Dân Việt

Kinh doanh lòng nhân ái

06/12/2010 19:31 GMT+7
(Dân Việt) - Giọt nước tạm gọi là “đấu giá bộ tứ linh” này là giọt nước làm tràn cốc nước hoài nghi việc làm từ thiện vẫn được mọi người quan tâm và trân trọng.

Cuộc đấu giá làm từ thiện mới đây nhất làm sôi động dư luận vì nó có nhiều kỷ lục. Những trận lụt bão kỷ lục của miền Trung. Đấu giá có yếu tố quốc tế khi có nhiều hoa hậu nước ngoài tham gia. Đấu giá những vật phẩm nổi tiếng và được đôn giá lên đắt nhất xưa nay. Là cuộc đấu giá bán vé đắt kỷ lục (7 triệu/vé) và thu được số tiền “ảo” kỷ lục trên 70 tỷ đồng.

Những tấm lòng “hảo tâm” trên làm cả nước sửng sốt bàng hoàng. Mọi người đều nhận ra đây là kết quả tai tiếng nhất của một quá trình tổ chức quyên góp tiền từ thiện vốn đã lác đác có tai tiếng lâu nay. Như ăn chặn tiền từ thiện không chỉ ở một vài thôn xã mà có ở cả cơ quan cấp tỉnh (vụ cơ quan MTTQ Nghệ An dạo nào), dùng tiền từ thiện sai địa chỉ, làm từ thiện cho đối tác để làm ăn (vụ Donacoop Đồng Nai mới phát hiện gần đây), lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi, coi từ thiện là cơ hội kinh doanh v.v.

Giọt nước tạm gọi là “đấu giá bộ tứ linh” này là giọt nước làm tràn cốc nước hoài nghi việc làm từ thiện vẫn được mọi người quan tâm và trân trọng. Nước đổ tung tóe và nhiều nhân vật, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ăn bất chính và bất minh bị lộ! Nguy cơ nhãn tiền biến từ thiện thành một nghề kiếm ăn, kinh doanh lòng nhân ái mà trốn được thuế, vắt lợi nhuận từ đau khổ của đồng bào thực sự đã ló dạng! Tất cả có từ một nguyên nhân: Đó là sự mù mờ, thiếu minh bạch.

Người dân đóng góp từ thiện ở tổ dân phố nhưng sau đó không biết tiền của mình đi đâu, vào đâu? Tổ chức biểu diễn, đấu giá và những hoạt động phong phú khác lấy danh nghĩa làm từ thiện rùm beng nhưng người tham gia không hề được thông báo thông tin cơ bản lúc vào cuộc cũng như kiểm toán khi kết thúc. Ông bầu, ca sĩ bảo biểu diễn làm từ thiện, vé đắt hơn bình thường (tuy có thể hát dở hơn bình thường), bán đấu giá vật phẩm đắt gấp hàng chục hàng trăm lần giá trị thực... người dân được nghe hát, có vật phẩm lưu niệm, vừa ủng hộ đồng bào nghèo. Nhưng không ai cho dân biết số tiền thu được “siêu giá” ấy sẽ vào túi ai? Người nghèo hay ai khác?

Chúng ta không vì những sự mù mờ, bất cập mà nguội lạnh việc làm từ thiện vì như vậy là làm thiệt người nghèo. Nhưng cơ quan nhà nước (như Bộ LĐ-TB&XH, Tài chính hay Công an) có quyền và phải có trách nhiệm kiểm toán, minh bạch mọi nguồn thu- chi của bất kỳ ai lấy danh nghĩa từ thiện. Phải làm bằng được và làm ngay điều đó để cứu lấy việc làm từ thiện, một sự nghiệp vốn rất cần thiết với cộng đồng trong hoàn cảnh hiện nay!