Dân Việt

Không phải cứ ung thư là chết

06/02/2012 07:03 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu phát hiện sớm, một số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi. Thế nhưng, do chủ quan hoặc suy nghĩ cứ ung thư là chết nên nhiều người bỏ điều trị.

Tiếc tiền, chịu chết

Chị Nguyễn Thị Hiền (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một trong nhiều bệnh nhân ung thư vòm họng đang điều trị tại Bệnh viện K T.Ư. Vừa được bác sĩ đọc kết luận chẩn đoán, chị đã nằng nặc xin về nhà để “tự điều trị”. Nhưng thực tế, chị về nhà để chờ chết. “Gia đình chỉ có mái nhà rách, 3 đứa con nheo nhóc, lấy đâu tiền điều trị” – chị nghẹn ngào.

img
Bệnh nhân điều trị tại khoa Ngoại vú – Bệnh viện K.

Không như chị Hiền, bà Lê Thị Minh (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) bị đau bụng thường xuyên, người mệt mỏi, nhưng bà lại nghĩ mình ở tuổi mãn kinh nên sức khỏe giảm sút, không đi khám bệnh. Đến lúc đau quá đi khám, bà mới biết bị ung thư gan, khả năng khỏi bệnh chỉ 10%. Nếu điều trị sẽ tốn kém hàng trăm triệu đồng, tiếc tiền, bà cũng giấu bệnh nằm nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Nga - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện K cho biết: “Do thiếu hiểu biết, cho rằng cứ bị ung thư là chết, nhiều bệnh nhân đến viện khám phát hiện bệnh đều về nhà đợi chết hoặc không chịu điều trị ngay. Thực tế, nếu phát hiện sớm, một số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi đến 80%”. Tại Bệnh viện K, có đến 64% các ca bệnh ung thư được phát hiện khi đã chuyển sang giai đoạn 3 (giai đoạn di căn, điều trị tốn kém, khả năng tử vong cao).

Theo TS Lê Thị Thu Hiền - Trưởng nhóm Quản lý Dự án “Tăng cường bằng chứng cho truyền thông phòng chống ung thư ở Việt Nam” - Văn phòng HealthBridge Canada: “Gần 80% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn nên tiên lượng điều trị khỏi rất thấp và chi phí rất tốn kém”. Theo tính toán ban đầu của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 143 tỷ đồng cho bệnh ung thư, chưa kể các chi phí cá nhân của bệnh nhân.

Nâng cao hiểu biết, giảm gánh nặng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, ung thư là một trong nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người, chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư, cao gấp 7 lần số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Dự báo tới năm 2020 sẽ có khoảng 200.000 trường hợp mới mắc và 100.000 trường hợp chết do ung thư mỗi năm.

Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu phát hiện sớm, điều trị tốt thì gánh nặng chi phí sẽ giảm và giảm tử vong. Bác sĩ Hoài Nga cho ví dụ: “Nếu 1 ca ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn 1 thì chỉ tốn 1-2 triệu tiền phẫu thuật nhưng đã chuyển sang giai đoạn 3 thì tốn hàng trăm triệu đồng tiền phẫu thuật cũng chưa chắc khỏi. Các bệnh ung thư khác đều như vậy”.

Ngày 4.2 được WHO chọn làm Ngày Thế giới phòng chống ung thư. Năm 2012, ngày này có chủ đề “Đoàn kết lại tất cả có thể” nhằm thay đổi nhận thức của người dân về việc phòng và điều trị bệnh hiểm nghèo này.

Vì thế, nâng cao nhận thức cho người dân tại cộng đồng là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá, năng tập thể dục, tiêm phòng bệnh viêm gan B và nhiễm virus u nhú (ở phụ nữ)… có thể giúp người dân phòng ngừa 30% ca mắc bệnh ung thư và 40% ca tử vong do ung thư.

Để nhận biết bệnh ung thư, các chuyên gia ở Bệnh viện K tư vấn, người dân nên đi khám để được chẩn đoán khi cơ thể có một trong những dấu hiệu sau: Vết loét lâu liền; ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; chậm tiêu, khó nuốt; thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu; u ở vú hay ở trên cơ thể; hạch to lên không bình thường; chảy máu, ra dịch bất thường ở âm đạo; ù tai, nhìn đôi; gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân. Khi có triệu chứng cần đi khám để phát hiện bệnh và được điều trị.