Ba cái vụ lẻ tẻ bổ sung thêm nhân mạng thì nhiều vô kể: Mãn tù không ai chứa chấp, anh em tranh nhà cửa, những tay làm “nghề không vốn”. Đông đảo nhất là dân quê, đi về theo thời vụ hoặc cắm hẳn rễ cái rễ cọc rễ con lên, um tùm dần thành bản địa. Chả mấy chốc “vùng kinh tế mới” của cư dân sông Hồng sông Chảy cho chí sông Chu thành mấy cái xóm, lớn mạnh “bền vững” lên phường. Hà Nội có vài ba phường mới như thế, nhân sự “di biến động” phức tạp vô kể, an ninh an toàn rất hay“được” lên báo.
Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.
Ông Tư dưới Nam lên cách nay dăm chục năm, ngoài tay trắng chỉ có nết cơ chỉ cần cù của người thuần nông. Nhưng lại có cơ duyên, ít lâu học được nghề nấu phở, thuê cửa hàng trong phố, bình dân thôi, bán cho đám xế lô cửu vạn quà vặt “phục vụ” các mợ các bà chợ Đồng Xuân. Rẻ, nhưng nước dùng cứ phải “chuẫn”, ông thầu xương từ lò mổ về cất trong nhà, những hôm nóng giời ôi thiu lừng khúc sông, vẫy gọi ruồi nhặng. Đấy là nghe nói lại thôi, thời ấy chưa ồn ĩ vệ sinh an toàn thực phẩm, xương ấy vào nổi phở ninh dừ tử, chú gánh thuê cô hàng rong húp đến đáy bát. Chết tên Tư “xương” từ đấy.
Giờ ông Tư đã ra người tỉnh, truyền lại cho con cửa hàng cùng cái nghề “rất Hà Nội”, lui về trông coi nhà trọ, chủ yếu cho người làng An Thuận thuê, mà họ hàng thì càng được ưu tiên. Thành phố nhan nhản “khách sạn làng ta” thế, ngày kiếm ăn nơi nơi tối về gặp nhau, không cùng chi cành cũng chung ngõ. Thân thuộc, tin cậy để trông dựa, đỡ đề cao cảnh giác…, bao nhiêu nhẽ thuận nên giá thuê có cao hơn chút chút cũng vẫn ổn. Chủ nhà, tính trong họ là vai trên, so trong làng lại đông tuổi, nên dễ bảo ban ai ai, xóa được những tròng trành xô lệch. Cùng gốc gác nên chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì, “chín bỏ làm mười” thành phương châm xử thế. “Hộ tập thể” Tư “xương” vào loại hiếm hoi có bằng “Gia đình văn hóa mới” treo tường.
Nhẽ nữa, sân thượng nhà ông có cái “điện” con con, rước Thành hoàng làng lên thờ, bài vị đơn sơ nhưng đủ để đồng hương bên dưới yên tâm, kỳ giỗ Ngài hay ngày rằm ngày một biện tý “lễ” xì xụp khấn, không phải lội về quê tốn mà lại vất. Tiện thật. Tiện quá đi chứ, ngày cày đường nhựa, đêm về vật thân xuống sàn, trong giấc mơ bao nhiêu thương nhớ văng vẳng lời ông Tư.
“Ngày mới lên bãi bờ mênh mông, từ đê trong vượt qua đê quai, mỏi chân mới tới mép nước. Lau sậy vi vút muỗi như đám mây nhưng thằng trung nông này thấy ngay đất tốt quá, năm lụt một trận để lại phù sa đi mát chân, hơn hẳn đồng nhà. Vợ chồng khai mở tha hồ, đẻ thêm ba lứa, đứa nào cũng chắc như quả bí. Bấy giờ con người ta thật thà, luống khoai chuột chỉ trẻ bới nghịch chứ có đâu…”.
“Nhà này sức vóc lại sáng ý, chỉ trông vào đất nó phí đi, sao không dấn tới cái nghề phở. Tôi lý lịch xấu xa không kinh doanh được, khắc truyền cho”, cụ Cả Mây trên Hàng Giấy bảo thế, cho bộ nồi chảo, dao thớt, bàn ghế và dăm chục bát ô tô. Rồi bị cụ mắng “Bát phở ngon không khó nấu, nhưng cuối nồi mà thêm nước thêm bát là đuổi khách”. “Đừng tưởng nghèo mà khôn vặt ăn người được”. Nghe vừa nhục vừa uất, nhưng con cá không ăn muối thì chả nên nghiệp nên người được, ảnh cụ trên bàn thờ kia”.
