Dân Việt

Giải vô địch quốc gia không phải của VPF

05/02/2012 18:05 GMT+7
Dân Việt - Công văn chỉ đạo của Tổng cục TDTT yêu cầu chấn chỉnh các giải đấu thuộc hệ thống các giải chuyên nghiệp quốc gia cho thấy, từ ngày VPF ra đời đã gây ra nhiều chuyện khá ồn ào, tốn kém nhiều giấy mực...

Vẫn muốn Super…

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng cục TDTT về việc đổi tên giải đấu quay trở về như trước và chữ cái đầu tiên của giải phải là tiếng Việt để dễ nhận biết đó là giải vô địch quốc gia của Việt Nam, trả lời trên báo chí, ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc VPF cho biết, VPF đang lên kế hoạch sửa tên giải đấu thành Super V-League, giải hạng Nhất là V-League 1. Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi trên các bảng biển quảng cáo trên các sân đấu là khó vì chi phí lớn.

img
Căng thẳng trong trận Sài Gòn FC và Thanh Hóa ở tứ kết Cúp Quốc gia

Như vậy, chắc chắn, tên giải đấu vô địch quốc gia của Việt Nam sẽ được đổi lần ba trong mấy ngày tới. Cụ thể là ngày 8.2 tới đây, VPF sẽ có cuộc họp với đại diện các câu lạc bộ đang tham dự giải vô địch quốc gia và hạng Nhất quốc gia để chấn chỉnh giải đấu sau một loạt sự cố đã xảy ra và thảo luận việc đổi tên giải mới sau khi có chỉ đạo của Tổng cục TDTT.

Tổng cục TDTT chỉ đạo tên giải đấu viết tắt bắt buộc phải có ký tự tiếng Việt chứ không thể hoàn toàn bằng tiếng Anh như hiện nay. Cũng cần nhắc lại là cái tên V-League trước đó hoàn toàn đúng với quy tắc đặt tên giải của các nước trên thế giới như K-League (Hàn Quốc), J-League (Nhật Bản), Thai-League (Thái Lan)…

Tại những nước có giải vô địch quốc gia hấp dẫn, được nhiều người xem như Anh, Italia, Đức, Tây Ban Nha… cũng đều đặt tên như vậy với English Premier League (Anh), Italian Serie A, German Bundesliga (Đức)… nhưng vì các giải này được nhiều người biết đến nên chỉ gọi tắt hai tên cuối.

Quy tắc là như vậy, nhưng các ông bầu của VPF không hề muốn theo quy tắc đó mà muốn dấu ấn của mình. Vì thế, nhiều khả năng, các ông bầu vẫn muốn thêm chữ “Super” vào tên giải đấu đề trở thành Super V-League hay V-Super League như ông Phạm Ngọc Viễn đã nói.

Trước đây, Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên khi được hỏi về yêu cầu thay đổi tên giải đấu đã nói, không phải ngẫu nhiên mà HĐQT VPF quyết định chọn cái tên Super League cho Giải Vô địch quốc gia thay vì V-League như trước đây bởi: “Tên giải đấu thể hiện thương hiệu và danh dự”. Thương hiệu và danh dự ở đây có thể hiểu là chính nhờ các ông bầu nên mới có sự ra đời VPF và nhờ vậy mà các ông bầu mới được VFF ủy quyền điều hành giải đấu.

Giải vô địch quốc gia không phải của VPF

Qua công văn chỉ đạo của Tổng cục TDTT yêu cầu chấn chỉnh các giải đấu thuộc hệ thống các giải chuyên nghiệp quốc gia cho thấy, từ ngày VPF ra đời đã gây ra nhiều chuyện khá ồn ào, gây tốn kém nhiều giấy mực và thời gian cho các đơn vị chủ quản khi phải liên tục đưa ra các công văn chỉ đạo, thậm chí có những công văn hỏa tốc như ngày 2.2 vừa qua.

VPF ra đời được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam tiến bộ, giải đấu bóng đá quốc nội sẽ hấp dẫn hơn, thu hút nhiều khán giả đến sân hơn. Nhưng thay vì việc chú tâm điều hành giải, những người điều hành lại chỉ chăm chăm lao vào cuộc đua bản quyền truyền hình mà VFF và AVG đang có hợp đồng hợp pháp, nay lại đến việc để tên giải đấu không… giống ai.

Xiin được nhắc lại, đơn vị tổ chức điều hành giải đấu cao nhất của Việt Nam vẫn phải là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Chỉ có VFF mới là đại diện duy nhất được FIFA và các Liên đoàn bóng đá khu vực công nhận là đơn vị thành viên. Sự xuất hiện của VPF, thực tế chỉ được hiểu VPF giống như một công ty tổ chức sự kiện được VFF thuê vào khâu tham gia tổ chức giải.

Chính sự lơi là, không tập trung điều hành giải đấu khiến Super League, Cup Quốc gia chỉ qua mấy vòng đấu đầu tiên đã sặc mùi bạo lực, đầy rẫy những bất ổn về công tác tổ chức. Có cảm giác, chúng ta không hề có giải đấu chuyên nghiệp sau 10 thử nghiệm và chính thức bắt đầu từ năm nay. Các cầu thủ ẩu đả, chặt chém, rượt đuổi trên sân, rất phản cảm.

Không biết đến khi nào bóng đá Việt Nam mới phát triển? Đến khi nào, người xem mới được thưởng thức nhiều trận đấu hấp dẫn, có chuyên môn cao? Không gì khác, cần phải có sự thay đổi sớm ở bộ máy tổ chức giải vô địch quốc gia và các giải đấu thuộc hệ thống giải quốc gia khác.