Tiếp thu các ý kiến góp ý, ban soạn thảo đã bỏ quy định xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp bị đi tù hoặc xuất cảnh từ 2 năm trở lên.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép thực hiện việc thông báo lưu trú bằng hình thức qua điện thoại, hoặc qua mạng internet, mạng máy tính... Dự thảo cũng đã bổ sung quy định cấm giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ lý giải cho sự bổ sung này: Do Luật Cư trú hiện hành chưa quy định nghiêm cấm đối với các trường hợp người đã đăng ký thường trú cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi và trường hợp có hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú, vì thế khi phát hiện không có biện pháp, chế tài xử lý.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, có ý kiến cho rằng, việc xác định trục lợi từ việc giả mạo điều kiện để đăng ký thường trú là rất khó khăn vì rất khó xác định trục lợi vì vật chất hay tinh thần.
Đối với điều kiện thường trú, đa số các ý kiến tán thành việc nâng từ 1 năm lên 2 năm, nhưng cho rằng nếu áp dụng với tất cả các thành phố trực thuộc T.Ư thì quá rộng, nhất là nhiều nơi ở ngoại thành rộng rãi không nên thực hiện quy định này, chỉ nên áp dụng ở khu vực nội thành. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói: “Nếu đọc kỹ tờ trình thì thấy chỉ có quy định gọi điện để thông báo lưu trú là còn tạo điều kiện cần thiết cho người dân, còn lại toàn nghĩ làm sao có lợi cho cơ quan quản lý. Cái tôi cũng thấy lạ là khi thẩm định dự luật này, Bộ Tư pháp có nhiều ý kiến góp ý khá tâm đắc, sao không thấy tiếp thu?”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì phân tích: Hiến pháp hiện hành và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn thể hiện quyền tự do cư trú của công dân. Nay chúng ta đưa ra các điều kiện thế này có nghĩa là dùng biện pháp hành chính để hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Như thế có đúng với tinh thần của Hiến pháp?”.
Hải Phong