“Sông Hồng ngày một thắt lại, lạch Cam lội qua sang bãi giữa được, nước chảy lờ đờ, bẩn thỉu, trẻ trong phố sợ dẫm kim tiêm hát i vê không dám ra chơi. Không có lũ nguồn hàng năm,bãi sậy khô khốc, thành chỗ tấp lại cho đám dân kiếm sống một nơi bụng dạ để một nơi. Những người khai phá thuở ấy như Tư “xương” này đã thành ở giữa xóm”.
* * *
Nhà trọ xây hẳn hoi nhưng cũng chỉ hai tầng, sân thượng có điện thờ. Ông Tư ở dưới, một mình, tuổi tác và bệnh suyễn vì hít hơi than thời đứng bếp khiến khó ngủ, đêm đêm cứ lụ khụ. Tầng hai vắng vẻ cả ngày, chập choạng trở đi đầy người. Sân trước có bể to, nước chảy ồ ồ, quần áo giũ tồm tộp, tiếng bước chân thình thịch và nói cười nguyên giọng “con tâu tắng buộc gốc cây te ăn lá te béo tòn tùng tục” huyên náo. Đến giờ ti vi phát phim Hàn thì lặng ngắt, ai ai cũng sụt sùi rồi nhất loạt phấn khích. Quần quật ban ngày nhưng đặt tấm lưng mỏi oặt xuống, đèn đóm tắt rồi cũng phải “buôn” đôi câu mới yên.
Như là nhà Cậy phô dọn chai nhựa ở nhà nghỉ vớ chiếc nhẫn, vàng tây nhưng chắc phải vài trăm. “Dân tỉnh đi ăn vụng còn cẩn thận tháo ra nhỉ, rửng mỡ quên bố nó nhẫn”. “Về nhà vợ nó kiểm tra có biết đằng chùi mép”… Nhao lên một lúc rồi im, dư vị đực - cái nóng rẫy. Như là Thệ, không phải người An Thuận nhưng cùng huyện, được ông Tư chiếu cố cho trọ. Gái hai con mà ưa nhìn, Thệ mặc lôi thôi tránh mắt bọn đàn ông, nhưng cứ phải nhuộm tóc nâu nâu rồi soi gương tủm tỉm. Chuyện Thệ hở ra toàn lo là lo, không thằng lớn nghiện ghêm thì chồng vô tích sự, ra đi kiếm tiền nóng ruột vô tả, đang dở câu bỗng pho pho.
Quanh quẩn kiểu gì thì cũng quay về cái làng của mình, chỉ chúng mình có chứ quê khác không thể nào bằng dân tỉnh thành càng không so được. Hôm nảo hôm nào nếp nhà xiêu, tường gạch lở, mặt ao có tấm bảng “Cấm đàn bà có tháng”… cũng hiện lên làm cả hai bên đàn ông đàn bà, cách nhau năm ô gạch, lại phừng phừng thao thức. Nhưng quê ta giờ còn cái tên chứ có an với thuận nữa đâu. Dự án lấy hết ruộng, tiền đền bù xây được cái nhà mà người lại tứ tán kiếm sống, già cả ở lại lo tang ma không ai tiễn. Mà chúng mình giờ khai lý lịch kê thành phần thế nào nhỉ. Là nông dân thì không có đất. Ai bảo thế, ruộng đầy nhưng không ai cấy đây thôi. Là người tỉnh thì nhiều nhất mới vài năm. Thôi cứ ghi “cán bộ đi làm ăn theo thời vụ” cho con nó oách! Câu đùa cợt chả ra đâu vào đâu ru người An Thuận vào giấc, rất dễ.
* * *
Nhưng xẩm chiều nay, sân trọ bị một xung động nhỏ, lớn dần, căng hơn khi đèn lên, muỗi và đàn thiêu thân xông vào. Phán, ông thợ mộc rong nền tính về có một mình, gò má ưng ửng. Thằng cháu ông điên bố nó rồi, uống tì tì ngoài hàng cơm bụi, đéo lắt văng ra rất xấu hổ, bảo thế nào cũng không thôi. Lát sau Đoàn “ôm” vào hùng hổ, chỉ mặt chú ruột: “Chú cậy có tiền khinh khi họ hàng hử. Tôi không giả được chén rượu cho chú chắc!”.
- Tao tự ăn tự giả. Không ngồi với thằng say.
- Đấy lại học thói tỉnh thành chỉ bo bo phần mình chả còn tình nghĩa gì. Mà tôi với chú không còn họ hàng thì vẫn cùng quê, định hắt cả đi phỏng.
