Dân Việt

Cần quảng bá hình ảnh cá tra tốt hơn

06/12/2010 16:35 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ NN&PTNT đã và đang có những động thái cụ thể nào sau khi WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ? NTNN có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

Sớm khắc phục điểm yếu liên kết 3 nhà

 img
Thu hoạch cá tra tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long.

Thưa ông, Tổng cục Thuỷ sản được Bộ NN&PTNT giao trách nhiệm giải quyết vụ việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ, Tổng cục đã và đang có động thái gì thưa ông?

- Vấn đề này lãnh đạo bộ đã giao cho Tổng cục Thuỷ sản có trách nhiệm giải quyết, và tôi là người được giao trách nhiệm trực tiếp xử lý. Quan điểm của Bộ rất rõ ràng, phải bảo vệ bằng được hình ảnh của cá tra VN. Chất lượng cá tra mình tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu.

Sản phẩm cá tra VN đã và đang được xuất khẩu đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, điều đó chứng tỏ sản phẩm cá tra VN không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tuần này, Tổng cục sẽ có họp báo về chuyện này, đồng thời mời lãnh đạo WWF tại VN đến làm việc cụ thể.

Thời gian gần đây có nhiều vụ bôi nhọ hình ảnh cá tra VN, phải chăng cá tra VN rất dễ bị tổn thương và đang có điểm yếu?

- Điểm yếu của chúng ta là mối liên kết giữa người sản xuất, người chế biến và người xuất khẩu, đấy là điểm yếu cơ bản nhất. Còn điểm nữa là ngoài sản xuất tập trung, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và là nguồn cung cấp hàng xuất khẩu chính còn có một phần nhỏ là dân nuôi nhỏ lẻ mà chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu, đấy cũng là một điểm yếu của cá tra VN. Các nước khác đang dựa vào điểm đó để bôi nhọ, làm xấu và bóp méo hình ảnh cá tra của VN. Những thông tin đó hoàn toàn sai lệch.

Chúng ta có các hiệp hội cao su, cà phê... và mới đây nhất là Hiệp hội Cá ngừ, vậy tại sao cá tra - mặt hàng đem lại 1 tỷ USD mỗi năm lại chưa có, phải chăng đây là 1 trong những nguyên nhân khiến cá tra bị “đánh” hội đồng?

- Hiệp hội cũng chỉ là một phần nguyên nhân thôi. Chứ không phải vì không có hiệp hội mà cá tra mình dễ bị “bắt nạt” thế. Điều quan trọng là nhiều nước nhìn thấy được sức lan toả của cá tra VN, nên họ cố ngăn cản để nhằm mở rộng thị trường và phát triển cá tra của họ, đấy là thực tế. Cá tra VN đang phát triển mạnh mẽ, tôi tin chắc năm nay mặt hàng này phải đem lại 1,3 đến 1,4 tỷ USD cho nước nhà.

Theo ông có nên xúc tiến ngay việc thành lập Hiệp hội Cá tra VN?

- Tất nhiên là nên có hiệp hội, đó là điều cần thiết. Để cá tra VN phát triển mạnh, cần phải có hiệp hội. Để có hiệp hội đủ mạnh thì Chính phủ cũng phải tạo điều kiện cơ sở pháp lý. Hiệp hội đó là cộng đồng của những người liên quan đến việc sản xuất, nuôi và tiêu thụ cá tra để làm sao liên kết trong chuỗi đấy cho tốt. Họ sẽ hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động như thế tiếng nói của cộng đồng nuôi, sản xuất và xuất khẩu cá tra sẽ lớn mạnh hơn.

Năm 2011 sẽ có quy định cụ thể vùng nguyên liệu

Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang quá coi trọng xây dựng nhà máy chế biến mà quên đi việc quy hoạch, kiểm soát vùng nuôi bền vững, chính vì vậy mà số phận cá tra VN đang lận đận như ngày hôm nay. Ông có bình luận gì về ý này?

- Đó cũng là một nguyên nhân. Có một thực tế là nhà máy chế biến cũng phát triển mạnh trong giai đoạn vừa rồi và sự phát triển đó không cân xứng với phát triển vùng nuôi, vùng nguyên liệu đó là một thực tế. Chuỗi phát triển nuôi, sản xuất chế biến chưa thực sự tốt và đồng đều trong giai đoạn vừa qua. Điều này dẫn đến có lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu, dẫn đến chưa thể kiểm soát được nguyên liệu đầu vào của các nhà máy. Hiện nay Bộ đang soạn thảo về quy hoạch vùng nuôi cá tra bền vững rồi. Tới đây, chuyện đó sẽ chấm dứt.

Dự thảo này tiến triển đến đâu và lúc nào sẽ trình Chính phủ, thưa ông?

- Bộ NN&PTNT đang đưa dự thảo để các đơn vị, tổ chức liên quan từ người nuôi, người chế biến, xuất khẩu góp ý. Dự kiến lúc đầu là cuối tháng 12 này, chúng tôi sẽ trình Chính phủ, nhưng hiện nay dự thảo này đang được nhiều người quan tâm góp ý nên chắc phải sang tháng 1 - 2011 mới có thể trình được. Đồng thời với dự thảo đó, Bộ cũng đang soạn thảo Nghị định quản lý sản xuất cá tra để giúp cho quá trình sản xuất tiêu thụ cá tra tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này chưa sát với thực tế và đang vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp?

- Tất nhiên khi soạn thảo thì sẽ có nhiều ý kiến khác nhau vì nó đương là bản thảo mà. Dự thảo đã được đưa ra rộng rãi để lấy ý kiến, và chuyện có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, điều đó sẽ rất tốt cho việc hoàn thiện dự thảo. Có những ý kiến đi đúng với xu thế phát triển chung thì sẽ được tiếp thu chỉnh sửa, có những ý kiến cũng phải xem xét bởi vì nó xuất phát từ một góc nhìn riêng của vài cá nhân.

Có thể nói việc WWF xếp cá tra vào danh sách đỏ là giọt nước tràn ly, vậy sau hàng loạt sự việc này mình cần phải rút ra bài học gì để tránh trường hợp tương tự xảy ra không chỉ với cá tra mà còn với nhiều sản phẩm khác như tôm, mực...?

- Tôi nghĩ việc đầu tiên là mình phải làm công việc quản lý chất lượng tốt hơn. Hai là phải hạn chế đến mức tối thiểu, thậm chí là xoá bỏ hẳn hình ảnh các mô hình nuôi nhỏ lẻ, nuôi theo kiểu ngày xưa. Thứ ba là công tác quảng bá hình ảnh cá tra cũng cần phải làm tốt hơn nữa, nhất là thông tin đại chúng.

Xin cảm ơn ông!

Nên xây dựng lịch nuôi thả cá tra như gieo mạ

Hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh và đã đạt trên 20.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay nhưng nông dân cũng không còn nhiều cá để bán cho nhà máy. Năm nào cũng vậy, khi con cá này được giá thì nông dân không còn nhiều hàng để bán và ngược lại. Bộ Công Thương đang kiến nghị Bộ NN&PTNT ý tưởng là cần xây dựng lịch nuôi thả cá tra, basa cho từng tỉnh ở ĐBSCL giống như lịch gieo mạ đối với cây lúa. Có như vậy mới có thể ổn định nguồn cung qua đó ổn định được giá cá nguyên liệu và sự ổn định sản xuất cũng như xuất khẩu.