Theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới (nhiệm kỳ 2020-2025) phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII.
Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chạy chức chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm",...
(Ảnh minh họa: IT)
Cụ thể, nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh phải đảm bảo các tiêu chuẩn như sau:
Đối với Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc ủy viên BCH TƯ, đồng thời phải tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ, có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong ban chấp hành, ban thường vụ và đảng bộ, không cục bộ địa phương và lợi ích nhóm.
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải có trình độ, kiến thức toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… và nắm chắc tình hình chung của địa phương và của đất nước...
Có quyết tâm chính trị cao, quyết đoán, quyết liệt để quyết định xử lý những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến địa phương.
Đồng thời, am hiểu sâu, rộng về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng và hoạt động của hệ thống chính trị; có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy cũng phải có khả năng chỉ đạo tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện và đề xuất với TƯ những chủ trương, cơ chế, chính sách và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn địa phương. Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện) và kinh qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chức danh phó bí thư cấp ủy cấp tỉnh.
Đối với Chủ tịch HĐND tỉnh, thành, ngoài việc phải bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn ủy viên BCH TƯ, cần có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương, của đất nước.
Có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy thành nghị quyết, quy định của HĐND về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương; đồng thời chỉ đạo tổ chức giám sát thực hiện có hiệu quả.
Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại tại địa phương; chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri; đại diện tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tổ chức, điều hành hoạt động của HĐND hiệu quả và đúng pháp luật...
Đối với Chủ tịch UBND tỉnh, thành, ngoài việc bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Ủy viên BCH TƯ, cần có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương và đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành còn phải có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy, HĐND thành chương trình, kế hoạch của ủy ban nhân dân và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phải có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc quyền và UBND cấp dưới; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước ở địa phương.
Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương....
Thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp Theo Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày. Bắt đầu từ tháng 4/2020, hoàn thành trước ngày 30/6/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày, hoàn thành thành trước ngày 31/8/2020. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31/10/2020. Thời gian họp trù bị đại hội cấp huyện và tương đương trở lên không quá ½ ngày. Thời gian tổ chức đại hội điểm đối với đảng bộ cấp cơ sở và đầu quý I/2020; cấp huyện và tương đương vào đầu quý II/2020; đối với đảng bộ trực thuộc Trung ương và đầu quý III/2020. |