- Không nói nữa. Mày ra thằng cùn rồi.
Đoàn đá văng chậu nhựa to ngâm quần áo, ra bể giội nước ào ào. Sắp cởi ra nhồng nhỗng ra thì bị ông Tư quát, bèn thụp xuống dựa vào thành bể bưng mặt, lõng bõng xuống ngực chả biết có nước mắt. Ai cũng biết tính gã rồi, lúc hảo hán bênh vực kẻ yếu lúc coi trời bằng vung, nên đều chả dây. Đoàn lên đã lâu, trải nhiều nghề toàn đụng đâu vỡ đấy. Làm thợ xây cãi từ chủ nhà đến cai thầu, nhận chân bảo vệ kho sắt mà cứ nửa đêm lùng rượu. Giờ gã chạy xe ôm, cái việc chả phải nghe lệnh ai, thích thì làm mà làm kiểu của mình, mấy tháng rồi nghe yên yên.
Trưa nay gã chở khách từ bến xe Giáp Bát về mạn hồ Tây. Chuyện ran lên khi anh già ôm biết gã người An Thuận. “Hồi oánh nhau tớ tập tân binh ở đấy rồi mới đi bê, nhà bà gì xóm Tám có con gái mau mắn”. “Dân thương lính lắm, mùa hè luộc cả rá khoai với lạc mới rỡ cho, rồi có anh chằng thành rể”. Đến đoạn hỏi han gia cảnh Đoàn, khách đang tỏ lòng cảm thông thì “kít kít”, xe dừng đột ngột. Thệ đi bộ trên hè, nón thùm thụp khẩu trang kín mặt mà gã vẫn nhận ra.
-Thệ ơi lên đây lên đây.
Đoàn réo ầm con phố, nhẩy xuống bảo khách: “Chú chịu khó cho cô kia ngồi nữa nhá, nó đi dọn nhà về, xe đạp hỏng”. Anh già ngây mặt như là chả hiểu gì, gã bèn phịa “nó cũng xóm Tám, có khi cháu bà gì cho chú ở đấy”.
“Sao lại thế được. Kẹp ba chật chội lắm. Không mũ cảnh sát bắt. Mà cái chính là tớ không thích ngồi vậy”. Mặc anh xe nài nỉ, khọm già nhất định không chịu chung đụng. Đoàn nuốt câu chửi đổng vào trong, cười giả lả với Thệ, yên yên một lúc thốt ra: “Thế mà cháu tưởng chú yêu cái làng của cháu lắm. Hóa ra là nhầm”. Cuộc kỳ ngộ đang phơi phới tắt phụt cho đến khi thanh toán, anh xe ôm hầm hầm còn khách mặt đần thối, tự dưng thành kẻ có lỗi.
Đoàn chưa hả rượu, gây chuyện tiếp với ông Phán chả thấy quăng lại lời nào, bèn cứ đéo lắt kể lể vài lần nữa cho đến khi đi ngủ. Chuyện tưởng đến thế là hết, ai ngờ khi cả tầng hai đã rộn ràng tiếng ngáy gã lại ngồi dậy. “Đèo mẹ cái tụi tỉnh thành chả tình nghĩa chó gì. Chỉ tiền là trên hết xấu đếch chịu”.
- Thôi đi thằng say, mày định cho cả phòng mất buổi làm ngày mai à.
Nghe ông Phán làu bàu trong góc, Đoàn sửng lại: “Chú tưởng buổi làm là quan trọng lắm đấy hả. Đôi trăm chứ gì đây tôi cho chú mai không phải đi nữa”. Ông Phán còn nghẹn họng thì mấy đàn ông đã dậy lên: “Tao cũng không cần ngủ mày đưa cả tao chứ”. “Tao cũng thế mày cậy phòng này chỉ có chú cháu mày hả”. Đoàn đã khùng rồi. Ra bất chấp. Cãi tay đôi tay bảy tám với lũ tham tiền kia. Phòng trọ nóng hết cả lên, đám đàn bà, đa phần nghĩ cùng người làng cố nhịn cho lành đều ngán ngẩm. Riêng Thệ, nằm trong cùng, im thít như chả can hệ.
Tiếng ồn ban đêm bay rất xa. Dưới nhà đông tuổi khó ngủ, thì dù nặng tai mấy cũng thành thính. Ông Tư lên gác, đứng ngoài một lúc mới vào, hỏi “Thế không để đến mai được à?”. Đoàn ngây ra một tẹo, đoạn “Cháu làm ông thức giấc rồi. Nhưng cháu càng nghĩ càng tức. Sáng nay cháu gặp thằng già…”.
