Dân Việt

Truyện dự thi: Lão gù

 Đỗ Xuân Thu 01/07/2019 07:00 GMT+7
Tin lão Gù qua đời loang nhanh ra khắp làng Cổ Cò. Trống làng chưa báo vậy mà sớm ra gần như cả làng đều đã biết tin này. Nhà nọ hỏi nhà kia. “Lão Gù mất tối qua rồi đấy, bên ấy biết chưa?”. “Thế hả? Bà Tịch cũng vừa báo tôi xong”. “Tí nữa đi đám ới tôi câu để đi cùng nha”. “Đến sớm tí bà ạ”. Những người đi chợ sớm cũng kháo nhau. Người ta còn điện thoại cho nhau thông báo tin lão Gù mất. Hầu như không ai là không quan tâm đến tin này.

Mới bảnh mắt bà tôi đã giục: “Dậy! Dậy đi con! Dậy sớm sang đám xem có việc gì còn làm chứ”. Tôi vùng vằng ứ hự: “Để con ngủ thêm tí đã. Chủ nhật mà bà. Đêm qua, bà con mình đã ở đó rồi”. “Không được - bà tôi dứt khoát - Mình là hàng xóm, phải có mặt sớm không dân làng người ta cười cho. Nhanh lên con!”. Vừa nói bà vừa kiên quyết dựng tôi dậy.

Tôi uể oải, vươn vai ngồi giụi mắt. Đúng là sáng bạch nhật thật rồi. Vừa lúc đó trống làng vang lên. Ba hồi chín tiếng. Trống báo làng có người chết. Tôi lập tức tỉnh ngủ. Vội vàng, thò chân xuống đất tìm dép, tôi chạy đi vệ sinh. Như sực nhớ ra điều gì, bà tôi đến bên chiếc điện thoại. Nhấc tổ hợp lên, bấm số, bà nói oang oang: “A-lô! Bố thằng Quân hả? Về ngay nha. Cụ Gù mất rồi. Đêm qua. Ờ. Chắc phải mai mới đưa. Thế nha. Giờ bà cháu tôi sẽ sang đó. Anh chị nhớ về sớm nha!”.

img

Nhà tôi ở trên phố. Lẽ ra tôi cũng ở đó. Thế nhưng, dưới quê này chỉ còn mỗi một mình bà. Dạo trước, ông tôi còn sống thì hai ông bà ở với nhau. Khi ông mất, bố tôi đã nhiều lần về đón bà lên phố ở nhưng bà dứt khoát không đi. Bà bảo phải ở cái làng Cổ Cò này để trông nom mồ mả tổ tiên, trông nom phần mộ của ông. Bà không quen ở phố. Mà có quen đi chăng nữa bà cũng không ở. Chôn nhau cắt rốn ở đây, tổ tiên dòng họ đều ở cả đây, đi sao được? Thế nên, hơn năm tuổi, tôi đã được bố mẹ cho về ở với bà. Vừa để bà vui, vừa trông nom bà sớm tối. Trách nhiệm phết ấy chứ. Điều này, tôi mới nhận thức ra mấy năm gần đây. Lớn rồi nên tôi cũng hiểu biết đôi chút. Thì mười hai, mười ba tuổi rồi còn gì. Hương đồng gió nội đã ngấm vào máu thịt tôi. Tôi trở thành người làng Cổ Cò đúng như bố tôi ngày xưa tự khi nào tôi cũng chẳng biết.

Ông Gù ốm gần tháng nay. Bệnh suyễn làm khổ ông. Mỗi cơn hen, ông so vai rụt cổ thở dốc, trông tội lắm. Ngày nào bà tôi cũng đảo qua bên đó vài lượt. Lúc thì nấu nồi cháo cho ông. Lúc lại sắc thuốc cho ông ấy uống. Rõ khổ. Đã độc thân lại còn ốm. Họ hàng thân thích ông ấy nào có ai? Giá bảo trẻ còn đỡ. Đằng này ông ấy cũng hơn bảy chục tuổi rồi. Đã thế, lại còn bị dị tật nữa chứ. Lưng ông có một cục bướu to tướng. Cảm giác nó như một trái núi đè nặng lên lưng, làm cho lưng ông còng xuống cúi mặt nhìn đất suốt đời. Khi nói chuyện với ai, ngay cả đứa trẻ con như tôi, ông ấy cũng phải ngửa mặt, ngước mắt lên để nói. Thương lắm.

