Dân Việt

Ứng Hòa tăng tốc làm hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động

Hải Đăng 29/06/2019 19:07 GMT+7
Ứng Hòa cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh của địa phương... Đó là gợi ý của ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Trưởng đoàn công tác Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) TP.Hà Nội, tại buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU tại huyện Ứng Hòa.

Phấn đấu đưa thêm 5 xã về đích

Theo báo cáo của huyện Ứng Hòa, tính đến tháng 6/2019, huyện này đã có 6/9 tiêu chí đạt huyện NTM và có 19/28 xã về đích NTM. Cụ thể, thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, huyện Ứng Hòa có 6/9 tiêu chí đạt (quy hoạch, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng NTM), 3 tiêu chí cơ bản đạt gồm: Giao thông, y tế, văn hóa - giáo dục và môi trường.

img

img

Nuôi cá thương phẩm giúp đời sống người dân Ứng Hòa đổi thay.  Ảnh: Hải Đăng

3 tháng đầu năm 2019 cơ cấu kinh tế của huyện Ứng Hòa chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45,3% (năm 2015) lên 54,84% (năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm (tăng 1,5 lần so với năm 2016).

Bên cạnh đó, huyện Ứng Hòa còn 9 xã chưa về đích NTM, trong đó có 5 xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí và 1 xã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí.

Ngoài ra, nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp thay đổi chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển thủy sản nên đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Ứng Hòa đạt hơn 37 triệu đồng/năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cũng đạt 87%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,41%, an ninh trật tự, an sinh - xã hội được đảm bảo và giữ vững.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay các tiêu chí về cơ sở hạ tầng của Ứng Hòa vẫn còn ở mức thấp, nguồn vốn huy động xây dựng NTM phụ thuộc nhiều vào ngân sách.

"Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2019, huyện Ứng Hòa cần tập trung nguồn lực, cố gắng đạt thêm 5 xã về đích NTM, đồng thời duy trì và nâng cao những tiêu chí đã đạt. Bên cạnh đó, Ứng Hòa cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh của địa phương; tập trung khống chế dịch tả lợn châu Phi để người dân yên tâm sản xuất…" - ông Chí khẳng định.

Mong tiếp tục nhận được hỗ trợ

Ông Lê Hồng Hà - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, trong thời gian qua, huyện cũng quan tâm tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Cụ thể, năm 2017, Ứng Hòa đã được thành phố hỗ trợ dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao”; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, hình thành các chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; khuyến khích, hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất... Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa về làm đất đạt 100%, thu hoạch bằng máy đạt trên 95%.

"Huyện Ứng Hòa đang rất cần được hỗ trợ, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như trạm y tế xã, cơ sở vật chất văn hóa; các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi; giảm ô nhiễm môi trường; tạo thuận lợi cho các xã hoàn thành tiêu chí về đích xây dựng NTM đúng lộ trình..." - ông Hà nói.

Phát biểu tại buổi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo địa phương mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chia sẻ, so với mặt bằng chung của thành phố thì Ứng Hòa phải bứt phá hơn nữa, đặc biệt là trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong phát triển hạ tầng, huyện cần đánh giá kỹ hơn trong những năm qua đã đầu tư được những gì, đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương chưa, nhất là tiềm năng về con người. Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, cần chuyển dịch cơ cấu, phát triển nuôi trồng thủy sản để xây dựng NTM.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý huyện Ứng Hòa cần tiếp tục gắn việc triển khai Chương trình 03 của Thành ủy với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; quan tâm phát triển kinh tế làng nghề gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, rà soát tiến độ triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường, nhất là tại các làng nghề...