Dân Việt

Cá tra sạch từ ao nuôi đến bàn ăn

06/12/2010 14:43 GMT+7
(Dân Việt) - Mấy năm gần đây, nông dân và các doanh nghiệp nuôi cá tra luôn đặt chất lượng an toàn lên hàng đầu, trong đó nguồn giống, thức ăn được kiểm tra hết sức nghiêm ngặt.
img
Nhờ đầu tư lớn vào sản xuất thức ăn chất lượng, cá tra ĐBSCL được thế giới đón nhận.

Việc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra vào danh sách đỏ, khuyên người tiêu dùng hạn chế sử dụng sản phẩm này là phi lý, bất công. Bởi thực tế, nghề chăn nuôi cá tra ở ĐBSCL đang được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế, sạch từ ao nuôi đến bàn ăn; cá tra Việt Nam không có vấn đề về thức ăn, vệ sinh môi trường như tổ chức này nhận định.

Con giống đạt chứng chỉ GlobalGAP

Chúng tôi tìm đến Trung tâm Giống thủy sản An Giang là một trong những đơn vị đầu tiên của ĐBSCL sản xuất cá tra bột và cá tra giống đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Trước đó, ngay từ năm 2005, trung tâm này đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tháng 8 - 2010 thì đạt chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho 2 mặt hàng là cá tra bột và cá tra giống.

Lâu nay việc nuôi cá tra của nước ta luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi giá cá tăng, nông dân đổ xô đi vay vốn nuôi cá, dẫn đến thừa nguyên liệu và giá cá rớt liên tục. Cá không bán được, nông dân không có tiền trả tín dụng, không có vốn tái đầu tư, rồi lại phải treo ao. Việc không quy hoạch được vùng nguyên liệu chính là nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra dù tăng mạnh nhưng vẫn thiếu sự bền vững. Đây cũng là nguyên cớ để nhiều nước, tổ chức viện cớ bêu xấu hình ảnh cá tra VN như trong thời gian qua.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL

Đây là tiêu chuẩn được kiểm soát rất nghiêm ngặt, tập trung vào quản lý chất lượng, an toàn và truy nguồn gốc vật nuôi. Cụ thể, trung tâm đã tuyển chọn đàn cá bố mẹ bằng thẻ từ, có nhận diện và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Chính điều này, sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng, tin tưởng. Từ đầu năm 2009 đến nay, trung tâm đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 450 triệu con cá tra bột và hơn 2 triệu con cá tra giống có hồ sơ truy xuất nguồn gốc.

Theo thống kê toàn vùng ĐBSCL có 5.775 cơ sở vừa và lớn sản xuất cá tra giống phục vụ cho thị trường. Trong đó, riêng 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang có số cơ sở và sản lượng chiếm 80% cả vùng.

Cá bột ươm thành cá giống cung cấp cho thị trường khoảng 2 tỷ con mỗi năm. Nếu như trước đây có nhiều cơ sở sản xuất theo dạng trôi nổi, khó kiểm soát, nay có rất nhiều cơ sở sản xuất lớn, các trung tâm sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. TS Dương Nhật Long – khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Xu hướng phát triển tất yếu trong sản xuất cá tra giống trong tương lai là cần vận dụng giải pháp kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo chất lượng.

Phải chuẩn hóa đàn cá bố mẹ, cho đánh dấu từng cá thể để dễ dàng nhận dạng và truy xuất nguồn gốc. Đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là xu hướng tất yếu để sản xuất giống cá tra trong tương lai”.

Thức ăn chất lượng quốc tế

Hiện nay, rất nhiều công ty chế biến thức ăn cho cá tra ở ĐBSCL đạt chất lượng cao nhằm giúp con cá phát triển tốt và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chính nguồn thức ăn là yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng của con cá tra thành phẩm. Năm 2008, Công ty cổ phần Chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã đầu tư 23 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho cá tra đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000.

Nhà máy cung cấp cho thị trường 300 tấn thức ăn/ngày. Ông Phan Dư Khánh- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh cho biết: “ Công ty có lợi thế từ nguồn nguyên liệu sạch sẵn có là cám từ các nhà máy chế biến gạo trực thuộc nên mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy.

img
 

Hầu hết sản phẩm làm ra đều phục vụ cho nông trại nuôi cá tra của Hiệp Thanh và một phần tiêu thụ cho thị trường nội địa”. Hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại với dây chuyền nhập khẩu từ châu Âu nên đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Minh Tuấn- Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến thức ăn Thủy sản Hiệp Thanh cho biết: “Nhà máy được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001: 2000 đã khẳng định được chất lượng sản phẩm làm ra.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, chúng tôi đang tiến hành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để được cấp chứng chỉ GlobalGAP. Dự kiến đầu năm 2011 công ty sẽ đạt tất cả các tiêu chuẩn của GlobalGAP”.

Ở Công ty cổ phần Thủy sản Việt Long (Phụng Hiệp, Hậu Giang) cũng sản xuất thức ăn cho cá tra với dây chuyền sản xuất hiện đại tương tự. Ông Trần Kê An - đại diện Thương mại Công ty cổ phần Thủy sản Việt Long cho biết: “Sản phẩm công ty làm ra đạt các tiêu chuẩn về chất lượng để giúp nông dân nuôi cá đạt hiệu quả cao, chất lượng cá tra đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt cho xuất khẩu. Trong đó, có nhiều hộ dân và trang trại đạt tiêu chuẩn sạch.

Châu Âu “khát” cá tra của Việt Nam

Các nhà nhập khẩu từ EU đang lo ngại thị trường này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu cá tra trong những tháng đầu năm 2011 bởi nguồn cung cá tra, basa của VN ở mức khan hiếm trong khi nhu cầu của thế giới là rất cao. Tháng 11-2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 110 triệu USD, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản VN ra thế giới. Trong đó mặt hàng cá tra đạt 43 triệu USD, chiếm 39%. (Mai Nguyễn)