Ông Gù cũng có họ tên như bao người khác. Hình như là Cao Văn Nghiêu thì phải. Tôi nói hình như vì, thứ nhất, tôi còn nhỏ tuổi không rõ lai lịch về ông ấy. Tôi chỉ nghe đôi ba lần bà tôi kể về ông ấy có nhắc đến cái tên đó. Thế thôi. Thứ hai, cả làng Cổ Cò này cũng không ai gọi tên ông ấy bao giờ. Lúc ông ấy trẻ thì mọi người gọi là anh Gù. Người già trong làng, cả những kẻ xem thường ông ấy nữa, thậm chí còn gọi ông là thằng Gù. Khoảng bốn mươi tuổi trở đi thì ông ấy đã được phong lão, gọi là lão Gù. Càng về sau, lão Gù càng được người ta gọi nhiều hơn. Gọi thế chẳng sợ làm mếch lòng ông ấy. Vừa dân giã lại vừa tôn trọng, đúng độ. Già gọi cũng được mà trẻ gọi cũng ổn. Rất phổ thông. Chẳng ai trong làng còn nhớ đến tên thật của ông ấy nữa, huống hồ tôi. May ra chỉ có mấy ông cán bộ xã, cán bộ thôn và cả bà tôi nữa, trong những vụ việc cụ thể là còn nhớ.

Bà tôi kể rằng ông Gù không phải người làng Cổ Cò. Chẳng biết ông ấy trôi dạt từ đâu đến và đến từ bao giờ. Chỉ có cán bộ xã là nắm rõ. Đâu như hồi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc thì phải. Ngày đó, bỗng dưng một hôm, chợ Đầu Cầu của làng xuất hiện một anh gù. Anh ta ngơ ngơ ngác ngác đứng giữa chợ trong tiếng máy bay gầm rú trên trời. Dân quân xã thấy thế vội giữ anh ta lại rồi dẫn giải về trụ sở. Họ nghi anh này làm gián điệp cho Mỹ. Công an xã hỏi gì anh ta cũng lắc đầu, chỉ xua tay ú ớ: “Ba không”. Mãi đến khi ông Thạc trưởng công an xã lấy cái còng số tám ra dọa, anh ta mới rút tờ giấy nhàu nhĩ trong túi áo ra. Hai tay anh khúm núm đưa tờ giấy cho ông Thạc. Đôi mắt ông Thạc nhìn thẳng mặt anh gù và cầm lấy tờ giấy. Thì ra đó là tờ giấy thông hành. “Anh là Cao Văn Nghiêu?”, ông Thạc hỏi. “Vâng ạ”. “Anh ở dưới Hà Tây?”. “Vâng ạ!”. Mới hỏi đáp được hai câu đó thì anh gù òa khóc nức nở. Mọi người ngạc nhiên. Lát sau, trấn tĩnh lại anh ta kể rằng: làng anh bị bom B52 Mỹ san phẳng. Nhà cửa tan nát. Người chết quá nhiều. Bố mẹ và các em anh không kịp đi sơ tán đã bị vùi lấp trong đống đổ nát đó. Họ hàng thân thiết không còn ai. Nhà anh người lành thì chết hết. Trong khi đó thằng gù như anh thì lại sống nhơn nhơn. Anh hoảng loạn không còn biết gì nữa. Kể đến đó anh ta lại khóc rống lên như trẻ con. “Cháu lang thang quên quên nhớ nhớ trôi dạt lên đây. Xin các ông ủy ban và dân làng rộng lượng cho tá túc”. Và thế là ông ấy ở đây cho đến tận bây giờ. Chỉ cán bộ xã và một số người trong làng biết chuyện này thôi cháu ạ.

Ra vậy, ông Gù là người dưới xuôi cơ đấy. Thảo nào trông ông ta trắng trẻo thư sinh lắm. Khuôn mặt ông hiền khô. Đôi mắt sáng, lanh lợi. Nhìn kỹ mới thấy ánh buồn thăm thẳm xa xăm. Nhất là những lúc ông ấy ngồi tư lự. Hai cánh tay ông Gù có vẻ khác người. Hình như nó dài hơn thì phải. Khi ông ấy đứng, bàn tay ông thõng xuống quá đầu gối. Đã đành, ông ấy gù thì phải vậy nhưng so với người thường thì như vậy nó vẫn cứ dài hơn. Chân tay ông ấy nghều ngào như con vượn. Đặc biệt, mười ngón tay của ông thì đẹp vô cùng. Nó thon dài như búp măng. Chả thế mà ông chơi đàn bầu, đàn guitar thì thôi rồi. Cánh thanh niên và trẻ trâu chúng tôi ngồi ngắm ông chơi đàn là quên hết mọi chuyện. Ông vừa tỉa đàn vừa hát, nghe mê ly. Gì chứ nhạc Trịnh và dân ca thì tôi có thể nghe ông đàn hát cả ngày được. Chính nhờ tài lẻ này mà những năm tháng đầu đến đây, ông đã sống bằng tiếng đàn, lời hát đó ở chợ. Mặc máy bay rình rập gầm rú, mặc đạn nổ, bom rơi, ông cứ ôm đàn ngồi giữa chợ mà hát. Lúc đầu là vừa gảy đàn bầu vừa hát. Sau rồi có tiền, ông gù mua thêm cây đàn guitar. Hai cây đàn thay nhau từng tưng cùng ông hát. Người ta thương ông, cho ông những đồng tiền lẻ, rồi củ khoai, củ sắn, tấm bánh cái kẹo. Ngày ông đàn hát, tối ông vạ vật trong những túp lều ở chợ. Qua ngày, đoạn tháng cứ thế ông bám lấy chợ mà sống.

Chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế. Chợ Đầu Cầu cũng được cải tạo, nâng cấp. Hàng quán mọc lên. Dãy nào vào dãy đó. Không còn chỗ cho ông Nghiêu gù hát nữa. Người ta đã bố trí cho ông chân quản trang trông coi nghĩa địa. Làng làm cho ông cái túp lều cạnh đó để ở. Đồng thời giao luôn khu đất khá rộng ở bãi tha ma cho ông cấy cày canh tác. Nhiệm vụ của ông là cắt đặt vị trí mả mới khu hung táng, quản lý sắp xếp việc cải mả, xây mồ khu cát táng theo quy hoạch. Làm sao mả mới thì an toàn, không bị trâu bò dẫm phá; mộ xây khu cát táng thì đúng quy cách, thẳng hàng lối, không cái nào được to hơn cái nào. Mỗi vụ hợp tác xã trả cho ông hai tạ rưỡi thóc. Cộng số hoa lợi thu được trên khu đất trống cũng khiến cho cuộc sống của ông khá ổn định. Tính ông cần cù, chịu khó nên chẳng bao giờ ông thiếu đói cả. Ông sống cạnh người chết, lấy mồ mả làm bầu bạn và chính thức trở thành công dân làng Cổ Cò. Ông bằng lòng với cuộc sống đó và biết ơn dân làng nhiều lắm. Hễ nhà ai có công to việc lớn gì ông đều đến hỏi han, giúp đỡ. Người thì ông giúp gạo, giúp tiền. Người thì ông hỏi thăm chia sẻ. Tuy nhiên, không bao giờ ông đến lúc chính việc. Thường là ông đến trước hoặc đến sau. Có lẽ, ông tự ti mặc cảm về cái lưng gù dị tật của mình.

Hồi tôi mới về làng, theo lũ trẻ đi chăn trâu, lên khu nghĩa địa gặp ông Gù, nhìn thấy ông tôi sợ quá. Trông ông thật dị hợm. Người đâu lại có cái lưng kỳ quặc đến vậy. Mới đầu, tôi cứ tưởng ông đeo ba lô. Sau lại gần hóa ra là không phải. Nhìn ông, tôi cứ nem nép đi sau mấy đứa bạn. Đã thế, cạnh ông còn có con chó to như con bê nữa đứng cùng. Mắt nó lơ láo. Đầu nó nghển lên ngó nghiêng tứ phía như canh chừng. Miệng nó hít hít ngửi ngửi cảnh giác. Kiểu này nó mà phi một phát chồm lên vồ ai đó thì chỉ có chết. Vậy mà mấy thằng bạn trẻ trâu của tôi vẫn cứ vô tư cười đùa cùng ông Gù và còn trêu cả con chó nữa.

Về sau, tôi cũng quen dần. Chúng tôi lấy ngôi nhà của ông Gù làm chỗ đàn đúm. Gọi là nhà cho nó sang chứ thực ra nó chỉ là cái túp lều che nắng tránh mưa thôi. Trong lúc lũ trâu ung dung gặm cỏ thì chúng tôi bày trò chơi trận giả. Mả mới, mả cũ là chỗ ẩn nấp lý tưởng để bọn tôi “bắn” nhau. Chẳng đứa nào sợ ma cả. Tôi cũng thế. Lúc đầu cũng run lắm. Sau rồi thấy chúng nó ầm ào xung phong “bùm” “đoàng”, tôi cũng quên béng đi luôn. Cũng lăn lê, ẩn náu. Cũng “pằng pằng” tấn công. Chỉ đêm về hình dung lại khu mồ mả mới sợ. Vậy mà hôm sau gặp nhau tôi lại “chiến đấu” vô tư. Ông Gù luôn nhắc chúng tôi không được nghịch bậy trên những ngôi mộ. Đứa nào léng phéng ông dọa sẽ gọi ma, huých chó xử lý ngay. Thằng nào thằng ấy sợ vái đái.

Chán trò trận giả, chúng tôi kéo vào nhà ông Gù hòa giải. Thực ra là xem có củ khoai, củ sắn nào để ăn. Đùa giãy nhiều nên chúng tôi nhanh đói. Hình như ông Gù cũng biết điều này. Cho nên, ngày nào ông cũng chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn gì đó. Hôm thì rổ sắn luộc, hôm lại rá khoai lang. Lúc khác thì nải chuối. Có hôm còn có cả bưởi, quýt, cam, chanh nữa. Toàn những thứ trong vườn trại của ông cả. Chúng tôi tranh giành nhau, ăn vô tư. Sau đó thì quây quần nghe ông kể chuyện hoặc chơi đàn. Chuyện ma, chuyện cổ tích, chuyện đánh Mỹ. Chuyện nào cũng thích. Tôi rất sợ ma nhưng lại rất thích nghe chuyện ma. Thế mới lạ. Nhưng thích nhất vẫn là nghe ông đàn hát. Khi đó, mặc dù người ông co quắp cuộn lấy cây đàn, chỉ thấy lưng là lưng nhưng nhìn ông phiêu lắm. Đàn bầu thánh thót, guitar bập bùng. Tiếng hát ông khi thì não nề sâu lắng, lúc lại hào sảng vút lên. Đôi mắt ông xa xăm vời vợi. Hình như ông quên có bọn trẻ con chúng tôi ở đó. Trong lúc ông đàn hát, con vện nghiêng đầu vểnh tai. Nó vừa nghe vừa nhìn ra xung quanh. Nắng gió sớm mai, dưới gốc đa rợp bóng, cạnh túp lều tranh, nhìn cảnh ông cháu chúng tôi quây quần bên nhau thả hồn theo tiếng đàn lời hát thì không ai nghĩ đó là khu nghĩa địa cả. 

