Dân Việt

Đại chiến Syria: Giao tranh ác liệt suốt 2 ngày, 130 chiến binh bỏ mạng

Minh Nhật 21/06/2019 13:30 GMT+7
Giao tranh ác liệt đã nổ ra ở tây bắc Syria với các cuộc đụng độ giữa các lực lượng trung thành với chế độ Assad và các chiến binh do phe thánh chiến dẫn đầu khiến 130 chiến binh thiệt mạng trong hai ngày.

img

Vùng Idlib, nơi sinh sống của khoảng ba triệu người, được cho là sẽ được bảo vệ bởi một thỏa thuận ngừng bắn quốc tế kéo dài nhiều tháng, nhưng chiến sự đã bùng nổ từ cuối tháng 4.

Ở rìa phía tây nam của vùng đất thánh chiến Idlib, các vụ bắn phá và giao tranh ác liệt kể từ thứ Ba (18/6) đã khiến 89 chiến binh thánh chiến chống chế độ bỏ mạng. Trong khi đó, phía quân đội Syria mất đi 41 người, Cơ quan giám sát nhân quyền Syria cho biết.

Vào đầu ngày thứ Năm, ít nhất 14 chiến binh thánh chiên chống chế độ và 21 người bên phía chính phủ đã thiệt mạng.

Cuộc giao tranh đã tập trung quanh ngôi làng Tal Meleh ở phía bắc tỉnh Hama, theo nhóm giám sát có trụ sở tại Anh.

"Cuộc đụng độ vẫn đang diễn ra", với cả các máy bay ném bom của Nga và Syria quần thảo khu vực, giám đốc cơ quan giám sát nhân quyền Syria Rami Abdel Rahman cho biết.

Hôm 19/6, 17 thường dân được cho là đã thiệt mạng trong vụ bắn phá của lực lượng Syria vào một số khu vực của phiến quân, ông Rahman nói thêm.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã môi giới một thỏa thuận giảm leo thang nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của các lực lượng trung thành với chế độ Syria vào Idlib vào tháng 9 năm ngoái, nhưng thỏa thuận đó không bao giờ được thực hiện đầy đủ khi các chiến binh thánh chiến từ chối rút khỏi vùng đệm theo kế hoạch.

Nhóm chiến binh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham, được dẫn đầu bởi các cựu thành viên của chi nhánh Syria của Al-Qaeda, đã mở rộng quyền kiểm soát khu vực, bao gồm hầu hết tỉnh Idlib cũng như các khu vực lân cận của các tỉnh Latakia, Hama và Aleppo.

Chính phủ Syria và Nga đã tăng cường bắn phá khu vực này từ cuối tháng 4 để "dằn mặt" các nhóm thánh chiến.

Cuộc chiến ở Syria được cho là đã giết chết hơn 370.000 người và khiến hàng triệu người phải di tản ra các khu vực khác ở cả trong và ngoài nước kể từ năm 2011.