-Thế thằng già bao tuổi? Có chắc giá ngay từ đầu không, giữa đường mới gặp cái Thệ chứ gì? – Ông Tư nghe xong, trầm ngâm một tẹo – Tức là ông ấy không trả từng nấy tiền để ngồi nửa mông đúng không?
- Chán ông, lại lý sự trên tiền rồi. Cháu nói thế vì lão ấy từng ở làng mình, được dân mình hy sinh nhà cửa với cả củ khoai hột lạc mà còn chi ly bần tiện.
“Thế cô Thệ lúc ấy bảo sao?”, ông Tư hướng vào góc phòng. Thệ nhổm dậy búi lại mái tóc dầy nặng, lầu bầu: “Cháu bảo không cần, đi bộ được rồi với lại công an bắt thì sao”. Nghe Đoàn xướng to “Bắt kệ mẹ nó chứ tớ tay lái lụa đố bắt”, ông đà đận: “Ừ lão này có mang ơn làng ta thật, nhưng lão đã phải chiến tranh thì cũng là hy sinh, đóng phần mất mát rồi chứ nhỉ. Cứ tính toán như anh thì cả nước có nợ đồng lần với nhau, ai muốn xử thế nào cũng được chứ gì. Gặp cái người chưa từng ơn làng ta thì anh bảo sao đây?”.
- Ông quàng đứa khác vào sao được! Cháu thế là còn nghĩ cho cả xã hội mình đấy. Đau lắm! Cái nước này ai mà không từ đít bà nông dân chui ra, cứ tưởng sống tỉnh thành mà đem tiền ra cân đong mọi thứ á. Phải biết thương người nghèo chứ xa nhà xa quê ra đây kiếm ăn sướng lắm phỏng. Cháu mà có quyền cháu thay luôn dân, cho bọn ăn trắng mặc trơn về cày ruộng, xem có trắng mắt ra…
- May là anh mới chỉ chạy xe ôm, chứ Khơ Me đỏ bên Campuchia mấy chục năm trước cho bọn ăn trắng mặc trơn là không lao động rồi. Thôi khuya chả cãi sâu xa quá, ngủ đi mai còn cầy.
Ai nấy lục tục nằm xuống. Đoàn vẫn không thông: “Cháu chán ông, ở tỉnh lâu chả còn tình làng nghĩa xóm téo. Không biết đường bênh nhau! Bạc như vôi!”. Tiếng can ngăn nhao lên. Ông Tư đã dợm đi ra, quay lại: “Ở tỉnh phải theo nếp tỉnh, không thì đi chỗ khác mà trọ à mà anh về hỏi những cầu trượt thú nhún đồ chơi nhà trẻ ở làng ai góp nhá”.
Phòng trọ ắng hẳn khi đèn tắt. Những tấm thân nhọc nhằn quên ngay mọi rắc rối phức tạp, vào giấc pho pho. Bên nam sót lại tiếng lầu bầu “Tưởng gì mai bố về quê ngay. Cần đếch!”. Và dưới nhà phải lục tủ thuốc, không khéo đột quỵ...
* * *
Thệ thích ra ngồi bãi giữa, khoảnh giáp mép nước lạch Quýt rộng rãi có đám cỏ mịn, sạch sẽ, chả để làm gì. Đám sậy trước mặt đang trổ cờ, đu đưa rì rầm, rễ chìm trong phù sa. Chiều nay Thệ ngồi với Cậy, có chùm nhãn ở giữa. Cậy “lúi” dọn nhà nghỉ, mua hàng rẻ ở chợ hoa quả bán rong trên phố cổ, lủi như lươn khi nhân viên trật tự xuất hiện. Cũng có khi bị bắt vào đồn, mất toi gánh na mẹt ổi. Chuyện hai con mẹ chả có quái gì lớn lao nhưng dài cuồn cuộn, tuồn tuột trôi như dòng nước trước mặt.
- Thích nhỉ, không phải làm gì ngồi mát mát là.
- Nhưng mà sốt ruột, cứ phải nghĩ giá có việc thì đang kiếm được tiền có phải là hơn không. Mà sao Long Biên lại gọi là “cây cầu của người nghèo”?
- Vì toàn xe máy xe đạp. Có tàu hỏa lại càng cũ kỹ. Bên cầu Chương Dương tinh ô tô đẹp máy lạnh rì rì.
- Nhưng sao trai gái sắp cưới toàn lên Long Biên chụp ảnh lãng mạn, còn đeo khóa tình yêu vào thành rồi ném chìa xuống sông…
- Tao chả biết hôm nọ họ phải tháo khóa đi không lãng mạn gẫy bố nó cầu.
Giữa hai cây cầu, phía dòng xuôi vẳng đến tiếng reo hò ồn ỹ. Thệ nhổm dậy ngó ngó bị giật lại. “Bãi tắm truồng. Toàn bọn đàn ông trong phố phơi chim mày ra thành con điên con dở”, Cậy cười sằng sặc.
- Hay mình nấp vào lùm sậy xem chim già chim trẻ hí hí buồn lắm. Giờ được bơi thì thích, em xuống nước như con cá í. Từ ngày trên nguồn lên mấy đập thủy điện chả được vớt củi sông.
Hai đàn bà sồn sồn chòng chọc cù nhau suýt lăn xuống sông. Xa chồng ngứa ngáy chứ, dù “cái của nó” hôi hám, chả trắng trẻo như mấy thằng tắm sông. Chợt Cậy nghiêm giọng: “Thệ, mày có dính thằng Đoàn không? Tức là mày với nó đã “gì” chưa?”.
- Đời nào! Cái ngữ lúc nào cũng hung hãn, mặt mày như con gà chọi. Em còn chả dám lên xe lão, đánh võng vượt đèn đỏ sẵn sàng chửi nhau, tai nạn có ngày. Hùng hổ thế thôi về quê thế nào được. Lão giờ trọ bên Phúc Tân, nhắn tin em lờ lớ lơ chị không tin á.
- Tao chả biết, chỉ lo mày ễnh mẹ nó ra rồi tan nhà nát cửa. Đàn ông như cái gậy thằng mù chứ mình xa chồng lâu giữ khó bỏ mẹ - Cậy nhìn Thệ, ánh mắt ve vuốt – Mà nhà chị cũng ngon lắm cơ. Ngồi sân bể giặt mặc áo ngắn hở nửa lưng tôi đây còn thèm nữa là bọn chó giái.
-Chị biết không, Thệ được khen đâm mơ màng, lên đây em làm đẹp chả ai ngáng, tha hồ ngắm gương có chết không. Tự do sướng thế không biết. Giờ mở mắt ra thấy mình thành người tỉnh, được đứng đón con ở trường rồi về nhà mình nhỉ.
- Mơ làm quái! Mày cứ mặc váy cưỡi xe ga ra ngay thị thành “nuột”, khối đứa chết khối thằng hy sinh.
- Chán chị! Qua rằm này giỗ bố chồng, em mang tóc nâu về nhà dễ bị giếc đĩ thõa. Chậc, làm cật lực tiền mang về một năm mười cái giỗ, xây hết đình xóm đến đình làng, vào mồm con mấy đâu.
Đàn bà chuyện kiểu gì cũng quay lại con cái, kể mãi nghe mãi rồi. Đâm cả hai lặng yên, con chim gì hót trong bụi sậy, cứ chiêm chiếp chiêm chiếp hay quá mà không nhìn thấy. Vẳng đến tiếng còi ủ, không phải sà lan cát sạn. Lầm lụi, phì phò, hồng hộc, xe lửa bò lên cầu Long Biên, chậm rì vì lũ goòng chất đá. Leo dốc dẫn nặng nhọc quá, đầu máy đã nhô đến đầu lạch Cam vẫn còn bị kéo lùi lại, ì ì thở mãi mới tiếp tục tiến được.
“Quần ngư tranh thực là gì?”, Thệ lại thì thào. “Ông Tư bảo sống nơi nào mà chỉ nhăm nhăm kiếm ăn chả có tình cảm gì thì chỉ là quần ngư tranh thực. Phải yêu phố thì phố nó mới yêu lại mình, nghĩa là thế nào?”.
- Mày hỏi tao thì tao biết hỏi ai mà giữ mấy chữ ấy trong đầu mày khéo thành con dở thật. Thôi cứ biết làm ăn chân chỉ đừng làm gì quá đáng tối ngủ không vẫy tai.
Nhưng “thôi” thế nào! Những nỗi cứ dào lên, sủi bọt rồi lại tán tàn, giống khúc quẩn của dòng sông trước mặt. Buổi chiều đang đẹp, mát rười rượi bỗng hóa oi, trĩu trịt gánh lo. Tiếc ơi là tiếc, “cày đường nhựa” mà vẫn cứ tiếc…