Một đêm, học xong bài, tôi leo lên giường ôm bà ngủ. Vừa thiu thiu chợp mắt thì tiếng đàn bầu từ nhà ông Gù vọng tới. Tôi nằm yên chăm chú lắng nghe. “Thương nhớ ở…ơ ai… sao rơi… đêm sắp tàn…í i… trăng tà. Người ra đi có nhớ…”. Tôi vỗ vỗ vào vai bà: “Bèo dạt mây trôi” bà ơi!”. “Ừ. Bà biết rồi. Nằm yên nghe đi con?”. Nghe lời bà, tôi nằm im không nhúc nhích. Tiếng đàn bầu đêm khuya nghe rõ mồn một. Từng nốt, từng nốt… thánh thót vang lên. Những giọt nhớ, giọt thương cứ lặng lẽ nhỏ xuống tan vào không gian loang xa. Không nghe thấy tiếng ông Gù hát. Chỉ tiếng đàn thôi mà tôi như nghe rõ cả tiếng lòng ông vậy. Bà tôi khe khẽ hát theo. “Một mảnh trăng treo suốt năm canh. Anh ơi… trăng đã ngả ngang đầu…”. Đôi mắt tôi chong chong thả hồn theo câu hát. Mãi tới khi tiếng đàn dứt, tôi mới dám hỏi bà: “Bà ơi! Ông Gù đàn hay quá bà nhỉ?”. “Ừ. Hay nhưng mà buồn cháu ạ”. “Ông ấy ở một mình sao không lấy vợ hả bà?”. “Cái số ông ấy thế. Thôi. Cháu ngủ đi, mai dậy sớm còn đi học. Lớn lên rồi cháu sẽ hiểu”. Bà tôi gạt đi rồi vỗ về cho tôi ngủ. Biết không thể hỏi gì thêm ở bà, cộng với cơn buồn ngủ ập tới, tôi thiu thiu chợp mắt rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Chuyện vợ con của ông Gù và vì sao ông Gù lại sống độc thân vậy mãi gần đây tôi mới rõ phần nào. Thứ nhất là ông Gù mặc cảm cho hình dạng kỳ quái của mình, lại không quê hương, thân thích nên ông không dám nghĩ tới chuyện vợ con. Thứ hai là ông ấy đã lỡ dở một mối tình, bị người tình chạy trốn nên ông càng đoạn tuyệt với phụ nữ. Tôi nghe dân làng xì xào bàn tán nên mới biết. Mặc dù lưng gù như vậy nhưng với tài lẻ của mình, hồi trẻ, khi ở chợ, anh Nghiêu cũng được rất nhiều cô gái để ý tới. Thời kỳ đó, thanh niên trai tráng ở làng khá hiếm. Họ ra trận cả. Chỉ những anh đui què, mẻ sứt không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ mới ở lại làng. Anh gù nằm trong số đó. Hơn những người cùng cảnh khác, anh Gù có tài đàn hát. Mà đàn hát thì dễ đi thẳng vào trái tim, vào lòng người. Nhiều cô gái đi chợ chỉ để xem và nghe anh Gù đàn hát. Thế rồi nhớ, rồi thương, rồi yêu lúc nào cũng chẳng biết. Khi đã thương yêu rồi thì cái lưng gù ấy có là gì đâu. Đàn ông chứ có phải phụ nữ đâu mà cần phải làm đẹp? Hơn nữa lại là trai thời loạn. Thế nên, anh Gù được nhiều cô gái để ý lắm. Trong số đó có bà của tôi. 

Bà tôi không phải người làng Cổ Cò. Bà ở làng dưới, xã bên. Cũng như bao gái làng ngày đó, bà tôi cũng cấy hái, chạy chợ, cũng ra chợ và cũng gặp anh Gù. Điều đó là tất nhiên. Nghe tiếng đàn lời hát của anh Gù, bà tôi cảm tình ngay. Tính bà tôi vậy, rất nhạy cảm, lãng mạn. Bà năng đi chợ hơn. Rồi cái gì đến đã đến. Bỏ qua hình dạng xấu xí của anh, bà tôi lân la làm quen. Hai người cảm thông chia sẻ giúp đỡ nhau ở chợ. Anh Gù giữ chỗ bán hàng, quét dọn, bưng bê rau củ, phụ việc cho bà tôi. Dị tật vậy mà anh ấy nhanh nhẹn lắm. Ngược lại, cứ có gì ngon bà tôi lại phần anh Gù. Những hôm đột xuất mưa gió, hai người nép vào nhau trú mưa trong cái quán giữa chợ. Và thế là lửa tình bén lên, âm ỉ cháy trong lòng mỗi người.

Chuyện bà tôi phải lòng anh Gù đến tai cụ ngoại tôi. Cụ kiên quyết gọi bà tôi về, cấm tiệt không cho bà tôi đi chợ nữa. Cụ bảo lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Thằng Gù ấy giống nó đã chẳng ra gì, họ hàng anh em nó lại không có ai, sao có thể trao thân gửi phận được? Cắt! Cắt ngay! Nếu không, tao từ mặt mày, không bố con gì cả. Cụ ông đã vậy. Cụ bà cũng thế. Rồi cả họ xúm vào dứt khoát lôi bà tôi ra khỏi anh Gù. Sau đó, bà tôi được gả cho ông tôi bên làng Cổ Cò. Ông là thương binh vừa giải ngũ về. Oái oăm thay, nhà ông tôi lại gần khu nghĩa trang làng, cách nhà ông Gù đúng một tràn ruộng. Vậy là, thi thoảng hai người vẫn gặp nhau. Ông tôi cũng láng máng biết về mối tình của bà nhưng cho qua. Thằng Gù ấy sao sánh với ta được? Ông tôi đã nghĩ vậy. Còn bà tôi cũng yên phận với duyên số của mình. Thương ông Gù lắm bà cũng chỉ dám đứng nhìn từ xa và thở dài. Từ đó trở đi, không thấy ông Gù để ý tới người phụ nữ nào nữa. Ông sống lặng lẽ, khiêm nhường trên khu nghĩa trang của làng.

Chuyện tình của bà tôi với ông Gù, tôi cũng chỉ nắm sơ sơ như vậy. Phần vì tôi quá nhỏ tuổi để hiểu chuyện người lớn, phần vì ham chơi, học hành đã cuốn hút tôi. Từ ngày ông tôi mất, tôi về ở với bà. Tôi thấy bà tôi quan tâm chăm sóc ông Gù nhiều hơn. Mặt khác, thấy ông Gù lại hiền lành, chịu khó, rất yêu quý trẻ con thì tôi cũng yêu mến ông ấy, coi ông ấy như người nhà. Tôi không sợ cái lưng gù của ông ấy nữa. Nhiều trưa hè nắng oi hay những ngày đông giá buốt tôi thường trốn bà lên với ông. Mùa hè thì hóng gió mát. Mùa đông thì kiếm củi đốt lửa sưởi. Hai ông cháu ríu rít bên nhau. Tôi rất thích đàn sáo, cứ lân la bên cây đàn. Có lần tôi trộm ông lấy cây đàn gảy thử. Đàn bầu kêu ong ỏng. Đàn guitar thì phừng phừng. Ông Gù ở đâu về thấy vậy nói: “Thích hả? Thích thì ông dạy cho mà đàn”. Tôi giật mình hốt hoảng. Thế nhưng, khi nghe ông nói vậy, tôi lập tức mừng rơn reo lên: “Vâng. Ông dạy cháu đàn nhé. Cháu thích đàn lắm ông ạ”. Và thế là tôi được ông chỉ cho cách cầm đàn, cách bấm nốt và cách gảy. Cây guitar to hơn cả người tôi. Ngón tay tôi với mãi cũng không bấm được phím đàn. Chỉ có cây đàn bầu là còn khả dĩ. Dần dần tôi cũng vọc vạch từng tưng như ai.

Trước tháng ông Gù nằm liệt giường, ông hay ôm guitar chơi bài “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn. Ông đàn, ông hát nghe thương lắm. Bà tôi cứ ngẩn người ra thở dài mỗi khi nghe ông đàn. “Rõ khổ. Sao mà day dứt da diết thế!”. Bà kể, ngày trước ở chợ cũng vì những bản nhạc của Trịnh Công Sơn này mà ông ấy bị xã gọi làm kiểm điểm đấy. Dạo đó, người ta cho những bài hát này là nhạc vàng ủy mị, không hợp với không khí cả nước ra trận. Vì vậy cấm tiệt. Ông Gù làm kiểm điểm cam kết không đàn hát những bài như thế nữa. Ông chuyển sang hát dân ca và những bài ca cách mạng. Những năm gần đây, không khí đổi mới, văn nghệ đi vào thân phận con người, nói về cái tôi bản thể để từ đó hướng tới cái ta toàn cục tốt đẹp hơn thì những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nói riêng và các tác phẩm văn học nghệ thuật ngày trước bị cấm nói chung mới có chỗ đứng trở lại. Ông Gù thoải mái đàn hát. Đêm nào cũng vậy, tiếng guitar của ông tỉa những bài hát Trịnh Công Sơn lại bập bùng vang lên. Nghe ông đàn hát, tôi thấy yêu mến cuộc đời này hơn, học hành cũng thấy hứng thú hơn. Đặc biệt, những lúc tôi ôm đàn học nhạc thì cứ ngỡ mình đã lớn lắm rồi vậy. Thế mà bây giờ, ông Gù đã vội vã bỏ tôi mà đi!

