Dân Việt

Người mẹ 100 tuổi mất con lại có nhiều con

07/02/2012 17:17 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm chính quyền địa phương tổ chức mừng đại thọ 100 tuổi của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vĩnh (ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, Long An) rất đông bà con, họ hàng đến chia vui...

Cả nhà làm cách mạng

Năm 19 tuổi, cô thôn nữ Nguyễn Thị Vĩnh (còn gọi Hai Vĩnh) lấy chồng là Nguyễn Văn Tài. Hai vợ chồng sinh 11 người con, tất cả đều do một tay má Hai Vĩnh nuôi dạy để chồng an tâm hoạt động cách mạng. Cứ nuôi đứa nào lớn, má lại cho con vào chiến khu với cha, cùng cha làm cách mạng. Năm 1960, sau khi đưa 6 đứa con đã trưởng thành vô căn cứ với chồng, má bế 5 đứa con còn nhỏ vào vùng giải phóng để thoát khỏi sự kìm kẹp của địch và tham gia cách mạng.

img
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Vĩnh trong lễ mừng thọ 100 tuổi.

Tháng 12.1962, anh Nguyễn Văn Tích - người con thứ tư của má hy sinh. “Má lặng người khi nhận được tin con hy sinh, nhưng vì cách mạng, vì Tổ quốc nên má vẫn bình tĩnh chấp nhận!..” - má Vĩnh xúc động nói. 5 năm sau ngày anh Tích hy sinh, 5 người con còn lại của má trong chiến khu, theo thứ tự: Ba Ty, Năm Hân, Sáu Phúi, Bảy Khuya (nữ), Hai Mãnh cũng lần lượt hy sinh. Chỉ riêng năm 1968, cùng lúc 3 người con của má dũng cảm ngã xuống trên các chiến trường chống Mỹ.

Đến tháng 3.1973, ông Nguyễn Văn Tài - Chủ tịch Nông hội huyện Bến Lức hy sinh trong trận chống càn không cân sức ngay tại căn cứ cơ quan huyện Hội bên bờ con kinh cách nhà không xa. Mấy tháng sau, con rể của má cũng bị địch sát hại dã man bằng cách cắt đầu treo ở cổng chợ xã để khủng bố tinh thần nông dân. “Bữa ấy, má đi chợ biết đầu con bị treo ở cổng chợ, má phải che mặt ngụy trang để thoát thật nhanh khỏi chợ, không dám lại gần nhìn mặt con vì địch đang lăm lăm súng đạn chờ “con Việt cộng” Hai Vĩnh!”- má Vĩnh nhớ lại.

Mất con lại có nhiều con

Tại lễ mừng đại thọ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Vĩnh, ông Phạm Thanh Phong - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An không kìm được những giọt nước mắt, kể lại: “Từ 1962, tôi và anh Ba Ty ở chiến khu đi đâu cũng có nhau. Hễ má tiếp tế cho Ba Ty thứ gì đều cho tôi thứ nấy, má tự tay chia phần bằng nhau cho hai chúng tôi”.

Theo lời ông Phong, năm 1967 má về nhà cũ trong ấp chiến lược nắm tình hình quần chúng và âm mưu của giặc để cung cấp tin cho cách mạng. Đêm ấy ông tìm về nhà má và kêu cửa, má không dám mở. Đến khi nhận ra giọng nói của ông, má mới mở cửa rồi ôm lấy ông thút thít khóc. “Má nói thấy tôi như thấy Ba Ty con má. Ba Ty hy sinh rồi, từ nay tôi thay Ba Ty làm con thứ ba của má...” - ông Phong kể.

img Ngày tôi được làm con nuôi của má Hai, các con còn lại của má tôn tôi làm anh cả để má vui. Má coi tôi như Ba Tỵ - người con ruột đã hy sinh của mình. img

Kể từ đó, trong chiến tranh cũng như sau ngày miền Nam giải phóng, ông Phạm Thanh Phong luôn làm tròn trách nhiệm người con của má, đồng thời là anh cả của những người con còn lại của má. Không chỉ ông Phong được má Vĩnh nhận làm con nuôi, nhiều cán bộ thời kháng chiến được má nuôi giấu, cưu mang cũng tôn má làm má nuôi của mình. Không chỉ đưa chồng, con đi cách mạng, má còn làm giao liên, mật báo, lúc nắm tình hình địch, lúc đội gạo, thuốc men tiếp tế cho cách mạng.

Năm 1994, bà Nguyễn Thị Vĩnh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Cùng thời điểm, má chồng của bà là cụ Lê Thị Quý và má ruột của bà là Phạm Thị Nguyên, mỗi người có 3-4 con hy sinh cũng được truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH.