và hệ thống khuyến nông chính thức đi vào hoạt động.

Sau 20 năm đi vào hoạt động, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển, đổi mới các mô hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đều có Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở NNPTNT. Cùng với đó là hệ thống trạm khuyến nông cấp huyện, thị xã ở nơi có sản xuất nông nghiệp (chiếm 95,5% số huyện, thị xã trong toàn quốc) và hệ thống mạng lưới cán bộ khuyến nông cấp xã, câu lạc bộ khuyến nông với hơn 20.000 người tham gia. Trong 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật.

img
Đưa ngô lai vào sản xuất là một trong những thành tựu quan trọng của ngành khuyến nông Việt Nam trong 20 năm qua (sản xuất ngô ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và cải tiến chất lượng: Toàn hệ thống tổ chức được gần 60 hội thi nhằm bình tuyển và tôn vinh những gương mặt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ khuyến nông năng động, sáng tạo. Tổ chức thành công gần 50 hội chợ với gần 7.000 gian hàng nông nghiệp trưng bày, giới thiệu thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức trên 120 diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với nhiều chuyên đề theo các lĩnh vực và nhu cầu thực tế sản xuất. Tuyên truyền sâu trên các phương tiện truyền thông để thông tin tuyên truyền tiến bộ kỹ thuật tới người nông dân.

Đã có gần 29.000 tin, bài, chuyên mục với chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Trang web khuyến nông Việt Nam được đánh giá là trang điện tử có số người truy cập nhiều, với bình quân khoảng 24.000 lượt truy cập/ngày, trong đó có trên 70% người đọc là cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân. Bên cạnh đó, một số địa phương đã có những hình thức tuyên truyền khuyến nông rất sáng tạo và hiệu quả.

Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ và nhiều bằng khen của Bộ NNPTNT, của UBND các tỉnh, thành trong cả nước. Đầu năm 2013, Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ NNPTNT đã thống nhất trình Nhà nước xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trung tâm Khuyến nông quốc gia.

Hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu: Nội dung đào tạo, tập huấn phong phú, sát nhu cầu của đối tượng tập huấn; hình thức và phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới, linh hoạt. Tính đến nay, cơ quan khuyến nông T.Ư đã biên soạn 40 bộ tài liệu, 30 bộ công cụ tập huấn mẫu về khuyến nông và hàng trăm đĩa hình chuyển giao kỹ thuật để cấp cho các cán bộ khuyến nông địa phương và phát trên truyền hình; tổ chức được trên 6.000 lớp tập huấn với hơn 210.000 lượt người tham gia.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, hệ thống khuyến nông đã tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Hiện cả nước đã có 2.500 cán bộ khuyến nông các cấp được đào tạo và có đủ điều kiện để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Xây dựng được nhiều mô hình điểm

Trong lĩnh vực trồng trọt, Chương trình khuyến nông lúa lai, ngô lai đã có bước phát triển rõ nét. Đến nay, diện tích gieo cấy lúa lai trong cả nước đạt khoảng 650.000-700.000ha/năm, năng suất lúa trung bình tăng cao hơn lúa thuần khoảng 15 tạ/ha, làm tăng sản lượng trên 1,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, diện tích ngô lai chiếm trên 95% diện tích ngô toàn quốc, với nhiều giống đứng hàng đầu thế giới về năng suất, chất lượng, góp phần quan trọng đưa sản lượng ngô của Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước.

Các chương trình khuyến nông phát triển lạc, đậu tương, mía, rau, nấm ăn, nấm dược liệu, cây ăn quả, chè, cà phê... cũng được triển khai, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, góp phần thúc đẩy ngành hàng sản xuất này phát triển toàn diện.

Các chương trình được thực hiện đồng bộ trên mọi miền đất nước với nhiều loại vật nuôi khác nhau như: Chương trình cải tạo đàn bò vàng, vỗ béo bò thịt, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm an toàn sinh học, chăn nuôi dê, cừu, phát triển các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao như: Trâu Yên Bái, bò H’Mông, gà H’Mông, lợn Móng Cái... Ở tất cả các địa bàn triển khai dự án, hầu hết đều được các lãnh đạo ở địa phương và bà con nông dân nhiệt tình đón nhận, các dự án đã mang lại thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế -xã hội.

Dấu mốc lịch sử của khuyến nông Việt Nam

Ngày 26.4.2005, Trung tâm Khuyến nông quốc gia được thành lập (tách từ Cục Khuyến nông và Khuyến lâm) trực thuộc Bộ NNPTNT; Trung tâm Khuyến ngư quốc gia thuộc Bộ Thủy sản. Đến năm 2008, Trung tâm Khuyến nông quốc gia được hợp nhất thành Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư quốc gia.

Ngày 8.1.2010, Nghị định số 02 về khuyến nông ra đời và thống nhất là Trung tâm Khuyến nông quốc gia thuộc Bộ NNPTNT.

Các chương trình khuyến lâm được triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực với trọng tâm là ứng dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng thâm canh, phát triển các loài cây rừng có năng suất và chất lượng cao phục vụ chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu. Các mô hình khuyến lâm đã trồng mới được khoảng 86.000ha rừng trình diễn trên địa bàn 40 tỉnh, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với 58.350 hộ nông dân tham gia.

Lĩnh vực khuyến ngư cũng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản phát triển vượt bậc trong 2 thập niên gần đây. Trong giai đoạn từ năm 1993 - 2007, công tác khuyến ngư đã xây dựng được hơn 9.000 mô hình trình diễn, nhập và chuyển giao hơn 70 công nghệ, tổ chức gần 28.000 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu người, 128 lớp tập huấn xoá đói giảm nghèo cho 2.700 lượt người tham dự.

Các chương trình khuyến nông về cơ giới hoá, bảo quản và chế biến nông lâm sản cũng được triển khai và đạt kết quả tích cực nhằm giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch. Thông qua chương trình đã góp phần đưa nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trong sản xuất lúa ở các vùng đồng bằng tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, vận chuyển, thu hoạch đạt trên 85%, trong khâu tưới tiêu trên 90%, khâu thu hoạch trên 60%.

Hoạt động hợp tác quốc tế đạt hiệu quả cao: Trung tâm Khuyến nông quốc gia có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như FAO, DANIDA, WB, ADB... Trung tâm đại diện cho khuyến nông Việt Nam tham gia các chương trình khuyến nông trong khuôn khổ hợp tác với các nước ASEAN (AWGATE) để trao đổi kinh nghiệm hoạt động khuyến nông, tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ khuyến nông và nông dân, tổ chức Tuần lễ Nông dân ASEAN.

Hàng năm, tổ chức các đoàn khảo sát, học tập nước ngoài cho hàng chục lượt cán bộ khuyến nông các cấp tại các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến như Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Israel, Nhật, Mỹ, Australia, Trung Quốc... Cử hàng trăm lượt cán bộ khuyến nông các cấp tham dự nhiều khóa tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về khuyến nông do các nước và các tổ chức quốc tế tổ chức.