Đúng là như có điềm báo trước. Cả tuần nay, lãnh đạo thôn cùng bà tôi thường xuyên tới nhà ông Gù. Ông mệt mỏi nằm trên giường, nghẹn ngào nhìn người tới thăm. Sáng hôm kia, đột nhiên ông tỉnh táo, nhanh nhẹn hẳn. Ông ngồi dậy pha nước mời cánh ông Huy trưởng thôn, bà Hoa chi hội phụ nữ. Bà tôi xăng xái phụ giúp ông. Khi mọi người uống xong chén trà nóng, ông Gù cười cười nói: “Nếu tôi có mệnh hệ gì xin nhờ các ông, các bà trong thôn giúp đỡ nha”. Ông Huy tròn mắt nhìn ông Gù rồi nói: “Cụ đừng nói gở. Còn lâu cụ mới đi. Cứ vui vẻ vô tư qua cái đận này là lại ngon ngay thôi cụ ạ”. “Ấy là tôi cứ nói sẵn thế”, ông Gù nhẹ nhàng đáp lại. Sau đó, ông với cây guitar treo trên tường xuống ôm đàn và cất tiếng hát. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”. Tất cả mấy người lúc đó đều bàng hoàng. Không quan tâm đến xung quanh, ông Gù càng đàn hát càng phấn khích. Bà tôi đăm đắm nhìn ông. Đôi mắt bà ngân ngấn nước. Khi ông Gù hát xong, ông Huy, bà Hoa cùng vỗ tay. “Đấy. Tôi đã bảo mà. Cụ sẽ khỏe lại như cũ. Đúng không?”, ông Huy nói. Ông Gù dựng cây đàn lên và nói: “Hy vọng như thế các ông các bà ạ. Tuy nhiên, có gì tôi vẫn phải nhờ các ông các bà đấy”.

Cả ngày qua, bà tôi ở bên ông Gù. Chỉ lúc trưa bà tạt qua về nhà cho tôi ăn cơm xong rồi bà lại sang với ông ấy. Khác với mọi ngày, mãi lên đèn rồi mà bà tôi vẫn chưa về. Tôi sốt ruột lắm. Cơm tôi đã nấu xong chỉ chờ bà về là ăn. Vậy mà càng chờ càng không thấy bà. Mãi hơn bảy giờ tối, bà tôi lật đật chạy về. Bà nói ngay: “Ông Gù vừa đi rồi cháu ạ”. “Đi đâu hả bà? Sao ông ấy lại đi vào lúc tối này?”, tôi hồn nhiên hỏi lại. “Ông ấy mất rồi, cháu ơi!”, bà tôi khe khẽ kêu lên. Tôi buột miệng hỏi lại bà: “Ông ấy toi rồi ạ?”. Bà quắc mắt nhìn tôi: “Cháu không được nói vậy. Nói như thế là không kính trọng ông ấy. Biết chưa?”. Tôi luống cuống rồi nhận ra sự ngờ nghệch vô duyên của mình. Đúng là đồ trẻ con. Tôi lí nhí: “Cháu xin lỗi. Tại cháu quen mồm bà ạ”. Bà tôi xuống giọng xí xóa: “Thôi. Không sao. Tranh thủ ăn tối rồi hai bà con mình sang với ông ấy”.

