Mỹ-Iran liên tục khẩu chiến liên quan đến JCPOA
Sau cuộc họp của các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ tuyên bố rút năm ngoái, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Sáu (28/6) rằng Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) "đã được vận hành và cho phép tất cả các thành viên EU sử dụng. Các giao dịch đầu tiên đang được xử lý". EU cam kết sẽ tăng tốc "hợp tác với thực thể Iran tương ứng (STFI)".
Trước đó, trong lần đầu tiên tuyên bố thành lập hệ thống INSTEX vào tháng 1, EU cho biết họ sẽ "tập trung ban đầu vào các lĩnh vực thiết yếu nhất đối với người dân Iran - như dược phẩm, thiết bị y tế và thực phẩm nông nghiệp", cách xa dòng chảy của thương mại nước ngoài được hứa hẹn bởi JCPOA.
Động thái trên của EU được đưa ra khi Iran cảnh báo sẽ sớm bắt đầu làm giàu uranium vượt quá giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhằm đáp trả việc EU, Pháp, Đức và Vương quốc Anh không bình thường hóa quan hệ thương mại với nước này trước nguy cơ trừng phạt của Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi mô tả cuộc họp giữa các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là "tích cực" và là "một bước tiến", nhưng tuyên bố rằng "động thái này vẫn chưa đủ và vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của Iran". Cuối cùng, ông nhấn mạnh, Tehran sẽ đưa ra quyết định cuối.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được chính thức gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), là sản phẩm của chính sách ngoại giao rộng rãi giữa Mỹ và Iran - vốn không có quan hệ chính thức kể từ khi Cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ quân chủ được phương Tây hậu thuẫn vào năm 1979 - cũng như Trung Quốc, EU, Pháp, Đức, Nga và Anh. Theo các điều khoản, Iran đã đồng ý hạn chế đáng kể các hoạt động hạt nhân của họ để đổi lấy việc giảm trừ các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Mặc dù thỏa thuận này phần lớn được cộng đồng quốc tế ca ngợi, nhưng nó đã bị phe Cộng hòa Mỹ phản đối rộng rãi, bao gồm cả Tổng thống Trump, bên cạnh một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, như Israel, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tất cả họ đều chỉ trích thỏa thuận không để hạn chế khả năng hạt nhân của Iran.
Iran luôn phủ nhận rằng họ tìm kiếm vũ khí hạt nhân và chương trình của họ rõ ràng là vì mục đích hòa bình. Mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế liên tục xác minh sự tuân thủ của Teheran với thỏa thuận này, Trump đã đơn phương rút Washington ra khỏi thỏa thuận vào năm 2018, tạo ra một vòng căng thẳng mới giữa 2 quốc gia đối thủ lâu năm.
Chính quyền Trump kể từ đó đã tham gia vào một chiến dịch gây "áp lực tối đa" được thiết kế để cắt đứt quan hệ thương mại nước ngoài của Iran và đặc biệt là khả năng xuất khẩu dầu của nước này. Các quan chức Mỹ đã đe dọa ngay cả các đối tác châu Âu của họ, kêu gọi châu Âu từ bỏ làm ăn với Cộng hòa Hồi giáo hoặc đối mặt với các biện pháp kinh tế trừng phạt.
Trong khi đó, Mỹ đã tăng gấp đôi các lệnh trừng phạt Iran và gửi thêm tài sản quân sự đến Trung Đông trong bối cảnh Washington tuyên bố quan ngại về mối đe dọa cao đối với lợi ích khu vực của họ do Iran và các đồng minh của nước này đặt ra. Mỹ cũng đã đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công gần đây nhắm vào các tàu chở dầu ở Vịnh Oman bất chấp sự phản đối từ Tehran.