Anh hùng cũng “phòng không”
Đường lên Tiên Hà qua nhiều đèo dốc dựng đứng, khúc khuỷu. Hơn 1.000 hộ dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông. Câu hỏi không nên thốt ra khi đến đất này là: Chồng chị (cô, bác) đâu? Cô kia có chồng chưa? Nhiều người gặp chúng tôi đang vui vẻ, nhiệt tình chỉ đường, nhưng nghe hỏi đến chuyện chồng con là bỏ đi một hơi, chẳng nói chẳng rằng. Có người thì thở dài, có người nhìn, người hỏi như oán trách.
Bà Bốn Thời, chị Liễu trò chuyện cùng PV NTNN. |
Đây là vùng đất thời chiến tranh nổi tiếng anh hùng. Lịch sử Quảng Nam trân trọng “Tiểu đoàn bà Thao” (nữ TNXP thời chống Mỹ) oai hùng. Thế nhưng cả thời chiến lẫn thời bình có đến mấy chục cô gái Tiên Hà tham gia tiểu đoàn này đều lẻ bóng.
Bà Bốn Thời (60 tuổi) có tiếng là đẹp từng tải đạn và lương thực cho quân đội trên khắp các chiến trường Liên khu V, bây giờ sống thui thủi một mình. Bà từng mặc áo cô dâu nhưng rồi chiến tranh đã cướp mất chồng của bà.
Hòa bình về lại quê nhà, khát khao được một lần làm mẹ, bà“tự túc” được cô bé Tuyết. Trớ trêu, bé Tuyết, nguồn an ủi, hạnh phúc duy nhất của đời bà, trong một chiều đi học về đã bị nước lũ cuốn trôi khi tròn 14 tuổi. Bà sụp đổ hẳn.
Đồng đội với bà Bốn Thời là bà Khởi. Chồng bà Khởi mất ở chiến trường. Sau chiến tranh, ngấp nghé tuổi 40, duyên phận hẩm hiu, bà “tự túc” kiếm đứa con, cứ nghĩ là để có người an ủi tuổi già, ai dè con bà lại bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Mấy chục phụ nữ trong “Tiểu đoàn bà Thao” oai hùng một thời là mấy chục tiếng thở dài của hiện tại về tình cảnh đơn thân, bi đát.
Cái “dớp” của vùng đất
Bà Lương Thị Bích Ngọc
Nhiều người nghĩ rằng, Tiên Hà bị cái “dớp” không chồng, thời nào cũng vậy. Xã miền núi nghèo, con trai lớn lên đi xa làm ăn hết. Đường sá lại khó khăn nên con trai xứ khác không đến, gái làng cũng khó đi đâu. Rốt cuộc là... ế.
Dọc tuyến đường của xã, chúng tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh những phụ nữ rỗi việc, tụ nhau thành nhóm ngồi tán gẫu ở các ngã ba đường. Một số trong đó kè kè con bên cạnh, đấy là con “tự túc” mà có. Có người “tự túc” đến 4 đứa. 4 đứa con nhưng không hề có đàn ông trong nhà.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước- bà Lương Thị Bích Ngọc, cho hay: “Chúng tôi chưa thống kê, nhưng phụ nữ đơn thân ở Tiên Hà nhiều lắm. Họ phần lớn đều nghèo”.
Hiện tại, nhiều chị em đã và đang nghĩ cách phá “dớp” không chồng cho Tiên Hà. Bà Bích Ngọc cho rằng: “Trước tiên cần những con đường thuận lợi để người dân xã này và các xã lân cận qua lại phát triển kinh tế, giao lưu tình cảm”. Con đường nối những bờ vui hạnh phúc ấy, không biết tới bao giờ mới được làm để Tiên Hà có những gia đình, những mái ấm thực sự cho phụ nữ nơi đây?
Vũ Vân Anh