Dân Việt

Hoa hậu Trái đất 2010 tại Việt Nam: Hay nhiều, dở không ít

06/12/2010 08:53 GMT+7
(Dân Việt) - Diễn ra ở Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2010 đã gây được tiếng vang và thể hiện được nhiều ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều điều chưa đẹp!

Việt Nam trong mắt các hoa hậu

Trong một tháng tại VN, 80 thí sinh Hoa hậu Trái Đất (HHTĐ), ngoài hoạt động từ thiện còn tích cực tuyên truyền cho việc bảo vệ Mẹ Trái đất, cho một môi trường xanh với các hoạt động tham quan các trung tâm xử lý rác thải, nhặt rác trên bờ biển, trồng cây xanh, đạp xe đạp để vận động giảm khí thải từ xe ô tô… Các người đẹp HHTĐ và phụ nữ VN đã trao đổi những kinh nghiệm bảo vệ môi trường thú vị.

img
Hoa hậu Ấn Độ Nicole Faria (giữa) trong đêm đăng quang HHTĐ 2010 ở Nha Trang

Một kết quả “đặc biệt” là các thí sinh đã hiểu thêm về cuộc sống và con người VN. HHTĐ 2010 Nicole Faria (Ấn Độ) sau giây phút đăng quang đã phát biểu: Tôi nhìn thấy rất nhiều nụ cười của người VN dành cho chúng tôi ở mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả ở những nơi xảy ra thiên tai, người dân vẫn có thể nở nụ cười thân thiện”.

Trong khi đó, Miss Air 2010 Jenifer Pazmino thổ lộ: Tôi không thể quên được đêm trình diễn áo dài và trang phục dạ hội ở Nha Trang, khi tôi ra sân khấu, rất nhiều khán giả VN đã đồng thanh hô to: “Ecuador! Ecuador!”. Sự cổ vũ nhiệt tình của họ đã khiến tôi vô cùng tự tin”.

Đại diện của Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Lưu Thị Diễm Hương được đánh giá tốt trong quá trình tham gia cuộc thi nhưng cô đã dừng bước tại top 14 người đẹp xuất sắc nhất đêm chung kết.

Thế Vũ

Với việc phát sóng đêm chung kết (4-12) đến nhiều kênh truyền hình trên thế giới, hình ảnh và đất nước con người VN đã được quảng bá rộng rãi đến khán giả năm châu.

Đặc biệt ý nghĩa hơn khi đêm chung kết diễn ra ở Nha Trang, nơi mà chỉ mới tháng trước đã bị tạp chí National Georaphic xếp hạng là bãi biển tồi nhất thế giới.

Những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Nha Trang phát đi từ cuộc thi cũng góp phần trong việc tác động đến cách suy nghĩ của du khách thế giới về thành phố biển Nha Trang.

Đấu giá ảo - trò hề đáng tiếc!

Tuy nhiên cuộc thi HHTĐ 2010 cũng để lại vài hạt sạn không đáng có. Sau 30 ngày tập luyện và trình diễn, vào ngày trước đêm chung kết, các thí sinh đã phải làm việc trước với ban giám khảo để tuyển chọn ra 14 gương mặt lọt vào bán kết.

Khán giả không theo dõi các chương trình phụ, đặc biệt là khán giả nước ngoài, không có dịp nhìn ngắm kỹ 84 gương mặt thí sinh tham gia mà chỉ kịp nhìn lướt trong phần clip xuất hiện chung lúc đầu chương trình mà thôi.

Cũng chính vì tinh thần “vui là chính” của các cuộc thi phụ mà trong thành phần ban giám khảo mới xuất hiện những thành viên chỉ là các doanh nghiệp tài trợ cho cuộc thi, như phần thi trang phục dân tộc có đại diện của một resort, hay ở phần thi trang phục biển có đại diện của… một hãng taxi.

Điểm khác biệt của cuộc thi HHTĐ là các phần thi phụ không được tính điểm vào phần chính thức nên không gây được hào hứng nơi khán giả và không tạo nên nỗ lực tối đa với thí sinh khi trình diễn.

Mặt khác, đối với ban giám khảo các cuộc thi phụ - hầu hết là người Việt, họ không hề chịu áp lực kết quả nên mới dẫn đến có những quyết định không thuyết phục, như trường hợp đại diện VN Diễm Hương đoạt Miss Trang phục Biển, trong khi những khán giả công tâm đều nhận thấy về ngoại hình lẫn phong cách biểu diễn thì Diễm Hương khó có thể hơn được các gương mặt nổi trội đến từ Venezuela, Ecuador…

Điều đáng tiếc nhất là trong đêm đấu giá từ thiện tại TP.HCM ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, việc tổ chức đấu giá được giao cho một công ty không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, dẫn đến các hiện vật bị đội lên với giá “trên trời”, trong đó bộ tứ linh được chốt giá với 47,9 tỷ đồng để rồi sau đó không một ai trong số người thắng đấu giá chịu trả tiền.

Việc này đã thành một trò hề cuối năm và những nạn nhân lũ lụt ở miền Trung bị lợi dụng để quảng bá cho những “siêu lừa” muốn đánh bóng tên tuổi và thu lợi.