Vừa ăn, bà vừa kể giây phút cuối đời của ông Gù. Cứ tưởng ông ấy khỏe trở lại, nào ngờ như ngọn đèn sắp tắt, ông ấy bùng lên hôm kia rồi cứ thế lịm đi. May, lúc ông ấy sắp đi có bà với ông Huy ở đó. Ông lên cơn thở dốc, tay quều quào chỉ vào dưới gối của mình. Ông cố ra hiệu cho bà lại gần ông. Bà ghé đầu sát vào tai ông. Ông Gù nói thì thầm, đứt quãng: “Tôi…tôi đi đây…bà ạ. Đợi…đợi bà…ở…ở bên kia…bà nhé!”. Rồi ông ấy đuội ra, tắt thở. Đôi mắt ông ấy cứ trừng trừng nhìn bà. Ông Huy vội vàng vuốt mắt cho ông ấy. Bà gục đầu vào ngực ông ấy khóc nức nở.

“Con có biết không - bà tôi nói - Ông Gù chuẩn bị cái chết cho mình đấy. Ông ấy để bọc tiền và tờ giấy di chúc ở dưới gối. Lúc bà và ông Huy bế ông ấy lên thì thấy những thứ đó. Ông ấy cảm ơn dân làng Cổ Cò, dặn khi nào chết thì nhờ dân làng mai táng cho với số tiền mà ông ấy đã dành dụm được. Nếu còn dư chút nào đó thì ông ấy hiến tặng cho các cháu mẫu giáo mua đồ chơi. Rõ khổ. Sao lại có người chu đáo thế không biết”. Bà tôi thở dài. Đôi mắt bà ầng ậng nước.

Chờ cho bà tôi qua cơn xúc động, tôi hỏi bà: “Ông ấy tích cóp được nhiều tiền không bà?”. “Năm chục triệu tiền mặt và một cuốn sổ tiết kiệm hai mươi triệu nữa”. “Thế cơ ạ?”. Bà tôi lặng lẽ gật đầu. Có một bí mật bà tôi không nói ra, mãi sau này tôi mới biết. Đó là trong cái bọc ông Gù để lại có lá thư của bà tôi gửi ông ấy hồi hai người bén duyên nhau. Lá thư này được gói trong chiếc khăn mùi xoa thêu đôi chim đang bay và hai chữ NT lồng vào nhau xoắn xuýt. Đó chính là tên ông ấy và tên của bà tôi do bà tôi thêu tặng. Cầm những kỷ vật đó, ông Huy hiểu cả. Ông lặng lẽ nhìn bà cảm thông.

Đám ma ông Gù đông lắm. Hầu như cả làng Cổ Cò đưa tiễn ông.

Mãi ba ngày sau, bố tôi mới về tới nơi. Tôi theo bà và bố tôi lên nghĩa địa thắp hương cho ông. Ông Gù nằm đây, mồ yên mả đẹp. Xung quanh ngôi mộ phủ kín những vòng hoa. Những bông hoa đã bắt đầu héo. Thật bất ngờ, khi ba chúng tôi đến, nằm phủ phục cạnh ngôi mộ là con chó Vàng. Mấy hôm đám, không thấy nó đâu. Bây giờ thì nó nằm bẹp dí ở đây. Thấy chúng tôi đến, nó ngước cặp mắt mệt mỏi lên nhìn. Bụng nó lép kẹp. Người nó bẹp rúm. Mấy ngày nay chắc nó không ăn uống gì rồi. Vậy mà, bát cơm quả trứng trên nấm mồ kia vẫn còn nguyên. Tôi chạy đến vuốt ve nó. Nó khe khẽ rên ư ử, ngúc ngoắc đuôi, lờ đờ nhìn chúng tôi.

Bố tôi thắp hương cúi đầu lầm nhầm khấn vái trước mộ ông Gù. Cả bà tôi cũng thế. Sau đó, bà tôi đến bên con chó vỗ về. Chả biết bà có nói gì với nó không mà tôi thấy nó rên ư ử to hơn, đầu nó dụi mãi vào tay bà, còn đôi mắt thì cứ hướng mãi về phía mộ. Trên mộ, những nén nhang lập lòe cháy đỏ tỏa ngát hương thơm trong làn gió sớm mai đầu hạ. Nhìn về ngôi nhà dưới gốc đa tôi thấy ông Gù hình như vẫn đang ở đó. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”. Bất chợt văng vẳng bên tai tôi tiếng đàn và giọng hát của ông Gù. Hai khóe mắt tôi bỗng trào ra hai giọt lệ lăn dài trên đôi má.

Truyện dự thi: Lão gù - Ảnh 1.