“Trẻ hóa bệnh”
Theo PGS Bình, mức trung bình tuổi của người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 trên thế giới là 40 tuổi. Thậm chí, cách đây 30 năm, tìm được bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 40 tuổi là rất khó. Tuy nhiên hiện nay, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, thanh niên 15-20 tuổi đã mắc ĐTĐ, thậm chí có cả trẻ mới 9 tuổi đã mắc bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết T.Ư chăm sóc bệnh nhân bị biến chứng do bệnh đái tháo đường. Ảnh: Lê Mai
"ĐTĐ là bệnh mãn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó, nếu bệnh nhân tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ”. TS - BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết ĐTĐ |
PGS Bình cho biết, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc ĐTĐ tuýp 2 sống tại Hà Nội. Mới 9 tuổi nhưng em này đã nặng tới 100kg. Ngoài bệnh ĐTĐ, em còn bị mắc nhiều các bệnh mãn tính khác, khiến sức khỏe bị đe dọa.
Tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng thường xuyên bắt gặp các ca bệnh nhân ở tuổi 20-25. PGS-TS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc ghi nhận ở trẻ nhỏ 9-10 tuổi hoặc thanh niên mới 20-30 tuổi. “Bệnh ĐTĐ tuýp 2 gia tăng và trẻ hóa là do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý, stress làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa” - PGS Lương nói.
Theo PGS Lương, điều đặc biệt nghiêm trọng ở bệnh nhân ĐTĐ ở nước ta là thường đến viện muộn, triệu chứng nặng, chi phí điều trị lớn, nhiều người gặp các biến chứng như mù lòa, cắt cụt chi, tử vong.
Nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho thấy, bệnh ĐTĐ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến ĐTĐ, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.
Theo PGS Bình, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân ĐTĐ cao nhất thế giới, với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước, mới chỉ có 29% người bệnh bị ĐTĐ được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015, số chưa được quản lý là 71%.
Mất mạng vì tự ý điều trị
“Bệnh ĐTĐ cần được phát hiện sớm và đến cơ sở y tế điều trị theo phác đồ đúng. Tuy nhiên, do quá trình điều trị dài, tốn kém, không ít bệnh nhân tự ý mua thuốc theo lời mách của bạn bè, mua thuốc ở thày lang băm, nên đã gặp nguy hiểm đến tính mạng” – PGS Bình nói.
Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân V.T.H.N (63 tuổi, trú tại Hà Nội), được chuyển đến từ Bệnh viện 354 trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng nghi do ngộ độc phenformin (một thuốc đã bị cấm 40 năm nay). Bệnh nhân đã được điều trị tích cực để duy trì sự sống hoàn toàn nhờ máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục. Dù đã được cứu chữa bằng tất cả các biện pháp hiện đại, nhưng bệnh nhân đã tử vong.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử ĐTĐ cách đây 3 năm, nhưng không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ, mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”, mỗi ngày uống 8 viên. Sau một thời gian, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, đau bụng, nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây, khoa liên tục tiếp nhận 5 bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý dùng thuốc “tiểu đường hoàn” để điều trị bệnh ĐTĐ, 4 trong số 5 bệnh nhân trên đã tử vong. Các bệnh nhân trên đều vào viện trong một bệnh cảnh giống nhau: Đau bụng, mệt mỏi, nhập viện trong tình trạng sốc, suy đa tạng diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao.
“Các bệnh nhân đều có tiền sử ĐTĐ nhiều năm, nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà tự điều trị bằng viên “tiểu đường hoàn” - màu xanh hoặc màu đỏ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, được bán tràn lan, mua rất dễ. Tất cả bệnh nhân đều có chung chẩn đoán: Toan chuyển hóa do ngộ độc Phenformin. Kết quả xét nghiệm các viên thuốc “tiểu đường hoàn” mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với Phenformin” - PGS Cơ cho biết.
TS - BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết ĐTĐ (Bệnh viện Bạch Mai), Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết, nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người, nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, không ít lang băm đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.