Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ngô Hoài Chung |
Được biết ngay trong những ngày đầu năm này, các đoàn công tác của Bộ VHTTDL liên tục đi kiểm tra những địa bàn “nóng" tại các địa phương có lễ hội lớn như Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nội... Ông có nhận xét gì về tình hình lễ hội những ngày đầu xuân này?
- Mùa lễ hội năm nay, Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt, lập các đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu đến các địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh...
Chúng tôi liên tục theo dõi và báo cáo tình hình lễ hội. Nhìn chung lễ hội đầu xuân đã có nhiều chuyển biến. Nhiều nơi tăng cường đầu tư cơ sở vật chất như đường sá, bến bãi, công trình mới, tạo độ thông thoáng. Nhiều nơi thêm lực lượng dọn vệ sinh, nhặt tiền lẻ ở các di tích...
Tất nhiên, không thể tốt 100% vì nhiều thứ đã thành tập quán, có sức ỳ lớn. Và cũng vẫn còn những hạn chế, như ở lễ khai hội chùa Hương, Ban tổ chức không lường hết số lượng đột biến nên đã dẫn đến quá tải, ùn tắc ở nhiều đoạn, lên cáp treo phải chờ lâu…
Ông Ngô Hoài Chung
Thưa ông, nỗ lực của Bộ sẽ khó có tác động lớn nếu không có ý thức và vai trò quyết định của các địa phương. Vậy chúng ta phải làm thế nào để nâng cao vai trò của họ?
- Trong năm, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn bộ trưởng, nhân dân và công luận đều quan tâm đến lễ hội nên Bộ đã tham mưu cho Chính phủ có Công điện 162 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Chúng tôi cho rằng rất cần nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương các cấp mà thực tế cho thấy trong quản lý văn hóa, lễ hội, ở các địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế nên nhiều khi lúng túng trước mặt trái của lễ hội trong cơ chế thị trường. Phải bồi bổ năng lực quản lý, tổ chức lễ hội của các ban, ngành chuyên môn từ nghiên cứu xây dựng chương trình lễ hội, xây dựng kịch bản và thực hiện.
Chúng ta đang nặng về sân khấu hóa, còn đưa nhiều cái lai căng vào lễ hội gây phản cảm mà quên rằng lễ hội cần đi đúng tính chất dân gian.
Chen chúc tại Lễ hội Chùa Hương 2012. |
Chúng ta thường nhắc tới chủ trương trả lễ hội về cho dân, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Lễ hội vốn của dân, do dân tổ chức, cần phải để người dân tham gia trực tiếp và tự nguyện, hưởng thụ, đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh. Thực tế cho thấy những lễ hội do dân tổ chức đều có sức sống bền bỉ. Vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn từ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và trách nhiệm tạo điều kiện cho nhân dân tham gia lễ hội một cách văn minh, lành mạnh.
Ngoài những tích cực trong lễ hội, xin ông chỉ rõ những tiêu cực, hạn chế hiện nay?
- Do công tác quản lý nhà nước và xây dựng văn bản pháp luật của chúng ta đang chậm so với sự phát triển thực tế của xã hội, những năm qua đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế trong tổ chức, quản lý lễ hội.
Điều này thể hiện qua việc lễ hội tràn lan, tổ chức dày đặc, gây lãng phí, tốn kém; lễ hội bị thương mại hoá qua các dịch vụ kinh doanh, các trò chơi trá hình… năng lực quản lý của địa phương, bộ máy tổ chức, Ban quản lý, Ban tổ chức lễ hội hạn chế, quy hoạch kém; tái diễn nạn mê tín dị đoan với việc đốt mã tràn lan và bày bán nhiều sách mê tín…
Cũng phải kể đến một bộ phận người dân và cả quan chức nữa, coi lễ hội là dịp chạy đua, cầu thăng tiến, phát tài phát lộc. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng cho việc đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi trong lễ hội chưa đáp ứng nổi số lượng, mật độ người, phương tiện dày đặc nên đã xảy ra tình trạng quá tải, ách tắc, chen chúc lộn xộn.
Ông Vũ Xuân Thành - Chánh thanh tra Bộ VHTTDL:
Trong các văn bản pháp quy liên quan đến công tác quản lý lễ hội đều chỉ rõ, chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa phương mình. Nếu địa phương nào không làm tốt công tác này, để xảy ra những biểu hiện biến tướng, tiêu cực trong hoạt động lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội thì chủ tịch UBND các cấp của địa phương đó phải chịu trách nhiệm".
Ông Huỳnh Ngọc Thơ - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian:
Những vấn đề rất thiếu văn hóa trong các lễ hội mà dư luận lâu nay bức xúc như hiện tượng khấn thuê, đốt đồ mã, thả tiền, ném tiền bừa bãi vào hậu cung, nhét tiền vào tay tượng Phật, xả rác tùy tiện, lễ hội dân gian bị thương mại hóa… vẫn tồn tại trong các lễ hội đầu năm nay. Vấn đề đặt ra là ngành VHTTDL và UBND các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội.
Vậy còn những lo lắng về lãng phí khi tổ chức lễ hội nhiều quá, thưa ông?
- Nhu cầu của nhân dân là có thật, và chúng ta cần đáp ứng. Vấn đề là phải đưa vào quản lý cho tốt bằng các quy định, quy hoạch, bằng văn bản pháp lý, vì thế rất cần xây dựng các văn bản này để căn cứ vào đó mà tránh sự tuỳ tiện, tràn lan gây tốn kém trong tổ chức các hoạt động lễ hội.
Hiện Cục cũng đang tiến hành xây dựng văn bản về tổ chức các festival ngành nghề Việt Nam nhằm quản lý, xúc tiến tốt hơn cho các hoạt động đầu tư, kinh tế, thương mại. Vì những năm gần đây, festival cũng là loại hình lễ hội mới đang phát triển ở nước ta. Nhưng cũng cần tổ chức vừa phải thôi, có định kỳ, và phải có sự phân cấp theo vai trò của Nhà nước và các địa phương, phải có quy định về thời gian, quy mô tổ chức và quan điểm của chúng tôi về việc tổ chức festival cơ bản là xã hội hoá. Ngay lúc này, trên bàn làm việc của chúng tôi cũng đang có 3 bộ hồ sơ đề nghị được tổ chức Festival Dừa, Festival Biển và Festival Bóng bay.
Được biết văn bản về quy hoạch lễ hội vẫn chưa được xây dựng xong, trong khi đây là cơ sở rất cần thiết cho việc phân loại, phân cấp quản lý lễ hội?
- Chúng tôi đang xây dựng, quy hoạch lễ hội đã dự thảo đến lần thứ ba, đã xin ý kiến một số ngành và địa phương. Trong quý này chúng tôi sẽ tổ chức hai hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý. Từ đó mới hoàn thiện văn bản, có cơ sở phân loại, phân cấp lễ hội, đưa việc tổ chức vào quy định, đảm bảo tần suất vừa phải, đáp ứng nhu cầu quần chúng, phù hợp với năng lực các cơ quan ban, ngành địa phương, tránh lãng phí và chồng chéo trong việc tổ chức, quản lý lễ hội.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thi (thực hiện)