Dân Việt

Bộ Y tế: 10 năm không phát hiện cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng vặt

Thuận Hải 27/06/2019 07:26 GMT+7
Chỉ có 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải hối lộ nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn trong khi tinh thần, thái độ phục vụ người dân của cán bộ y tế đã chuyển từ “bắt buộc” sang “tự nguyện, tự thi đua”…

Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Y tế trong tham luận tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến quán triệt Chỉ thị số 10/CT – TTg ngay 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”, tổ chức sáng nay (27/6).

Trong tham luận trình bày tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, ngành Y tế là một ngành đặc thù, mang lại sức khỏe cho người dân, tài sản vốn quý nhất của mỗi con người, cho nên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành dễ có tâm lý “ban ơn”, đòi hỏi người bệnh, người dân phải “cảm ơn” mình. Từ đó dễ phát sinh tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người bệnh, người dân, doanh nghiệp.

Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, Bộ Y tế không phát hiện những vụ án tham nhũng, không phát hiện tình trạng tham nhũng vặt tại cơ quan hành chính nhà nước, không có đơn thư tố cáo về tình trạng nhũng nhiễu của công chức cơ quan Bộ Y tế với người dân.

img

Thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên y tế đã chuyển từ "bắt buộc" sang "tự nguyện, tự thi đua". Trong ảnh: Tiêm phòng tại TYT phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm). Ảnh: Diệu Linh. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, trên thực tế, vẫn có tình trạng công chức, viên chức trong ngành có những hành vi, thái độ chưa phù hợp, tình trạng nhũng nhiễu, quy trình xử lý công việc còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho người bệnh, người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, do tác động của nền kinh tế thị trường, mặt trái tiêu cực của xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của người cán bộ y tế, đâu đó vẫn còn một số biểu hiện, tư tưởng ban ơn, thiếu tinh thần trách nhiên, vô cảm trước nỗi đau của người bệnh. Cũng có cán bộ y tế bị cám dỗ bởi vật chất mà đi ngược lại với lương tâm nghề nghiệp hoặc chỉ chú tâm vào y thuật, kỹ thuật mà coi nhẹ đạo đức ngành y, đạo đức công vụ cư xử thiếu văn hóa với người bệnh và gia đình người bệnh.

Sau gần 5 năm thực hiện kế hoạch “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Bộ Y tế khẳng định, đến nay, hầu hết các cơ sở y tế từ trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, xã đã có sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy quản lý theo phương pháp tiếp cận, từ “phục vụ” sang “cung cấp dịch vụ”, thay đổi toàn diện về cơ sở vật chất, tinh thần thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện điều kiện cơ sở vệ sinh, môi trường xanh – sạch – đẹp.

img

Năm 2018 chỉ có 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải hối lộ nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn.

Đáng chú ý, theo Báo cáo chỉ số PAPI năm 2018, tình trạng cán bộ y tế vòi vĩnh, gây phiền hà với người bệnh đã giảm rõ rệt. Năm 2018 chỉ có 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải hối lộ nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn. Con số này ở năm 2017 là 9%, năm 2016 là 17%.

Tỉ lệ các cuộc gọi đường dây nóng giảm nhiều, tỉ lệ thư khen ngợi tăng lên, tỉ lệ hài lòng người bệnh với dịch vụ y tế công đạt trên 80%. Điểm nổi bật là trước đây, cán bộ y tế thực hiện các quy định trong tâm trạng bắt buộc thì nay đã tự nguyện, tự thi đua để giữ vững uy tín, danh dự cho đươn vị…

Đối với các đơn vị hành chính, có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề về linh vực chuyên ngành y, dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, y dược cổ truyền… công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn vì việc cấp giấy phép chất lượng sản phẩm cần có thời gian và phải có quy trình bắt buộc rất chặt chẽ.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng những nhiễu, tham nhũng vặt trong các cơ quan hành chính, Bộ Y tế đã thực hiện cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu qua. Các phòng trong Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế đã được sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm 35 phòng so với trước đó.

img

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, tham nhũng trong đấu thấu thuốc, vật tư y tế vẫn còn xảy ra.

Mặc dù luôn khẳng định không phát hiện nhũng nhiễu, tham nhũng vặt tại cơ quan hành chính nhà nước thuộc Bộ Y tế, tuy nhiên, vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực y tế được đánh giá là vẫn đang tồn tại khá phổ biến, ở hầu hết các lĩnh vực, vị trí. Vẫn còn một số cơ sở khám chữa bệnh thực hiện không đúng các chế độ thanh toán chi phí điều trị bảo hiểm y tế, lợi dụng chính sách miễn, giảm viện phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... để chi sai chế độ. Đặc biệt, tham nhũng lớn thường xảy ra trong khâu đấu thầu thuốc và vật tư y tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, đấu thầu trang thiết bị vật tư tiêu hao, bên cạnh việc thanh tra thì vấn đề quan trọng là phải xây dựng được kế hoạch, cấu hình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu làm sao công khai, minh bạch. Thế nhưng, hàng năm vẫn có một số nơi xảy ra khiếu kiện, thắc mắc, thậm chí là tố cáo sau đấu thầu.

Bà Tiến cũng cho biết, để thực hiện có hiệu quả Luật Luật Phòng, chống tham nhũng trong ngành Y, trước hết, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị... Đồng thời, cần phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng.