ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phần kiến nghị có nêu rõ: Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc chuyển hồ sơ nêu trên là để xử lý về mặt Đảng đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã mắc vi phạm, khuyết điểm trong vụ Thủ Thiêm; ở khía cạnh thứ hai, hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn làm được xuống cấp huyện nên trong vụ việc này đối với những cán bộ không phải diện Trung ương quản lý thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn có thể xem xét, xử lý cùng với những người trong diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Thủ Thiêm nhìn từ Quận 1 (TP.HCM -ảnh IT).
Theo ĐB Nhưỡng, việc kết luận vụ Thủ Thiêm, (TP.HCM) mới kết thúc ở giai đoạn thanh tra và bắt đầu của giai đoạn mới, đó là giai đoạn xem xét một cách đầy đủ, cụ thể các vấn đề đối với từng cá nhân, tổ chức để có hình thức xử lý phù hợp.
“Kết luận thanh tra chưa phải là giai đoạn kết thúc, còn cả quá trình dài để xử lý vụ việc Thủ Thiêm. Sau thanh tra bắt đầu giai đoạn để xem xét từng vấn đề, từng vi phạm đối với từng cá nhân, lượng hóa tất cả các hành vi và hậu quả pháp lý để từ đó đi đến kết luận cuối cùng là xử lý ở mức độ nào, đối với ai, xử lý về vấn đề gì. Như vậy, liên quan đến việc xử lý sai phạm trong vụ Thủ Thiêm còn phải mất nhiều thời gian, công tác Đảng cũng phải xử lý, chính quyền phải xử lý, vấn đề về mặt hành chính, hình sự (nếu có). Cho nên có thể ví kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm mới ở giai đoạn “đặt đầu bài” để bắt đầu vào giai đoạn xử lý”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vẫn theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, trong sai phạm của vụ Thủ Thiêm, hậu quả không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, uy tín, niềm tin…Do đó, sau kết luận thanh tra việc xử lý sai phạm phải được tiến hành một cách kịp thời, nghiêm minh để lấy lại niềm tin của người dân.
Trong kiến nghị về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ có nêu: “Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Theo ĐB Nhưỡng, câu đó rất mơ hồ, chưa cắt nghĩa rõ, làm cho người đọc có thể hiểu là lấy tiền để thay cho việc bị xử lý hình sự. Trong khi việc chi khoản tiền như kết luận thanh tra nêu là vi phạm, bởi vì nó còn liên quan đến các cơ hội đầu tư, lãi suất…
Xét theo các yếu tố cấu thành tội phạm trong vụ Thủ Thiêm thấy có chủ thể, có hành vi vi phạm pháp luật, có hậu quả, có tính nhân quả giữa hành vi và hậu quả nên đó là hành vi phạm pháp luật, Vụ việc này có thể chuyển hồ sơ luôn sang cho cơ quan điều tra, chứ không cần phải chờ tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả. Việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể miễn trách nhiệm cho hành vi vi phạm đã diễn ra.