Dân Việt

Ông Đoàn Ngọc Hải sai phạm gì trong quản lý đô thị?

Phong Thuận 22/06/2019 18:48 GMT+7
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khi trả lời chất vấn của cử tri quận Thủ Đức cho rằng, ông Đoàn Ngọc Hải tích cực trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, nhưng cũng là người ký các giấy phép xây dựng sai quy hoạch nên phải chịu trách nhiệm.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: " Ông Đoàn Ngọc Hải có sai phạm trong việc cấp phép xây dựng". Ảnh: H.V

Ngày 20/6, tiếp xúc cử tri tại quận Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cùng với việc ghi nhận những đóng góp của ông Đoàn Ngọc Hải cho công tác lập lại trật tự đô thị, phải xác định rõ trách nhiệm của Phó chủ tịch UBND quận 1 khi đương nhiệm. Theo ông Nhân, ông Đoàn Ngọc Hải có sai phạm trong quản lý đô thị.

Theo kết luận Thanh tra về phòng, chống tham nhũng liên quan đến công tác cấp phép xây dựng tại phòng đô thị quản lý quận 1, UBND quận này đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc cấp phép xây dựng tại Phòng Quản lý đô thị quận 1.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1, trong năm 2018, cơ quan thanh tra đã kiểm tra 58 công trình và phát hiện nhiều thiếu sót liên quan đến công tác cấp phép xây dựng.

img

Ông Đoàn Ngọc Hải ký nhiều giấy phép xây dựng sai quy định. Ảnh: TL

Theo đó, ông Hải đã ký hàng chục giấy phép xây dựng vượt thẩm quyền, sai quy định về độ cao và mật độ xây dựng. UBND quận 1 đã kỷ luật 8 cán bộ tham mưu cấp phép ở Phòng Quản lý đô thị, ông Đoàn Ngọc Hải nhận trách nhiệm về điều hành và xin rút kinh nghiệm.

Trong 2 năm 2016-2017, UBND quận 1 đã cấp giấy phép xây dựng cho hơn 1.000 trường hợp. Trên cương vị Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị, ông Đoàn Ngọc Hải là người trực tiếp ký giấy phép xây dựng sau khi được Phòng Quản lý đô thị tham mưu.

Đoàn Thanh tra đã kiểm tra 49 hồ sơ ngẫu nhiên và 9 hồ sơ bị tố cáo có tiêu cực, chỉ ra nhiều công trình được ưu đãi tăng thêm diện tích do đơn vị tham mưu áp dụng điều khoản sai quy định.

img

Biệt thự số 90/88A Nguyễn Đình Chiểu được cấp phép tăng số tầng. Ảnh: ĐS.

Cụ thể, tại biệt thự số 90/88A Nguyễn Đình Chiểu (1 trệt, 3 tầng và mái ngói) đã được cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo tăng thêm 1 tầng không đúng quy định. Biệt thự này cũng được tăng mật độ xây dựng từ gần 45% lên hơn 55% (tương đương 32,4 m2) một cách khó hiểu. Lý giải việc tăng mật độ xây dựng cho biệt thự này, Phòng QLĐT lập luận đây là biệt thự song lập, chủ đầu tư chỉ cải tạo một phần nên việc cấp GPXD phù hợp với thẩm quyền của UBND quận 1.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với Điều 3 Quy chế quy hoạch 930ha, cơ quan chức năng xác định biệt thự này là công trình độc lập, bởi không có bất cứ bề mặt nào tiếp giáp với công trình xây dựng các lô đất kế cận. Do đó, nhận định đây là công trình song lập của Phòng Quản lý đô thị là không có cơ sở, nên việc tham mưu cấp phép là sai quy định.

Bên cạnh ưu ái cho biệt thự có thêm diện tích, Phòng Quản lý đô thị còn tham mưu cho Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải ký quyết định cấp GPXD cho công trình số 33 Phùng Khắc Khoan vượt thẩm quyền. Theo quy định, công trình có tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng thuộc thẩm quyền cấp GPXD của Sở Xây dựng TP. Thế nhưng, công trình số 33 Phùng Khắc Khoan có tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng vẫn được Phòng Quản lý đô thị tham mưu cấp phép.

img

 Công trình số 33 Phùng Khắc Khoan có tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng, vượt thẩm quyền của quận 1 nhưng Phòng Quản lý đô thị quận 1 vẫn tham mưu cấp phép. Ảnh: ĐS.

Bị xác định tham mưu sai, Phòng Quản lý đô thị phân trần công trình này có giấy phép xây dựng là nhà văn phòng nhưng thực tế bản vẽ thiết kế công trình thể hiện 2 chức năng là văn phòng và nhà ở. Do đó, Phòng QLĐT chỉ tính toán vốn đầu tư xây dựng công trình trên phần diện tích làm văn phòng, phần còn lại để ở không tính vào suất đầu tư.

Tuy nhiên, UBND quận 1 bác bỏ lý do này bởi GPXD thể hiện nội dung là nhà văn phòng, đồng thời tờ trình cấp GPXD không đề cập đến nội dung suất đầu tư. Công trình số 33 Phùng Khắc Khoan chưa xây dựng, bên ngoài dựng hàng rào cao hơn 4m trong suốt một năm qua.

Theo Điều 3 Quy chế quy hoạch 930ha, diện tích phần mái che cầu thang không được lớn hơn ½ diện tích sàn sân thượng và phải bố trí có sân trước sân sau. Tại Điều 7 của quy chế này cũng khuyến khích hợp khối đối với các lô đất nhỏ hơn 36m2. Nếu không đủ quy chuẩn hợp khối được phép sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây mới với chiều cao tối đa 13m. Dù vậy, Phòng Quản lý đô thị vẫn tham mưu lãnh đạo cấp giấy phép xây dựng cho các công trình vượt chiều cao này.

Cơ quan chức năng đã xác định những công trình được tăng thêm 1 tầng là số 41 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, số 175/10+12 Phạm Ngũ Lão, khách sạn số 9-11-13 Lưu Văn Lang và số 18A/111/3 Nguyễn Thị Minh Khai.

Bên cạnh đó, 2 công trình được Phòng Quản lý đô thị tham mưu không đúng về điều kiện ưu tiên tăng hệ số sử dụng đất theo Điều 6 Quy chế 930ha. Trong đó, công trình số 41 Nam Kỳ Khởi Nghĩa được tăng hệ số sử dụng đất từ 4 lên 5.36 (tương đương hơn 195m2) và 157 Lê Thánh Tôn tăng từ 3 lên 3.77 (tương đương hơn 58m2).

img

 Công trình số 41 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã đưa vào sử dụng, đây là công trình được cấp phép tăng hệ số sử dụng đất. Ảnh: ĐS.

Ngoài ra, Phòng Quản lý đô thị cũng đã hiểu sai quy chế khi tham mưu cấp GPXD cho 7 công trình được tăng chiều cao toàn công trình từ 1,6-5 m là 175/10+12 Phạm Ngũ Lão, 33 Phùng Khắc Khoan, 9-11-13 Lưu Văn Lang, 53 Huỳnh Khương Ninh, 8A/3C1-8A/2C1 Thái Văn Lung.

Theo cách hiểu của Phòng Quản lý đô thị, chiều cao các công trình nêu trên không vượt chiều cao tối đa toàn ô phố nên trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND quận 1. Lý do này không thuyết phục bởi các công trình này nằm trong khu vực đã được UBND TP phê duyệt, ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị riêng thì không thể vận dụng một quy định khác để tăng chiều cao.